Mức độ leo thang xung đột ở Ukraine nếu Mỹ vượt lằn ranh đỏ của Nga

Kiều Anh |

“Rủi ro ở đây là người ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn, sẵn sàng vi phạm lằn ranh đỏ nhưng sau đó mọi thứ sẽ nhanh chóng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát”, học giả cấp cao Jennifer Kavanagh tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho hay.

Hai tháng trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã tập trung hơn 100.000 binh lính ở biên giới và gửi tới NATO danh sách các yêu cầu của nước này, theo đó đề nghị NATO ngừng kết nạp thành viên mới. Danh sách này cũng yêu cầu các nước NATO “không nên tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào trên lãnh thổ Ukraine cũng như các quốc gia khác” ở Đông Âu. Ngoài ra, Moscow đề nghị NATO di chuyển tất cả các lực lượng khỏi 14 quốc gia gia nhập NATO sau khi Liên Xô tan rã. Nga cho rằng NATO “không nên triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất” tại các khu vực “cho phép chúng vươn tới lãnh thổ” của Nga.

Mức độ leo thang xung đột ở Ukraine nếu Mỹ vượt lằn ranh đỏ của Nga - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga. Ảnh: Reuters

Moscow cho biết các đề nghị trên sẽ dọn đường cho việc làm giảm căng thẳng với phương Tây. Tuy nhiên, phương Tây đã không chấp nhận các yêu cầu trên và vào cuối tháng 2/2022, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kể từ đó đến nay, Mỹ và đồng minh đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev, dần dần vượt qua các lằn ranh mà Nga đặt ra, từ cung cấp hệ thống pháo phản lực HIMARS đến xe tăng và gần đây nhất là việc Washington cho phép châu Âu cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.

Lằn ranh đỏ Mỹ chưa sẵn sàng vượt qua

Tuy nhiên, vẫn còn một lằn ranh mà Washington vẫn chưa vượt qua. Bất chấp Ukraine nhiều lần kêu gọi, Mỹ vần từ chối hỗ trợ Kiev các tên lửa phóng từ mặt đất có thể tấn công vào lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công Nga”, Tổng thống Biden nhận định với báo giới hồi tháng 9 năm ngoái và ông vẫn không thay đổi quyết định kể từ đó.

Với nhiều nhà phân tích, quyết định của Tổng thống Biden có những lý do sâu xa. Các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga hoặc Bán đảo Crimea có thể vi phạm các lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin mà các cuộc tấn công trước đó chưa chạm tới.

“Đó là Crimea và lãnh thổ Nga. Tôi lo ngại về việc vượt qua một trong những giới hạn căn bản này”, ông Austin Carson – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago chuyên nghiên cứu về leo thang căng thẳng nhận định.

Ukraine cho rằng những lo ngại này xa rời thực tế bởi trước đó, nước này đã tấn công vào Crimea và lãnh thổ Nga nhưng không có sự việc nào khiến xung đột lan rộng. Trên thực tế, Moscow vẫn chưa leo thang căng thẳng sang NATO. Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa phóng từ máy bay có thể vươn tới lãnh thổ Nga. Pháp cũng có động thái tương tự.

Nhà khoa học chính trị Ukraine Polina Beliakova tại Cao đẳng Dartmouth đánh giá, Ukraine không thể sống sót trên chiến trường và tiếp tục chiến đấu với những vũ khí hiện tại. Nếu không có những vũ khí tiên tiến hơn, thậm chí một đội quân có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ nhất cũng khó có thể đánh bại đối thủ có khả năng vượt trội.

Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) là một vũ khí mạnh mẽ. Được phát triển vào cuối Chiến tranh Lạnh và lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, ATACMS có thể phóng thẳng từ các phương tiện mà Washington đã cung cấp cho Kiev. Dù vậy, lo ngại leo thang căng thẳng, Mỹ đã điều chỉnh các phương tiện trên để Ukraine không thể dử dụng chúng phóng các tên lửa tầm xa. Tên lửa ATACMS có thể di chuyển với vận tốc rất nhanh khiến cho chúng rất khó bị đánh chặn và có tầm hoạt động lên tới 300km.

Các đặc điểm này khiến cho ATACMS chắc chắn có nhiều lợi thế hơn so với các tên lửa của Anh. Tên lửa mà London hỗ trợ Kiev mặc dù rất mạnh mẽ nhưng tầm hoạt động không bằng ATACMS và cần được phóng từ máy bay chiến đấu. Ngoài ra, hệ thống radar trên các tiêm kích của Ukraine không hiện đại bằng các hệ thống radar được trang bị trên chiến đấu cơ phương Tây, khiến cho các phi công rất khó để nhắm trúng mục tiêu. Các tên lửa của Anh sẽ trở nên hữu ích hơn nếu Kiev nhận được các tiêm kích F-16 nhưng Ukraine sẽ chưa thể sử dụng chúng, ít nhất là trong một vài tháng. Ngoài ra, Kiev cũng không còn lại nhiều tên lửa.

“Sẽ không có vũ khí nào tương tự ATACMS. Không gì có thể thay thế nó”, ông Andriy Zagorodnyuk – cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhận định.

Ông Zagorodnyuk cho rằng nếu Ukraine được cung cấp, ATACMS sẽ mang tới lợi thế to lớn. Chẳng hạn, các tên lửa này sẽ giúp Kiev tấn công các bốt chỉ huy và kho vũ khí của Nga dễ dàng hơn – những cơ sở vốn nằm sau tiền tuyến nhưng lại trong phạm vi 300km. ATACMS cũng sẽ giúp quân đội Ukraine chia cắt hành lang trên đất liền nối lục địa Nga với Bán đảo Crimea. Kiev cho rằng các cuộc tấn công trên sẽ giúp họ làm suy yếu đáng kể các lực lượng của Nga ở phía Nam Ukraine, tạo thuận lợi cho các cuộc phản công. Chúng thậm chí có thể dọn đường cho Ukraine giành lại Bán đảo Crimea, vốn được coi là mục tiêu quân sự khó khăn nhất của Kiev.

Nguy cơ leo thang khi giới hạn cuối cùng bị thách thức

Ukraine cho rằng việc giành lại Crimea có thể chấm dứt xung đột và bảo vệ nước này, đặc biệt trong bối cảnh Nga sử dụng Crimea để tổ chức lực lượng. Tuy nhiên, Washington lại bày tỏ lo ngại trước nỗ lực giành lại Crimea của Kiev. Chính quyền Tổng thống Biden đã công khai tuyên bố Ukraine có quyền giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea nhưng các quan chức cấp cao Mỹ đã nhiều lần ám chỉ rằng việc theo đuổi mục tiêu giành lại Crimea quá nguy hiểm. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định, chiến dịch giành lại Crimea sẽ là “lằn ranh đỏ” của điện Kremlin.

Mức độ leo thang xung đột ở Ukraine nếu Mỹ vượt lằn ranh đỏ của Nga - Ảnh 2.

Một UAV phát nổ khi nó bị bắn hạ trong cuộc tấn công UAV của Nga nhằm vào Kiev ngày 28/5. Ảnh: AFP

Về lý thuyết, Mỹ có thể cung cấp hệ thống tên lửa ATACMS với điều kiện Ukraine sẽ không sử dụng chúng để tấn công Crimea. Tuy nhiên, Ukraine sẽ khó có khả năng chấp nhận điều kiện đó.

“Điều đó sẽ đặt ra một tiền lệ coi Crimea là trường hợp đặc biệt và đó chính là mục đích của Nga”, ông Zagorodnyuk nói.

Ukraine thậm chí có thể sử dụng các tên lửa trên để tấn công vào lãnh thổ Nga. Theo Washington Post, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kín đáo đề xuất tấn công vào các ngôi làng của Nga để gây ảnh hưởng với điện Kremlin. Trước đó, RT đưa tin, một số xe bọc thép do Mỹ sản xuất nằm trong số những phương tiện đã bị phá hủy ngày 22/5, khi một đơn vị của Ukraine bị đánh bại sau khi tiến công vào khu vực biên giới Belgorod của Nga. Cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặt câu hỏi về tính xác thực trong các video và hình ảnh Nga công bố. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, chính phủ Mỹ chỉ cung cấp thiết bị cho Ukraine chứ không phải "các tổ chức bán quân sự ngoài Lực lượng Vũ trang Ukraine".

Kiev khẳng định sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa Mỹ. Tuy nhiên, dù trong điều kiện nào, việc đảm bảo các tên lửa sẽ không vượt qua biên giới Nga là bất khả thi.

“Rủi ro ở đây là người ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn và tấn công vào lằn ranh đỏ nhưng sau đó mọi thứ sẽ nhanh chóng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát”, học giả cấp cao Jennifer Kavanagh tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho hay. Trong kịch bản tồi tệ nhất, vòng xoáy leo thang có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhà phân tích Kavanagh cho rằng, Moscow có thể leo thang theo nhiều cách mà không sử dụng tới vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như dội bom xuống các thành phố Ukraine, hoặc tấn công mạng các nước NATO.

Theo chuyên gia Margarita Konaev, Phó Giám đốc tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi, nguy cơ Nga tấn công NATO dù là tấn công mạng hay hình thức khác dường như vẫn còn xa nhưng không phải là bất khả thi, đặc biệt khi Moscow “không coi mình đang chiến đấu với Ukraine mà là với NATO”.

Lý do mà Nga đưa ra, theo bà, không phải là không có lý. Trên thực tế, Moscow đang chiến đấu chống lại các hệ thống vũ khí của NATO. Quân đội của nước này đang bị đạn dược của các nước NATO tấn công. Các lực lượng của Ukraine cũng đang hoạt động dựa trên thông tin tình báo do Mỹ cung cấp.

“Điều duy nhất là họ không chiến đấu với quân đội NATO trên chiến trường”, chuyên gia Konaev đánh giá. Bà cho rằng nếu Ukraine thường xuyên nã pháo vào Crimea hoặc lãnh thổ Nga bằng các vũ khí do Mỹ sản xuất, Nga sẽ phản ứng như thể NATO đang tấn công vào nước này.

Dù vậy, một số nhà phân tích đặt câu hỏi về sự do dự của phương Tây và cho rằng điều đó xuất phát từ việc phương Tây muốn ngăn Ukraine giành chiến thắng.

“Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chưa bao giờ nói về chiến thắng. Họ vẫn nói về cái kết khó đoán của câu chuyện này. Vì thế, mục tiêu chính trị của phương Tây không rõ ràng, ông Zagorodnyuk nhận định.

Một số quan chức Ukraine không mấy lạc quan về việc nhận được tên lửa từ Washington. Nhưng họ cho rằng, Mỹ và đồng minh từng thay đổi các quyết định trước đây. Với xe tăng và tiêm kích F-16, những nhận định của phương Tây dường như liên quan đến các lo ngại kỹ thuật nhiều hơn là rủi ro an ninh. Họ cho rằng những vũ khí trên sẽ mất nhiều thời gian và công sức để học cách sử dụng. Liên quan đến hệ thống ATACMS cũng có những rủi ro về kỹ thuật khi nhiều chuyên gia Mỹ lo ngại về nguồn cung hạn chế của Washington hoặc việc công nghệ nhạy cảm lọt vào tay Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại