Việc có được kiến thức về quản lý tài chính cá nhân từ sớm sẽ giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho bất kỳ thứ gì chúng ta muốn làm khi trưởng thành. Theo một nghiên cứu của đại học Cambridge (Anh), thói quen về tài chính của trẻ nhỏ nên bắt đầu từ lúc 7 tuổi. Điều đó cho thấy rằng việc giáo dục trẻ về tài chính cá nhân từ sớm là thực sự cần thiết.
Mới đây trên fanpage của Shark Thái Vân Linh, cô sẽ chia sẻ 4 mẹo để bạn có thể giáo dục thói quen quản lý, sử dụng tiền thông minh cho trẻ ngay từ nhỏ.
Bắt đầu sớm với những kiến thức tài chính cơ bản
Bạn hãy bắt đầu quá trình giáo dục tài chính cho trẻ càng sớm càng tốt để giúp con hình thành thói quen và thái độ sử dụng tiền. Trước hết, bạn nên giới thiệu cho con biết về tiền bằng cách giải thích tiền là gì, nó được sử dụng như thế nào, và khái niệm trao đổi khi dùng tiền.
Khi cùng con đi siêu thị, bạn hãy đưa tiền cho bé để chi trả ở quầy thanh toán và chờ để lấy tiền thối lại. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng tiền chính là phương tiện trao đổi để lấy được thứ con cần.
Hình thành thói quen tiết kiệm trong ngắn hạn đến dài hạn
Những tương tác ban đầu của con với tiền phần nhiều sẽ liên quan đến việc chi tiêu. Bé sẽ thấy bạn sử dụng tiền để mua mọi thứ, kể cả những thứ dành cho con. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần dạy bé là tiền không chỉ để chi tiêu mà còn cần tiết kiệm.
Việc tiết kiệm chính là sự chuẩn bị và lập kế hoạch cho những mục tiêu trong tương lai.
Bạn có thể bắt đầu thói quen tiết kiệm cho bé bằng việc bỏ ống heo. Với trẻ nhỏ, bạn nên bắt đầu dạy bé đặt mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn, chẳng hạn như một món đồ chơi hoặc cuốn truyện tranh mà bé yêu thích.
Khuyến khích trẻ đặt mục tiêu ngắn hạn khi còn nhỏ sẽ giúp bé học được giá trị của sự hài lòng bị trì hoãn. Đến khi lớn, bé có thể tiết kiệm cho những món đồ lớn hơn, với mục tiêu dài hạn hơn.
Tạo cho trẻ cơ hội để kiếm tiền và học cách ra quyết định khi sử dụng nó
Mọi người thường đánh giá cao khoản tiền mình kiếm được hơn là được cho. Trẻ em nên có một khoản tiền nhỏ do các bé tự làm ra để con có thể học cách ra quyết định về việc sử dụng tiền của mình như thế nào.
Bạn cần làm rõ những công việc nhà nào không được trả phí vì đó là trách nhiệm mà mỗi thành viên cần thực hiện để giúp đỡ gia đình - chẳng hạn như bày bàn ăn, dọn dẹp bát đĩa. Bố mẹ có thể giao thêm một số việc mà khi hoàn thành tốt trẻ sẽ được thưởng thêm tiền tiêu vặt như rửa rau củ hay đấm lưng cho bố mẹ. Đây là cách giúp bé hiểu được giá trị của lao động và kết quả của việc làm việc chăm chỉ.
Học cách tạo lập ngân sách
Việc học cách lập ngân sách ngay từ nhỏ sẽ giúp ích cho trẻ khi trưởng thành. Khi trẻ đã làm quen với các khái niệm về tiền, cách dùng tiền hợp lý, và cách tiết kiệm tiền, bạn có thể bắt đầu cung cấp cho trẻ một khoản trợ cấp theo thời gian (bắt đầu từ 1 ngày đến 1 tuần, 1 tháng và sau đó là 3 tháng).
Tiếp theo, hãy nói cho bé biết rằng đó là tất cả số tiền bé sẽ nhận được trong một khoảng thời gian và bé được tự mình quyền quyết định việc quản lý và chi tiêu nó. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi cách con phân bổ và sử dụng tiền để đưa ra lời khuyên giúp trẻ có những quyết định tốt hơn với ngân sách sẵn có.
Bạn có thể hướng dẫn bé chia khoản tiền của mình vào 3 lọ: Chi tiêu - Tiết kiệm - Cho đi. Số tiền bỏ vào từng lọ sẽ do các bé tự quyết định. Nhờ đó, bé sẽ biết cơ bản về việc dòng tiền của mình đang đi đâu về đâu.
Có thể sẽ mất một thời gian dài để có thể hình thành và luyện tập thói quen quản lý tài chính cho trẻ, nhưng chính sự kiên trì của bậc cha mẹ hôm nay sẽ là nền tảng giúp bé vững vàng tài chính hơn trong tương lai.