Nhà máy xe lửa Gia Lâm tại 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, có diện tích lớn nhất với hơn 204.000 m2, bao gồm trụ sở, nhà xưởng sửa chữa toa xe.
Vào tháng 4/1955, Tổng cục Đường sắt tiếp tục nhận, quản lý lô đất và giao Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm) sử dụng.
Từ khi tiếp quản đến nay, Tổng cục Đường sắt và đơn vị kế thừa là VNR đã liên tục quản lý, vận hành, sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa đầu máy, toa xe phục vụ.
Nhà máy này được thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm. Phần đất này được quy hoạch sẽ là đất công cộng thành phố.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội có quyết định về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1). Danh sách có 9 cơ sở nhà, đất sẽ phải di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND Thành phố phê duyệt danh mục. Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm trong danh sách này.
Tuy nhiên hiện nay, các khu nhà xưởng tại đây để cây cỏ mọc um tùm, che kín nhiều thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.
Hiện trạng hoang tàn của nhà máy xe lửa Long Biên.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hiện đang trở thành điểm nhấn lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với nhà xưởng, đầu máy trở thành không gian nghệ thuật triển lãm, trưng bày...
Trước đó, thông tin về việc nhà máy xe lửa di dời được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều câu hỏi đặt ra, quỹ đất vàng 20ha này sẽ được sử dụng như thế nào.
Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.
Trước đó, đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội từng cho rằng, đề xuất sử dụng quỹ đất này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.