Sau nhiều năm đối đầu với Damascus, các nước Saudi Arabia, UAE đột nhiên thay đổi thái độ, gọi Syria là "người anh em Ả Rập" và đề nghị được hợp tác. Tất cả cũng chỉ vì Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Syria đang thoát dần khỏi thế cô lập.
Trong những diễn biến mới nhất thời gian qua, giới quan sát tin rằng có vẻ như các quốc gia Ả Rập đã thay đổi thái độ của mình từ việc chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sang hàn gắn quan hệ và đặt nền tảng cho sự gắn kết của một đồng minh trong tương lai.
Tuần trước, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ đàm phán mở lại đại sứ quán tại Damascus và khôi phục lại quan hệ đầy đủ với Syria.
Sau khi mở cửa biên giới Nassib trên biên giới Jordan-Syria, lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở quốc gia này bắt đầu, Syria hiện đã có một con đường xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Jordan.
Đồng thời, người Israel mới đây cũng bàn giao biên giới Quneitra qua vùng Cao nguyên Golan do nước này kiểm soát cho Damascus sau bốn năm đóng cửa.
Không chỉ là những con đường mở ra cho Damascus mà điều này còn đại diện cho những chiến lược thay đổi của các quốc gia Ả Rập hùng mạnh nhất trong khu vực, tiến tới thiết lập một mối quan hệ đối tác lâu dài với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo trang tin al-Masdar News, Saudi Arabia và Syria đang làm việc thông qua các kênh trung gian của UAE để đạt được một sự hòa giải chính trị.
Sự thay đổi bất ngờ
Trong một bước ngoặt đầy trái ngược so với trước đó, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Bahrain và Kuwait đột nhiên nhận ra rằng, họ cần phải tăng cường quan hệ với Syria để trở thành một đối trọng đối với sự hiện diện của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại đây, theo Middle East Eye.
Trong lúc truyền thông vài tuần qua bị chi phối bởi vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi và số phận tương lai của Thái tử Mohammed Bin Salman – những bước đi chiến lược âm thầm của Damascus đã lấy lại nhiều thứ quan trọng từ các quốc gia Ả Rập chủ chốt.
Damascus hiện đang lặng lẽ tái định vị chính mình như là trọng tài chính trong cuộc đua giành quyền kiểm soát các điểm nóng chiến lược ở Trung Đông.
Các tuyên bố gần đây của UAE, Bahrain và các quan chức Ai Cập đã chỉ ra rằng, họ muốn Syria "một vấn đề riêng của thế giới Ả Rập", tách biệt khỏi tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Theo cách mà các quốc gia Ả Rập hiểu, chỉ bằng cách hợp tác với Damascus, họ mới có thể cân bằng ảnh hưởng của Tehran và Ankara.
Ngoài ra, thế giới Ả Rập cũng bắt đầu nhận ra, chính sách cô lập chính quyền Assad và Syria suốt 7 năm qua sẽ không giúp ích gì cho mình. Ngược lại, nó còn cho phép người Thổ và người Iran gây dựng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tại đây.
Lợi tức của Assad
Tháng 9 năm ngoái, đã có nhiều cuộc tranh luận xung quanh cuộc trò chuyện thân tình giữa các Ngoại trưởng Syria và Bahrain tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sau đó, Ngoại trưởng Bahrain tuyên bố, các nước Ả Rập đã sẵn sàng làm việc với Syria.
Rất nhiều điều thuận lợi đang nằm trong tay Tổng thống Assad.
Một vài tháng trước, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, việc cô lập Syria ra khỏi Liên đoàn Ả Rập là một sai lầm và thế giới Ả Rập cần phải hợp tác với Damascus ngay lập tức.
Đầu tháng này, trả lời phỏng vấn trên tờ Al-Shahed, Tổng thống Assad tự hào cho biết, Syria đã đạt được một mức độ thấu hiểu mới với các nước vùng Vịnh và Ả Rập mà trước đây đã từng phản đối sự tồn tại của chính quyền Damascus.
Ngay cả Thái tử Saudi Arabia gần đây cũng được cho là đã công khai kêu gọi công nhận chiến thắng của Tổng thống Assad và chấp nhận quyền lực hợp pháp của ông để đổi lấy việc đẩy Iran ra khỏi đất nước này.
Đây là một đầu mối quan trọng cho vai trò tương lai của Damascus. Saudi và UAE có hai mục tiêu: Đầu tiên là giảm bớt dấu chân của Iran tại Syria và thứ hai là đảm bảo Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ không đứng trước Riyadh và Abu Dhabi trong danh sách quan hệ gần gũi nhất với Damascus.
Các nước vùng Vịnh đang ngày càng lo ngại về việc các thế lực không phải là người Ả Rập đang ngày càng hiện diện và gây ảnh hưởng tại các "thủ phủ" trung tâm của Ả Rập như Damascus, Cairo và Baghdad.
UAE và Saudi thậm chí thừa nhận rằng, không phải chính họ mà Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mới là những nhà lãnh đạo khu vực Trung Đông trong thời điểm hiện tại.
Địa chính trị hay ý thức hệ?
Saudi Arabia và UAE đang có sự đối đầu với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia đang tìm cách gây dựng ảnh hưởng của mình nhờ Iran và Nga. Trước đó, Saudi cũng thẳng thừng tuyên bố rằng, họ muốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi Qatar.
Trục UAE-Ai Cập cũng gặp khó khăn trong việc chống lại trục Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar cả ở Libya cũng như Gaza. Đồng thời, thỏa thuận năng lượng Qatar-Nga gần đây được xem là mối đe dọa đối với lợi ích kinh tế của Saudi Arabia.
Điều này đã khiến Damascus có rất nhiều triển vọng để trở thành đồng minh mới của các quốc gia Ả Rập trong thời gian tới. UAE, Kuwait và Bahrain đều công khai gọi Syria là "người anh em Ả Rập" của mình và yêu cầu những người không phải Ả Rập như người Thổ và người Iran nên rời khỏi.
Hai quốc gia Ả Rập có sức mạnh quân sự lớn nhất là Ai Cập và Algeria gần đây đã luôn ủng hộ chính quyền Assad bằng cả hỗ trợ quân sự lẫn kinh tế cho Damascus.
Cho dù đó là nhu cầu địa chính trị đối với người Saudi và UAE - để nắm lấy cánh tay của Tổng thống Assad, hay các mục tiêu ý thức hệ để xua đuổi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar - tất cả những điều này đều diễn ra trong tầm tay Syria.
Tình hình này không khác gì các cuộc tranh luận trước đó giữa vua Abdullah của Saudi Arabia và Tổng thống Assad sau vụ ám sát Rafiq Hariri tại Lebanon năm 2005. Khi đó, người Saudi đã xóa bỏ sự thù địch của họ đối với Damascus để chống lại ảnh hưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Và một trong những minh chứng tiêu biểu nhất - quốc gia thù địch nhất với Damascus trong khu vực là Jordan - cho đến đầu năm nay vẫn còn bí mật hỗ trợ cho phiến quân chống lại Tổng thống Assad, nhưng hiện tại đã mở cửa biên giới với Syria trong một động thái báo hiệu sự thay đổi lập trường của Amman.
Giới quan sát tin rằng, với những diễn biến thuận lợi trên, đã đến thời điểm Tổng thống Assad và Damascus sẵn sàng quay trở lại với người Ả Rập.