Saudi Arabia đang theo đuổi việc thành lập một liên minh với 6 nước có đường biên giới giáp Biển Đỏ và Vịnh Aden, một khu vực có vị trí chiến lược và quan trọng đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu. Các đại diện đến từ Ai Cập, Djibouti, Somalia, Sudan, Yemen và Jordan mới đây đã nhóm họp ở Riyadh để thảo luận về sáng kiến này.
Vậy mục đích của sáng kiến này là gì, nếu trở thành hiện thực, sẽ tác động ra sao đến an ninh khu vực?
Mục đích của liên minh mới này là nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh giữa các quốc gia Arab và châu Phi giáp Biển Đỏ và vịnh Aden cũng như tìm kiếm lợi ích chung, tăng cường an ninh và ổn định ở cấp khu vực và quốc tế.
Liên minh này còn thể hiện trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo an ninh và an toàn cho tuyến hành lang quan trọng, nơi đã và đang tiếp tục là cầu nối giao tiếp giữa các nền văn minh và văn hóa, tuyến liên kết chính giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Liên minh chiến lược này còn góp phần vào sự ổn định ở khu vực nhạy cảm đầy biến động cũng như ngăn chặn bất kỳ các yếu tố tiêu cực và can thiệp từ bên ngoài.
Đạt được điều đó sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa các nước với toàn thế giới, nhất là về thương mại, kinh tế khi đây là tuyến đường quan trọng trong vận tải hàng hải và dầu, khí đốt với khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày đi qua.
Bên cạnh đó, khu vực này an ninh đầy biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các hoạt động buôn lậu vũ khí và các nhóm khủng bố, buôn bán ma túy, cướp biển.
Nhiều báo cáo chiến lược và tình báo đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc mở rộng và lan rộng các nhóm khủng bố Hồi giáo Jihad, Phong trào Mujahideen ở Somalia, Al Qaeda ở vùng Sừng châu Phi và Yemen, cũng như các chi nhánh khác của Al-Qaeda ở Somalia và Yemen.
Do đó, việc hình thành liên minh này sẽ góp phần nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối về giao thông hàng hải ở biển Đỏ và vịnh Aden, đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế.
Những tác động đến cấu trúc an ninh khu vực
Đây là vị trí chiến lược đối với thương mại toàn cấu nói chung và các nước trong khu vực nói riêng. Đây là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Trao đổi thương mại quốc tế qua tuyến đường chiến lược này chiếm tới 13% tổng thương mại thế giới, tương đương 2.400 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, đây lại là khu vực có nhiều mối đe dọa về an ninh từ khủng bố, cướp biển tới xung đột. Do đó, liên minh 7 quốc gia được kỳ vọng sẽ là một khởi đầu mạnh mẽ để đảm bảo an toàn bờ biển của các quốc gia Ả Rập từ vịnh Aden đến Kênh đào Suez.
Liên minh sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định, an ninh trong khu vực nói chung và an toàn ở khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden nói riêng, hợp tác đối mặt với những nguy cơ từ bên ngoài tìm cách gây bất ổn.
Thứ hai, liên minh mới sẽ tăng cường sức mạnh của các thành viên, củng cố sự ổn định trước các mối đe dọa của khủng bố, chống cướp biển.
Tuy nhiên, liên minh này cũng được cho là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran. Bởi từ đầu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách thiết lập sự hiện diện quân sự ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Nước này đã thành lập một căn cứ quân sự ở Somalia - một căn cứ quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài lãnh thổ của họ.
Iran cũng được cho là một thách thức khi nước này triển khai quân sự thông qua hai hình thức là dựa vào chính mình thông qua việc thành lập các căn cứ quân sự nổi trên vùng biển quốc tế, đặc biệt là ngoài khơi Yemen và thứ hai là sự hiện diện quân sự ủy nhiệm thông qua lực lượng dân quân Houthi ở Yemen.
Theo các chuyên gia, những gì Saudi Arabia đang làm để “nhổ bật” sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Iran từ khu vực biển Đỏ thông qua các nỗ lực quốc phòng và nghĩa vụ pháp lý của các nước trong đó.
Thứ ba, Saudi Arabia và các nước GCC từ lâu đã quan tâm đến lục địa châu Phi. Các nước này coi trọng tầm quan trọng chiến lược của các quốc gia Sừng châu Phi, kiểm soát eo biển Bab el Mandeb cùng với Yemen.
Eo biển Bab el Mandeb là tuyến vận chuyển chính cho xuất khẩu dầu GCC theo hướng tây. Nhập khẩu thực phẩm châu Phi vào UAE đã tăng 170% kể từ năm 2010. Đây cũng phù hợp với chiến lược tầm nhìn của Saudi Arabia 2030 bao gồm lợi ích từ Biển Đỏ và đầu tư của nước này vào các nước xung quanh.
Thứ tư, eo biển Bab al-Mandeb ở lối vào phía nam của Biển Đỏ trải dài trên lãnh hải của ba quốc gia: Yemen, Djibouti và Eritrea. Tầm quan trọng của nó xuất phát từ thực tế rằng đây là cảng duy nhất được kiểm soát hoàn toàn ở Biển Đỏ, cả về quân sự và thương mại.
Sáng kiến này liệu có khả thi?
Rõ ràng các nước trong liên minh đều nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích kinh tế của sự liên kết này, nhất là trong bối cảnh khu vực Trung Đông, Châu Phi luôn đầy biến động, thách thức về an ninh ngày càng lớn. Chính vì vậy sau cuộc để thảo luận về sáng kiến này ở cấp Bộ trưởng các bên đều thống nhất sẽ gặp "sớm" tại Cairo để thảo luận về kỹ thuật.
Các nước đều cho rằng, đây là sự nhạy bén của Saudi Arabia đối với an ninh của các nước Arab và Châu Phi giáp Biển Đỏ và Vịnh Aden, đồng thời tin tưởng liên minh sẽ đóng góp cho an ninh của khu vực và đạt được nguyện vọng của các dân tộc trong an ninh, chính trị và kinh tế.
Liên minh chiến lược này là một sáng kiến của Quốc vương Saudi Arabia, khi nước này vẫn có những tiếng nói và ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực và các nước Hồi giáo. Điều đó khiến cho sáng kiến có tính khả thi cao.
Nếu các nước đồng thuận sẽ góp phần đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư và liên kết nền kinh tế.
Đó là chưa kể tới các nước này đang có nhiều dự án chiến lược biển ở Biển Đỏ như Saudi Arabia vừa công bố các dự án khổng lồ trên Biển Đỏ, bao gồm khu kinh tế trị giá 500 tỷ USD hợp tác với Ai Cập và Jordan cũng như một điểm đến du lịch xa xỉ như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ.
Những nỗ lực của bảy quốc gia trong việc bảo đảm hàng hải quốc tế. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược và an ninh của Liên minh 7 quốc gia và được cộng đồng quốc tế ủng hộ./.