Xe máy điện bị tài xế Gojek, Grab chán ghét: Chỉ phù hợp để vận chuyển hàng hóa, khách không chịu đặt xe vì lo hết điện dọc đường

Vũ Anh |

50% tài xế muốn quay lại sử dụng xe máy thường.

Kể từ tháng 9 năm 2022, Ita Puspita thuê xe máy điện từ Grab và bắt đầu công việc của một tài xế công nghệ. Tuy nhiên, việc đạt đủ KPI lượt đặt chỗ thông qua ứng dụng không hề dễ dàng. Số lượng hủy chuyến tăng lên và Puspita nghĩ tất cả là do khách hàng không muốn ngồi xe điện. Hơn nữa, ngay cả khi có đơn đặt xe, người phụ nữ này cũng sẽ phải liên tục để mắt đến các trạm sạc vì sợ xe hết pin dọc đường.

“Chúng tôi không thể tùy hứng chọn đi bất kỳ đâu. Còn phải xem chỗ đó cách trạm sạc bao lâu nữa”, Puspita nói. “Đây là công việc khó khăn. Nếu được, tôi thực sự muốn một chiếc xe máy chạy xăng bình thường”.

Puspita là một trong số rất nhiều các tài xế thuê xe máy điện để làm việc cho Gojek, Grab và inDrive. Đa số đều đồng tình rằng khách hàng không muốn chọn những cuốc xe năng lượng sạch vì sợ bất tiện. Bản thân các tài xế cũng kiếm được ít tiền hơn do những thách thức liên quan đến việc sạc và thay pin. 50% cho biết họ muốn quay lại sử dụng xe máy thường.

Theo Faris Adnan Padhilah, nhà nghiên cứu thuộc Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu, xe máy điện không thực sự phù hợp để vận chuyển hành khách tại Indonesia vì phụ thuộc nhiều vào pin, trọng lượng và điều kiện đường xá. “Những chiếc xe đó phù hợp để vận chuyển hàng hóa nhỏ hoặc thực phẩm chứ không phải con người”, Faris Adnan Padhilah nói.

Chia sẻ với Rest of World, Padhilah cho biết loại xe điện hoạt động gần giống phương tiện tiêu chuẩn là của Gogoro, đối tác của Gojek. Tuy nhiên, phí thuê của Gogoro rất cao, dao động trong khoảng 33.000-50.000 rupiah (2-3 USD), trong khi phí đổi pin là 20.000 rupiah (1,30 USD).

Chính phủ Indonesia kỳ vọng nước này sẽ có 1,8 triệu chiếc xe điện mới vào năm 2025, song song rất nhiều chương trình trợ cấp. Việc các nền tảng gọi xe tập trung tiếp cận xe điện theo đó giúp đáp ứng mục tiêu chung của giới chức.

Gojek, công ty dẫn đầu thị trường gọi xe Indonesia, đặt mục tiêu mọi phương tiện trên ứng dụng sẽ đều là xe điện vào năm 2030. “Không phát thải là mục tiêu của công ty chúng tôi”, Tanah Sullivan, đại diện nhóm phát triển bền vững tại GoTo, công ty mẹ của Gojek, nói với Rest of World . “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách giúp xe máy điện trở nên hữu ích và không gây gánh nặng cho tài xế”.

Theo Rest of World, Gojek đang xây dựng một nhà máy để sản xuất 250.000 chiếc xe điện vào năm 2024. Hãng cũng đã liên doanh với các công ty năng lượng tư nhân và nhà nước để tung ra mẫu xe máy điện mới Electrum H5. Trong khi đó, Grab cùng chính phủ Indonesia triển khai Lộ trình hệ sinh thái xe điện vào năm 2019, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất ô tô điện và pin trong khu vực.

“Nhiều công ty bắt đầu nhận ra rằng phương tiện này sẽ trở nên phổ biến ở Indonesia. Đó là một phân khúc sẽ tăng tốc nhanh hơn nhiều trong thời gian tới”, Vivek Lath - một đối tác của McKinsey & Co cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore.

Đầu năm nay, inDrive đã bắt đầu cung cấp xe máy điện với mục tiêu có 400 chiếc trên đường phố vào cuối tháng 11/2023. “Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là có thêm nhiều xe máy điện trên đường phố để tài xế chuyển đổi”, Georgy Malkov, giám đốc phát triển kinh doanh của inDrive, nói với Rest of World.

“Ở châu Á, đó thực sự là một nhu cầu hàng ngày. Rất nhiều việc khác nhau, từ vận chuyển hàng hóa, đưa đón con người từ điểm này sang điểm khác đều được thực hiện bằng các phương tiện hai bánh. Vì vậy, đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất”, Vivek Lath nói.

Theo Rahul Gupta, đối tác liên kết tại McKinsey, xe máy điện có thể chiếm tới 50% thị trường xe máy tổng thể tại ĐNÁ vào năm 2030, cao hơn so với mức 20% của ô tô.

Các quốc gia như Indonesia - vốn đã là những thị trường lớn đối với xe tay ga và xe máy - sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này, đặc biệt khi các công ty giao hàng như Grab và GoJek cam kết chuyển hoàn toàn đội xe sang xe điện.

“Các khu vực đông đúc với phương tiện giao thông công cộng không đầy đủ sẽ tiếp tục lựa chọn xe máy điện”, một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng trong nước khiến các tài xế chật vật.

Một người tên Kurnianto, 51 tuổi, cho biết ông vừa thay pin xe máy điện vào đêm hôm trước song nay đã gần cạn.

“Chúng tôi làm việc dưới ánh nắng mặt trời đã đủ mệt mỏi rồi. Nếu pin không tốt, nó ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của tôi”, Kurnianto nói và lưu ý rằng đây là chuyện thường xuyên xảy ra.

Theo các hành khách, chỉ có 5 trạm đổi pin trên khắp vùng Nam Jakarta. “Nên có nhiều hơn. Lý tưởng nhất là mọi trạm xăng đều cung cấp dịch vụ đổi pin”, Fajar Muhammad, một tài xế xe máy điện Gojek nói.

Supadi, một tài xế xe điện 48 tuổi của Gojek, tâm sự việc nhận được đơn đặt hàng trong 3 tháng qua ngày càng khó khăn hơn.

“Gần như không thể kiếm được 150.000 rupiah (9,60 USD) mỗi ngày, trong khi phí thuê hàng ngày là 40.000 rupiah (2,60 USD). Lý tưởng nhất là kiếm đủ tiền thuê nhà và mua đồ ăn, song thực tế không dễ như vậy”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại