Vào thời xa xưa, Hoàng đế được xem như những người ở ngôi "cửu ngũ chí tôn". Họ chẳng những nắm trong tay quyền lực tối thượng mà còn sở hữu một hậu cung với không ít phi tần, mỹ nữ.
Thế nhưng chính những thê thiếp đông đúc nơi hậu cung đã khiến các vị vua Trung Hoa xưa thường xuyên phải đau đầu vì một nỗi phiền não mang tên thị tẩm.
Để có thể duy trì sự ổn định của các hậu phi, nhà vua sẽ thường xuyên phải ban "ơn mưa móc" một cách đều đặn cho số phi tần của mình. Nếu Hoàng đế chỉ mãi độc sủng một người, hậu cung chẳng mấy chốc sẽ vì sự bất bình đẳng ấy mà nổi lên sóng gió.
Tuy nhiên tinh lực và thời gian của Thiên tử là có hạn, vậy làm thế nào để "ơn mưa móc" có thể được ban phát một cách công bằng nhất?
Để giải quyết vấn đề này, nhiều vị Hoàng đế đã nghĩ ra phương pháp thuận theo tự nhiên để đảm bảo sự công bằng.
Tuy nhiên thị tẩm vốn được ví như canh bạc đổi đời, để có thể được sủng ái, không ít phi tử đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để câu dẫn Thiên tử, thậm chí còn không ngại mượn lực từ hoa lá và có đôi khi là cả động vật.
Tranh sủng nhờ xe dê - chuyện thật tưởng như đùa trong hậu cung nhà Tấn
"Dương xa vọng hạnh" là điển cổ kể về giai thoại Tấn Võ Đế dùng xe dê để chọn người thị tẩm. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Vào thời nhà Tấn, vị Hoàng đế khai quốc Tấn Vũ Đế từng nổi tiếng là người sở hữu trong tay một hậu cung đồ sộ. Theo sử liệu ghi lại, số phi tần và cung nữ trong cung của vị vua này có thời điểm lên tới gần 15 ngàn người.
Chính số lượng thê thiếp đông đúc và đồ sộ ấy đã khiến Tấn Vũ Đế ngày nào cũng gặp phải phiền não.
Nếu như thường dân bách tính mỗi khi tối đến thường băn khoăn không biết bữa nay ăn gì, ngày mai làm gì, thì Tấn Vũ Đế mỗi khi mặt trời lặn đều đau đầu không biết đêm nay mình sẽ thị tẩm vị mỹ nhân nào.
Đối mặt với vấn đề nhìn qua thì đơn giản nhưng lại khó giải quyết như vậy, Tấn Vũ Đế đã nghĩ ra một phương pháp đi trước thời đại bằng cách thuận theo tự nhiên.
Theo đó, mỗi ngày nhà vua sẽ ngồi trên một chiếc xe dê, để cho con dê kéo xe tùy ý đi lại trong hậu cung. Chiếc xe dê ấy dừng trước cửa cung của mỹ nhân nào thì buổi tối Hoàng đế sẽ nghỉ lại đó. Đây cũng chính là điển cố "dương xa vọng hạnh" được truyền lại cho tới ngày hôm nay.
Theo lý thuyết, cách lựa chọn ngẫu nhiên của Tấn Vũ Đế được xem là hết sức công bằng. Thế nhưng các phi tần chốn thâm cung lại ngấm ngầm dùng trăm phương ngàn kế để thu hút xe dê của Hoàng đế.
Vì biết loài dê vốn thích mùi của nước muối, có vị phi tử thông minh đã rải nước muối lên con đường dẫn tới cung mình, người thì lại để thức ăn yêu thích của là cành dâu ở trước cửa cung. Xe dê của nhà vua vì vậy mà ngày nào cũng tới những nơi này, có khi còn ở lì tại đó ăn uống mà không đi.
Có ý kiến cho rằng, biện pháp của Tấn Vũ Đế nhìn qua tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thực chất lại là một mũi tên bắn trúng ba đích.
Cách làm này vừa giúp nhà vua giải quyết vấn đề chọn người thị tẩm, vừa khiến các phi tần động não để rèn luyện trí óc, lại có thể giải quyết nhu cầu ăn uống của con dê kéo xe một cách đơn giản, gọn lẹ.
Từ đó có thể thấy, đôi khi những phi tần cao tay trong chốn hậu cung thực chất cũng chỉ là một vài quân cờ trên bàn cờ mua vui đầy thâm sâu của Thiên tử.
Phi tần nhà Đường và những chiêu bài câu dẫn Hoàng đế nhờ mượn tay hoa, bướm
Tương tự như Tấn Võ Đế, Đường Huyền Tông cũng từng mượn lực từ tự nhiên trong việc chọn người thị tẩm và chỉ thay đổi công cụ sử dụng. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Vào giai đoạn hưng thịnh của triều nhà Đường, vị vua nổi tiếng Đường Huyền Tông cũng từng gặp phải nỗi phiền não giống Tấn Vũ Đế năm xưa. Thế nhưng sự thực là hậu cung của vị vua này thậm chí vượt xa Vũ Đế, tương truyền số cung nhân mỹ nữ thời bấy giờ có lúc lên tới cả 40 ngàn người.
Đối với số lượng phi tử đông đúc này, việc dùng xe dê để chọn người thị tẩm đã không còn khả thi, mà "chiêu bài" rắc muối, dùng cành dâu để dụ dê từ sớm đã được nhiều người nằm lòng.
Sau một hồi suy tính, Đường Huyền Tông đã dựa trên cơ sở thuận theo tự nhiên của vua Tấn năm xưa để sáng tạo ra một cách làm mới.
Theo đó, mỗi ngày khi tới giờ chọn người thị tẩm, nhà vua sẽ cho các mỹ nữ đứng xếp thành từng hàng, để họ cài hoa tươi trên đầu. Con bướm trong tay nhà vua đậu vào bông hoa của phi tần nào thì người đó sẽ được thị tẩm.
Để có được ơn mưa móc của Hoàng đế, hậu phi trong cung vì vậy liền ngày đêm suy tính nghĩ cách để… dụ bướm!
Bấy giờ, có phi tần khôn ngoan đã nghĩ ra cách rắc phấn hoa lên trang sức trên đầu. Thế nhưng cách làm này thực chất cũng đem tới không ít rủi ro. Bởi phấn hoa vừa có khả năng gây ra dị ứng, lại vừa có nguy cơ dẫn dụ ong hoặc một vài loại côn trùng khác.
May mắn là phương pháp mượn bướm chọn hoa của Đường Huyền Tông cũng không duy trì quá lâu. Tới khi nhà vua độc sủng Dương Ngọc Hoàn thì những màn chọn lựa cầu kỳ và mưu mô này cũng dần trở nên thưa thớt trong hậu cung Đường triều.
Lời kết
Tới thời nhà Thanh, quy định quản lý hậu cung đã trở nên càng lúc càng nghiêm ngặt. Số lượng phi tử của nhà vua ít nhiều cũng được giới hạn.
Theo đó, những tước vị cao quý như Hoàng hậu, Hoàng Quý phi chỉ được có một người, Quý phi cũng chỉ có 2 vị, Phi tử có 4 vị, Tần có 6 vị, cấp thấp như Đáp ứng, Quý nhân có thể không hạn chế số lượng.
Vào giai đoạn này, phương pháp chủ yếu để lựa chọn người thị tẩm là cách lật bảng. Mặc dù cách làm này vẫn ít nhiều phụ thuộc vào cảm tình của nhà vua đối với mỗi phi tần, nhưng chung quy thì "ơn mưa móc" vẫn được ban phát đều đặn.
Thế nhưng dù sử dụng cách chọn lựa nào, thì những cuộc chiến chốn thâm cung ở mỗi thời cũng chưa bao giờ bớt đi sự khốc liệt.
Đây cũng là lý do vì sao người xưa thường truyền tai nhau những câu nói như "cửa vào hậu cung sâu như biển", "thâm cung là chiến trường không đao kiếm", là nơi "ăn thịt người"…
Phi tử vốn có nhiều, mà Hoàng đế lại chỉ có một. Chính điều ấy đã buộc những mỹ nhân chốn thâm cung phải dùng trăm phương ngàn kế để có được ân sủng.
Vì vậy sẽ không quá lời nếu nói rằng, nghề làm Nương Nương cũng khó khăn và nguy hiểm chẳng kém là bao so với nghề làm Hoàng đế.
*Dịch từ các báo nước ngoài