Các quân nhân kiểm tra tấm che titan trên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III ngày 24/8/2023, tại hầm chứa Bravo 9 ở Căn cứ không quân Malmstrom. Ảnh: AP
Trong một căn phòng vô trùng tại một nhà máy được bảo vệ nghiêm ngặt ở thành phố Kansas (Mỹ), những người kỹ thuật viên đang chăm chút cho từng đầu đạn hạt nhân.
Công việc đòi hỏi tính chính xác cao cùng với sự tỉ mỉ và khéo léo của những nhân viên kỹ thuật vì thiết kế mỗi đầu đạn đều có hàng nghìn lò xo, bánh răng và các điểm tiếp xúc phối hợp hoạt động cùng lúc và nhịp nhàng để tạo ra vụ nổ hạt nhân. Một vết xước nhỏ trên đầu đạn cũng đủ để khiến quả bom bay chệch hướng.
Cách đó khoảng 1.300 km ở bang New Mexico, trong một tầng hầm có tường thép bao quanh, những nhân viên kỹ thuật tại đây cũng làm một công việc không kém phần "khó nhằn". Họ phải gắn theo người máy theo dõi bức xạ, đội kính bảo hộ và đeo găng tay 7 lớp để tham gia tạo hình lõi plutonium cho đầu đạn mới.
Đây chỉ là hai trong số những căn cứ tên lửa hạt nhân và cơ sở sản xuất vũ khí bí mật chịu trách nhiệm bảo trì kho vũ khí hạt nhân đã có tuổi thọ lên tới hàng chục năm của Mỹ.
Chính phủ Mỹ thông báo nước này sẽ chi hơn 750 tỷ USD trong thập kỷ tới để cải tạo gần như mọi bộ phận của hệ thống phòng thủ hạt nhân lâu đời. Các quan chức cho biết không thể chờ đợi lâu hơn được nữa do một số hệ thống và bộ phận đã hơn 50 năm tuổi. Đây được cho sẽ là cuộc cải tổ hạt nhân lớn nhất của chính phủ Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Đã gần 80 năm kể từ lần cuối cùng vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ cảnh báo hòa bình có thể không kéo dài. Họ đánh giá Washington đã bước vào một kỷ nguyên hỗn loạn với các mối đe dọa toàn cầu, bao gồm việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân và Nga liên tục đe dọa sử dụng bom hạt nhân ở Ukraine.Trước tình hình như vậy, những loại vũ khí cũ kỹ của Mỹ cần phải được thay thế để đảm bảo chúng hoạt động.
Marvin Adams, Giám đốc chương trình vũ khí của Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết: "Điều chúng tôi muốn làm là bảo tồn cuộc sống mà không cần phải tham gia các cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, trong kho vũ khí của chúng ta, không có thứ gì thực sự có tác dụng ngăn chặn được kẻ thù trừ khi chúng ta có nền tảng và năng lực răn đe hạt nhân".
Theo các hiệp ước quân sự, Mỹ bị giới hạn 1.550 đầu đạn hạt nhân. Trước kế hoạch hiện đại hóa vũ khí của chính phủ, các kỹ thuật viên, giới khoa học và đội tên lửa quân sự nước này phải đảm bảo các vũ khí cũ tiếp tục hoạt động cho đến khi vũ khí mới được lắp đặt.
Dự án được đánh giá là tham vọng đến mức các cơ quan giám sát cảnh báo chính phủ có thể không đạt được mục tiêu đề ra. Chương trình cũng vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng kho vũ khí hiện tại, mặc dù cũ kỹ, nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu.
Để bảo trì kho vũ khí hạt nhân hiện tại, mọi trách nhiệm nặng nề đặt lên vai đội ngũ quân nhân và kỹ thuật viên trẻ tuổi của chính phủ.
Do không còn được phép tiến hành các vụ thử hạt nhân gây nổ, các nhà khoa học không thể xác định được chính xác tuổi thọ của lõi plutonium trong đầu đạn hạt nhân ảnh hưởng như thế nào đến sức mạnh của một vụ nổ. Câu hỏi tương tự cũng đặt ra với các bộ phận phổ biến hơn như phần nhựa, kim loại và hệ thống dây điện trong ngòi nổ.
Chính vì vậy, công việc của các kỹ thuật viên là phải liên tục thử nghiệm trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. Tại Cơ sở An ninh Quốc gia Thành phố Kansas thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, các kỹ thuật viên sẽ phải làm nóng từng bộ phận của đầu đạn hạt nhân đến nhiệt độ cực cao, thả chúng ở tốc độ mô phỏng một vụ tai nạn máy bay và chịu cảnh rung lắc hàng giờ.
Các cuộc thử nghiệm nhằm mục đích mô phỏng các tình huống trong thế giới thực, từ việc lao vào tấn công mục tiêu hay vận chuyển trên một con đường gồ ghề trong một hành trình kéo dài. Đối với phần lõi plutonium, các kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos sẽ tiến hành các đánh giá tương tự, đặt plutonium dưới áp suất, nhiệt độ và áp suất cực cao để đảm bảo nó có thể nổ tung như dự tính.
Tuy nhiên, phần khó khăn nhất trong công tác bảo trì đầu đạn hạt nhân là tìm bộ phận thay thế và cách kiểm tra để xem chúng có ảnh hưởng tới chất lượng của đầu đạn hạt nhân hay không. Hầu hết các đầu đạn hạt nhân có thiết kế từ hàng chục năm trước.
Rất nhiều trong số những nhà sản xuất và nhà thầu quốc phòng tham gia sản xuất đầu đạn hạt nhân xưa kia đều không còn hoạt động. Điều này buộc các phòng thí nghiệm hạt nhân của chính phủ Mỹ phải thiết kế lại các bộ phận cũ dựa trên sự hỗ trợ của máy tính và kỹ thuật in 3D.
Không thể phủ nhận mức độ căng thẳng do tính chất công việc mà những nhân viên làm tại các cơ sở này đang phải đối mặt. "Nếu tôi không bơm hơi đủ cho một quả bóng rổ ở phòng tập thể dục, sẽ không có ai quan tâm. Nhưng nếu tôi làm gì đó với một trong những loại vũ khí ở đây, tổng thống sẽ biết chuyện sau 45 phút", Thượng sĩ Andrew Zahm, lãnh đạo cấp cao nhóm bảo trì tại Căn cứ Không quân Warren, chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu bảo trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, các cơ sở đã tiến hành tuyển dụng rầm rộ. Nhà máy ở Kansas hiện có 6.700 nhân viên, tăng 40% kể từ năm 2018 và có kế hoạch bổ sung thêm vài trăm nhân viên. Trong cùng khoảng thời gian đó, phòng thí nghiệm Los Alamos đã bổ sung hơn 4.000 nhân viên.