“Mày biết nó là bảo vệ của tao không?”: Mùi nước mắm và lá bùa hộ mệnh

Bùi Hải |

Tướng Liêm đã nói câu ấy khi chiến sĩ CSGT yêu cầu tài xế xuống xe xuất trình giấy tờ. Thực ra, ai mới có thể bảo vệ ông?

Không biết lái xe có đúng là người bảo vệ của ông không, nhưng chắc chắn nếu tướng Liêm có 1.000 nhân viên như thế thì họ cũng không thể bảo vệ được ông trước thế giới phẳng.

Cả tấm thẻ mà ông đưa ra đe cách chức cả giám đốc CA Cần Thơ, cũng không thể trở thành một tấm bùa hộ mệnh, trước quyền lực tuyệt đối của sự thật trong một thế giới mà mọi hành vi đều có thể được phán xét của cả triệu người.

“Mày biết nó là bảo vệ của tao không?”: Mùi nước mắm và lá bùa hộ mệnh - Ảnh 1.

Ông Liêm xúc phạm CSGT.

 Cú điện thoại ông gọi cho Đại tá Thành, trưởng CA quận Bình Thủy, cũng không bảo vệ được ông. Đại tá Thành chính thức phủ nhận việc đồng ý cho xe của tướng Liêm đi khi vi phạm chưa được xử lý.

Không thể phủ nhận rằng, nhờ có những đóng góp, cống hiến, mà tướng Liêm đã được nắm giữ những vị trí quan trọng. Nhưng hào quang quá khứ ấy cũng không bảo vệ được một người, nếu người đó hành xử ngược hẳn với đạo đức, hình ảnh mà ở vị trí đó họ buộc phải có hoặc vẫn thường chứng tỏ.

“Mày biết nó là bảo vệ của tao không?”: Mùi nước mắm và lá bùa hộ mệnh - Ảnh 2.

Tôi rất mong đây chỉ là cú "sảy miệng" nhất thời của một cựu ĐBQH, của một người đã từng dạn dày trong môi trường kỷ cương, kỷ luật sắt như quân đội, bởi nếu nó không phải hành vi bột phát, thì chắc chắn có nhiều chuyện phải bàn sâu hơn nữa.

Mùi nước mắm ai đó cố tình đổ lên xe ô tô chở bà phó chủ tịch quận, hẳn nhiên là rất khẳm, trong một ngày hè Hà Nội, vì nó không chỉ bốc mùi vật chất mà còn bốc mùi hành xử không thượng tôn pháp luật.

Nhưng thái độ lạm quyền của quan chức trước những dân thường thấp cổ bé họng thì còn nặng mùi hơn cả nước mắm đổ vấy.

Cú điện thoại, sự hiện diện của hai thuộc cấp và chức tước của vị quan chức ấy cũng không bảo vệ được bà khỏi bàn mổ dư luận.

Ở một môi trường thiếu minh bạch thì quyền lực có thể giấu nhẹm, bảo vệ được nhiều khuất tất, nhưng mạng xã hội thì không chỉ có góc tối, mà còn có nhiều khoảng sáng của sự sòng phẳng.

Ông Nguyễn Sự, khi còn làm bí thư Hội An, từ chối ô tô, chỉ đạp "xe độp" đi làm. Ít khi thấy ông com lê, cà vạt, xách ca táp oai phong lẫm liệt. Một người đến khi về hưu vẫn giống một ông nông dân, ở trong ngôi nhà tồi tàn.

Ấy thế mà với nhân dân, người đàn ông không biết hống hách ấy lại là một nhân vật "quyền lực". Những thứ giản dị, "nghèo khó" ấy đã bảo vệ hữu hiệu nhân cách và hình ảnh của một con người không sợ quyền trên, không sách nhiễu dưới.

Chả thế lực nào có thể "đánh" được ông. Mọi thứ về con người, tài sản của ông đều không ẩn khuất trong bóng tối.

Thời xưa, khi phải thề thốt một điều gì đó về một việc làm nào đó, người ta thường nói: "Trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết". Thuở ấy thì trời và đất luôn luôn không nói gì. "Anh biết" nhưng anh ngại tôi, nên cũng không nói. "Tôi biết" nhưng tôi dại gì khai ra.

Thời nay khác xa. Khi "anh biết" và "tôi biết" thì có thể hàng chục triệu người khác cũng sẽ biết.

Vì vậy, tấm bùa hộ mệnh duy nhất có thể bảo vệ được chính chúng ta trước bàn mổ của dư luận và pháp luật, là tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng người khác như tôn trọng chính mình.

Thời @, mọi thứ đều "quá nhanh, quá nguy hiểm", đừng nghĩ theo lối cũ: "Kiếm củi 3 năm, thiêu một giờ". Đã có không ít trường hợp "kiếm củi 62 năm, thiêu một giờ", thật tiếc!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại