Ngày thứ 6 của tháng Giêng âm lịch còn được người Trung Quốc xem là ngày của Ngựa.
Từ thời nhà Tần – Hán, theo quan niệm truyền thống thì mùng 1 là ngày của Gà, mùng 2 là ngày của Chó, mùng 3 là ngày của Lợn, mùng 4 là ngày của Dê, mùng 5 là ngày của Bò, mùng 6 là ngày của Ngựa và mùng 7 là ngày của Người.
Truyền thuyết kể rằng, bởi vì lúc Nữ Oa tạo ra vạn vật, bà đã tạo ra 6 con vật gà, chó, lợn, dê, bò và ngựa trước tiên, sau đó mới đến con người. Do đó, từ mùng 1 đến mùng 6 là ngày của 6 loài vật kia.
Thời nay, mùng 6 là ngày kết thúc chuỗi ngày vui chơi mùa Tết. Dựa trên quan niệm "ngày của ngựa" và câu tục ngữ "Mã đáo thành công", nhiều người đã chọn ngày này để khai trương, bắt đầu một năm mới kinh doanh phát đạt.
Nhiều người đã chọn ngày mùng 6 để khai trương cửa hàng, công việc buôn bán.
Ngày của Ngựa còn được gọi là ngày "Ấp Phì", là ngày đầu tiên bắt đầu làm việc trong năm mới.
Từ mùng 1 đến mùng 5, con người đã không dọn dẹp gì cả nên bụi bặm và rác thải sẽ "ứ đọng" khá nhiều. Vì thế, đến ngày này họ sẽ quét dọn sạch sẽ tất cả. Ngày này cũng là ngày những người nông dân chuẩn bị cho mùa trồng trọt mới.
Những bài ca dao dân gian ở Quảng Châu cũng có nhắc đến những con "ma nghèo" (thần nghèo, Cùng Tử). Và người dân Trung Quốc quyết định chọn ngày mùng 6 để "xua đuổi ma nghèo".
Dân gian Trung Quốc cho rằng, "ma nghèo" chính là con trai của vua Chuyên Húc thời cổ đại. Đứa bé rất yếu ớt và thấp bé, thích mặc những trang phục rách rưới, nhàu nát.
Thậm chí nếu đưa một trang phục mới thì nó cũng xé hoặc đốt cháy trước khi khoác lên người. Vì thế mọi người gọi là "Cùng Tử".
Vào một ngày nào đó trong tháng Giêng, "Cùng Tử" chết, cung nhân chôn cất đứa bé và nói: "Ngày hôm nay đưa tiễn Cùng Tử". Từ đó về sau, "Cùng Tử" trở thành con ma nghèo mà ai ai cũng sợ hãi.
Một bức vẽ minh họa phong tục "đánh đuổi" ma nghèo vào mùng 6 Tết.
Theo một nhà nghiên cứu người Trung Quốc, ở triều nhà Đường, con người bắt đầu thịnh hành hoạt động "tiễn ma nghèo", họ luôn gọi là "ma" mà không phải là "thần".
Tuy nhiên, từ nhà Minh – Thanh, "ma nghèo" mới được tôn thành "thần nghèo". Nhưng rốt cuộc là thần hay ma thì không ai biết rõ.
Có nhiều cách thức "xua đuổi cái nghèo" ở khắp Trung Quốc nhưng về ý nghĩa đều giống nhau, đều vì muốn "tống cổ" những con "ma nghèo" ra khỏi nhà.
Phong tục này phản ánh tâm lý của người Hoa thường hy vọng xóa bỏ những cái cũ để chào đón cái mới, xóa bỏ sự nghèo khó, đau khổ của năm cũ để chào đón cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới.