Trẻ em thì rất đáng yêu dù đôi lúc chúng nghịch ngợm, ồn ào, bướng bỉnh đến mức khiến cha mẹ phải phát cáu lên. Tuy nhiên, con không thể mãi bé nhỏ trong vòng tay cha mẹ.
Theo thời gian, con sẽ lớn dần lên, sẽ bước vào cuộc đời và trải nghiệm cuộc sống theo cách riêng của mình.
Thế nên, nếu cha mẹ muốn con sau này sẽ trở thành một người độc lập, tự tin, sống có trách nhiệm, có chính kiến và sẵn sàng giúp đỡ người khác thì hãy "buông tay" 10 điều dưới đây để con được trưởng thành hơn từng ngày.
1. Để con được tự lập
Tốt nhất, cha mẹ không nên làm tất cả mọi thứ thay con. Bởi trẻ cần phải biết tự chăm lo cho cuộc sống của mình.
Tự mặc quần áo, buộc dây giày, soạn cặp đi học…là những công việc thường nhật mà cha mẹ nên để cho con tự làm.
Dù biết rằng trẻ làm sẽ rất mất thời gian và lộn xộn, nhưng cha mẹ cần nhớ một điều là bạn không thể ở bên cạnh để chăm lo cho con suốt đời. Do đó, thay vì làm cho con, hãy để con được tự chăm lo cho chính mình.
2. Cho con được tự lựa chọn
Hãy để trẻ được lựa chọn mọi thứ theo ý mình. Cha mẹ không nên chọn quần áo, đồ chơi hoặc can thiệp vào sở thích của con, càng tuyệt đối không nên quyết định những gì con nên thích và những gì nên tặng con.
Tốt nhất, cha mẹ chỉ nên đứng đằng sau và đưa ra lời khuyên cũng như cùng con thảo luận về sự chọn lựa sao cho hợp lý.
3. Cho con đi học một mình
Nếu có thể, cha mẹ hãy để con đi học một mình bằng xe đạp hoặc xe buýt.
Tuy nhiên, trước khi "thả" con, cha mẹ nên hướng dẫn cho con biết về luật giao thông, cách ứng xử nơi công cộng, các quy tắc an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
Sau vài lần tự đi một mình, cha mẹ sẽ thấy con tự tin, dạn dĩ và cứng cỏi hơn rất nhiều.
4. Dạy con cách kiểm soát cảm xúc
Trẻ em rất dễ bộc lộ cảm xúc. Con có thể hét thật to khi tức giận hoặc cười thật lớn khi vui vẻ hạnh phúc.
Song, cha mẹ nên dạy con cách kiểm soát cảm xúc của mình, không thể cứ tức giận lên là điên cuồng hét la, hay vui quá là nhảy cẫng lên cười thật lớn tiếng.
Trẻ cần phải biết nơi mình đang đứng là ở đâu để biết cách kiềm chế cảm xúc và ứng xử sao cho phù hợp.
5. Dạy con tự giác làm việc của mình
Mỗi người nên biết tự kỷ luật bản thân và tự giác làm công việc của mình. Do vậy, cha mẹ nên tập cho con tính tự giác.
Đánh răng trước khi đi ngủ, cất dọn đồ chơi sau khi chơi, làm bài tập về nhà... là những thói quen hàng ngày mà con cần phải tự giác hoàn thành.
Cha mẹ lưu ý là không kiểm soát hay can thiệp vào những gì con làm, hãy để con được tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
6. Hãy cho con cơ hội được nói về bản thân
Điều này là cần thiết để cho con cơ hội được nói về chính mình. Nó rất quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp của con, bởi con nên học cách trả lời các câu hỏi và phát triển những cách ứng xử đẹp.
Nếu không, cha mẹ tước đi quyền được trả lời, con có thể trở nên nhút nhát và đóng cửa lòng với người khác.
7. Cho con biết về luật nhân – quả
Nếu con làm sai, cha mẹ hãy chỉ cho con biết con đã sai ở đâu. Điều quan trọng là con cần nhận ra sai lầm của mình và tự rút ra bài học.
Đồng thời, con cũng nên hiểu rằng hành động của mình có thể dẫn đến những hậu quả nhất định. Tuy nhiên, cha mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh khi giải thích để con còn học được cách kiểm soát cảm xúc.
8. Cho con được thất bại và sai lầm
Cha mẹ nào chẳng thương con nhưng xin đừng bảo bọc con quá mức.
Ngoại trừ những thứ nguy hiểm, còn lại, cha mẹ nên để trẻ được nếm mùi thất bại và học cách đứng dậy từ những sai lầm để rút ra kinh nghiệm và bài học cho riêng mình.
Và cha mẹ hãy dạy trẻ rằng những sai lầm, thất bại, vấp ngã là một phần của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua, và ai có bản lĩnh đứng lên làm lại thì người đó sẽ thành công.
9. Cho con được phát biểu ý kiến của mình
Điều này rất hữu ích để con phát triển khả năng phản ánh và đưa ra ý kiến, đồng thời nó còn giúp con hình thành niềm tin vào bản thân dựa trên sự hiểu biết và cảm xúc của mình.
Trong tương lai, những đứa trẻ tràn đầy sự tự tin thể hiện ý kiến, tài năng, bản lĩnh của mình dễ thành công hơn những người khác.
10. Giao cho con làm việc nhà
"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" là câu răn dạy của bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi. Vậy nên, cha mẹ nên giao cho con những công việc phù hợp với từng lứa tuổi của con.
Chẳng hạn khi con 3 tuổi thì có thể dọn đồ chơi, dọn bàn ăn, cất sách lên kệ. Còn khi con được 4 tuổi thì có thể dọn giường, lau kệ sách, làm cỏ trong vườn…
Những công việc nhà tuy rất đơn giản nhưng nó góp phần vào sự phát triển của con và con sẽ thấm nhuần sự siêng năng và kỷ luật. Ngoài ra, điều này cũng dạy con biết giúp đỡ và tôn trọng người khác.