Mua S-400: Ấn Độ chơi trội trước Trung Quốc

Mỹ Đức |

Theo kế hoạch mua sắm vũ khí Nga của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nước này sẽ mua hệ thống S-400, trực thăng Mi-17, máy bay Il-76, MiG-29, xe tăng Т-90S...

Ấn Độ chơi trội

Kế hoạch mua sắm này được đăng chính thức trên bảng Pano Chương trình Sản xuất ở Ấn Độ "Made in India" tại Triển lãm quốc tế công nghiệp Innoprom tại thành phố Yekaterinburg - Nga. Ấn Độ có kế hoạch thuê mua hai tàu ngầm nguyên tử lớp Akula-2 với dự kiến sẽ sở hữu hai tàu ngầm này sau thời gian thuê.

Ngoài ra, theo thông tin bên lề Triển lãm Innoprom, Ấn Độ đã đặt mua của Nga 80 chiếc trực thăng Mi-17, 6 chiếc máy bay vận tải Il-76 sử dụng radar Falcon của Israel. Cùng theo những tài liệu được công bố trong chương trình Sản xuất tại Ấn Độ, quốc gia này dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 1.000 xe tăng Т-90S và 200 máy bay trực thăng Ка-226.

Ấn Độ cũng sẽ đầu tư 900 triệu USD để hiện đại hóa các máy bay tiêm kích MiG-29. Ấn Độ và Nga cùng thống nhất kế hoạch liên kết phối hợp phát triển tên lửa hành trình chống tàu siêu âm BrahMos, tiêm kích PAK FA thế hệ 5, chương trình sản xuất máy bay Su-30MKI và máy bay vận tải chiến thuật Il-76.

 Mua S-400: Ấn Độ chơi trội trước Trung Quốc  - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400

Dù tiết lộ kế hoạch mua sắm hệ thống phòng thủ S-400 nhưng Ấn Độ không cho biết chi bao nhiêu tiền cho thương vụ này. Tuy nhiên, theo tờ United News of India hồi đầu năm 2016, Nga vừa đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng không tối tân S-400 với trị giá lên tới 10 tỷ USD.

Theo nguồn tin này, trong cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga - Ấn về hợp tác kỹ thuật-quân sự, hai bên đã nhất trí thông qua thỏa thuận hợp tác song phương lớn về lĩnh vực quốc phòng, trong đó Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triump cho Ấn Độ.

Giá trị của hợp đồng này lên đến 700 tỷ rupee, tương đương với 10 tỷ USD, biến hợp đồng này thành hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Ấn Độ.

Hiện nay, cả Nga và Ấn Độ đều úp mở, không chính thức xác nhận thông tin này. Nhưng theo đánh giá của truyền thông nước ngoài cho rằng, trước đó Ấn Độ đã đề xuất chính phủ mua khoảng 12 hệ thống S-400 Triump của Nga.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào số tiền Ấn Độ và trước đó là Trung Quốc đã bỏ ra để mua hệ thống S-400 thì số lượng không thể dừng lại ở con số 12 hệ thống. Bởi chỉ với trên 3 tỷ USD, Trung Quốc đã mua được 6 tiểu đoàn S-400, trong khi đó số tiền của Ấn Độ quyết định chi cho thương vụ này nhiều gấp 3 lần của Trung Quốc.

Vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi

Theo Military Today, S-400 Triumf là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Quân đội Nga bắt đầu phát triển S-400 từ cuối những năm 1990. Ban đầu nó được gọi là S-300PMU3. Văn phòng thiết kế Trung ương Almaz là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Về cơ bản, S-400 là phiên bản nâng cấp toàn diện từ S-300PMU2.

Cấu hình của hệ thống gồm: Radar trinh sát 91N6E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 600 km. Radar điều khiển hỏa lực 92N6E có khả năng dẫn bắn cho tên lửa ở cự ly 400 km, radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E. Xe chỉ huy trung tâm 55K6E, xe tiếp đạn, xe mang phóng. Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tiểu đoàn S-400 có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu.

Đánh giá về S-400, tiến sĩ Robert Farley, thuộc Đại học Washington, Mỹ nhận định, mỗi khẩu đội S-400 có thể bắn 3 loại đạn tên lửa khác nhau với phạm vi tác chiến tối đa tới 400 km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo mạnh mẽ.

Ông Farley từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Học thuyết quân sự nhấn mạnh thêm, các hệ thống cảm biến của S-400 hoạt động rất hiệu quả giúp thiết lập khu vực phòng thủ trước mọi mối đe dọa từ trên không.

Các nhà phân tích quận sự trên thế giới đều đồng tình với nhận định rằng, S-400 là vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi ở những khu vực mà nó được triển khai.

Với đặc tính kỹ chiến thuật mạnh mẽ của S-400, vũ khí này trở thành công cụ quan trọng trong các toan tính quân sự của các nước. Trước đó, Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên của S-400 ngoài quân đội Nga. Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 4 trung đoàn S-400 trị giá 3 tỷ USD. Lô hàng đầu tiên có thể giao sau 12 đến 18 tháng.

Việc Trung Quốc mua S-400 gây nhiều bất lợi cho hoạt động của Không quân Ấn Độ nếu xảy ra xung đột. Nhà phân tích J. Michael Cole nhận định, Trung Quốc có thể triển khai S-400 dọc biên giới để vô hiệu hóa hoạt động của Không quân Ấn Độ từ sâu bên trong lãnh thổ nếu xảy ra chiến tranh.

Trong khi đó, năng lực phòng không của Ấn Độ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng phòng thủ tầm xa. Do đó, New Delhi muốn mua S-400 để lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của nước này, đặc biệt là năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh việc mua S-400, Ấn Độ cũng đang phát triển hệ thống phòng không nội địa Prithvi Air Defence (PAD) để đánh chặn tầm cao trên 75 km và Advanced Air Defence (AAD) để tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao dưới 15 km.

Nếu hợp đồng S-400 được ký kết, Ấn Độ có thể tạo ra thế cân bằng với Trung Quốc trong năng lực phòng không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại