Mua nhà nhưng bỏ quên 28 năm, chủ nhà bỗng phát hiện có người sống bên trong, còn bị đòi trả 700 triệu: Sự thật khiến tất cả bất ngờ

Nguyệt |

Cuối cùng, căn hộ này thuộc về ai?

Đây là câu chuyện của gia đình bà Trương (Trung Quốc), đang sinh sống ở nước ngoài. Năm 1992, bà Trương đã chi hơn 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) để mua 1 căn hộ rộng 144m2 ở Thâm Quyến. Sau đó, bà và gia đình chuyển ra nước ngoài sinh sống.

Bà đã bỏ quên căn hộ này 28 năm. Cho đến khi bà nhớ đến chúng, căn hộ này đã bị người khác chiếm lấy.

Căn hộ bỏ hoang 28 năm bỗng nhiên có "chủ mới"

Cụ thể vào năm 2020, con gái bà Trương sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài đã chuyển về Trung Quốc sinh sống và làm việc. Cô muốn cùng một vài người bạn tốt khởi nghiệp và chọn Thâm Quyến làm thành phố để định cư lâu dài.

Bà Trương hỏi con và bạn có muốn sống trong căn nhà thô sơ 144m2 mà cô đã từng mua trước đó không. Trước đề nghị này của mẹ, con gái liền gật đầu đồng ý. Bấy giờ giá bất động sản ở Thâm Quyến ngày càng tăng cao nên giá thuê nhà cũng cao chóng mặt. Có một nơi ở miễn phí tại Thâm Quyến sẽ giúp con gái và bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí kinh doanh.

Bà Trương lo sợ con gái sẽ gặp vấn đề khi chuyển đến căn hộ, nên đã nhờ anh trai là ông Trương cũng sinh sống ở Thâm Quyến đến tận nơi để kiểm tra. Bà Trương nghĩ dù căn hộ nằm ở vị trí giao thông thuận lợi nhưng vì bỏ hoang đã lâu nên có thể tồn tại rủi ro cho an toàn của con gái.

Ông Trương đến thăm nhà thì phát hiện suy nghĩ của em mình hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, một căn nhà đã bị bỏ hoang 28 năm thì hẳn nhiên giờ này phải tích tụ một lớp màng bụi, cửa xuống cấp. Nhưng căn nhà trước mặt ông lại sạch sẽ, thậm chí còn dán câu đối Tết ngay trước cửa ra vào.

Căn hộ nằm ở chung cư cũ nhưng có vị trí giao thông thuận tiện

Thấy cửa nhà đóng, ông Trương bèn gõ cửa và nói ra mục đích của mình. Không ngờ rằng, người ở trong lại nói rằng cha họ đã mua căn hộ rồi.

Quá bất ngờ trước cảnh tượng trước mắt, ông Trương cầm hợp đồng mua bán nhà đất được em gái gửi cho mình và xem kỹ lưỡng. Ông Trương xác nhận bản hợp đồng không có vấn đề, ông cũng không tìm nhầm nhà. Sau đó, ông bèn liên hệ với công ty quản lý chung cư.

Nhưng điều ông Trương không ngờ tới là công ty quản lý chung cư này mới thành lập vào năm 2018. Họ đã không tiến hành điều tra kỹ lưỡng về các chủ hộ sau khi họ chuyển đến tiếp quản dự án chung cư này. Đối với căn nhà đang tranh chấp, công ty này không lưu trữ hồ sơ về chủ căn hộ. Hàng năm, "chủ nhà" này vẫn đều đặn đóng chi phí chung cư nên họ càng không thấy dấu hiệu bất thường nào.

Không thể đưa ra bằng chứng xác minh em gái là chủ căn hộ, ông Trương chỉ có thể liên hệ lại với người đang sinh sống tại căn hộ, mong hai bên có thể cùng nhau trao đổi xem có chuyện gì xảy ra.

"Chủ nhà" nói rằng căn hộ hiện tại là do bố mua. Anh ta từ chối cung cấp thêm các thông tin liên quan khác. Nhận thấy "chủ nhà" và bố anh ta có điều gì đó muốn che giấu, ông Trương lập tức gọi điện nhờ cảnh sát vào cuộc.

Vén màn sự thật

"Chủ nhà" sau khi nhìn thấy cảnh sát tiến vào nhà thì anh ta mới đồng ý gặp ông Trương và thừa nhận những vấn đề tồn tại khi mua căn hộ.

Hoá ra, khi hỏi mua căn hộ, "chủ nhà" đánh giá chúng nằm ở vị trí tốt, có giá bán thấp. Đánh giá căn hộ này là "món hời" nên "chủ nhà" còn lo sợ căn nhà sẽ bị bán về tay người khác. Do đó, chủ nhà lập tức ký hợp đồng và thanh toán tiền cho môi giới, bất chấp đối phương còn không đưa được giấy chứng nhận bất động sản và chìa khoá nhà cho mình.

Khi đến nơi, "chủ nhà" phát hiện anh ta không có chìa khoá để vào nhà. Đồng thời, anh ta không thể liên lạc lại với môi giới. Lúc này, "chủ nhà" đã phán đoán được bản thân có thể bị lừa. Tuy nhiên, anh ta nghĩ rằng tiền không thể tiêu vô ích nên đã liên hệ với thợ để phá khoá. Sau đó, anh cải tạo lại căn hộ và cùng gia đình sống ở căn nhà cho đến nay.

Nghe lời tường trình của "chủ nhà", ông Trương không thể kìm nén cơn tức giận. Ông liền chất vấn chủ nhà: "Gia đình anh mua được căn hộ với giá thấp như vậy mà không cảm thấy mình đã sai chỗ nào sao?".

Ban đầu, những người sống trong căn hộ kiên quyết không chịu dọn đi

"Chủ nhà" nói tiếp, thực ra khi mới chuyển đến ở trong căn hộ, anh ta vẫn còn lo lắng rằng nhà này có vấn đề. Trong hai năm đầu tiên, bất kể sự xáo trộn nhỏ nào ở căn hộ và chung cư cũng có thể khiến anh ta run lên vì sợ hãi.

Nhưng sau hơn 20 năm sinh sống, "chủ nhà" thấy không có ai gõ cửa tìm đến nhà mình, trong khi đó, công ty quản lý toàn chung cư này cũng đổi chủ hết lần này đến lần khác. Do đó, chủ nhà bắt đầu cảm thấy mọi vấn đề của căn hộ đã biến mất hết qua thời gian. Cuối cùng, anh ta bắt đầu chi nhiều tiền vào việc sửa sang lại không gian sống.

Nhưng anh ta không ngờ rằng cuối cùng qua hơn 2 thập kỷ, chủ nhà thực sự đã tìm đến đòi nhà. Vì muốn giữ căn hộ, nên anh ta chỉ có thể từ chối giao tiếp với đối phương.

Càng quá đáng là khi bà Trương gọi điện yêu cầu anh ta trả lại nhà, "chủ nhà" vẫn kiên quyết không chịu chuyển đi. "Nếu cô muốn chúng tôi dọn ra khỏi đây, cô phải bồi thường 200.000 nhân dân tệ (698 triệu đồng). Nếu không nhận được tiền, chúng tôi sẽ không chuyển đi" - " chủ nhà" nói với bà Trương.

Theo ý kiến của "chủ nhà", 200.000 nhân dân tệ này là chi phí trang trí và bảo trì ngôi nhà mà anh ta đã bỏ ra trong hơn 20 năm sinh sống. Ngoài ra, nếu bọn họ phải dọn ra ngoài, trong nhà vẫn còn một số đồ nội thất và đồ trang trí không thể di dời được, do đó cần được bà Trương trả lại phần chi phí này.

Đứng trước yêu cầu vô lý của "chủ nhà", bà Trương cảnh cáo nếu họ thực sự muốn đòi lại 200.000 nhân dân tệ thì trước tiên cần trả cho bà tiền thuê nhà hơn 20 năm.

"Chủ nhà" nói chỉ dọn đi nếu được bồi thường tiền (Ảnh minh hoạ)

Kết cục của căn hộ

Để giải quyết triệt để tranh chấp về quyền sở hữu căn hộ, bà Trương cần tìm lại giấy chứng nhận bất động sản. Bởi nếu không có giấy này thì sẽ không thể chứng minh được căn hộ có thực sự thuộc về bà Trương hay không. Ngoài ra, có thể xảy ra trường hợp xấu hơn là "chủ nhà" kia có thể bán tiếp nhà cho bên thứ ba.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, cách đây 28 năm, bà Trương đã không nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận bất động sản vì quá bận rộn với công việc. Để lấy lại căn nhà cho em gái, ông Trương chỉ có thể liên hệ lại với chủ đầu tư.

Việc xin lại giấy chứng nhận bất động sản từ chủ đầu tư cũng vô cùng khó khăn vì sau hơn 2 thập kỷ, chủ đầu tư cũng được thay một đời chủ. Vài tháng đi xin cấp lại giấy chứng nhận bất động sản khiến ông Trương cảm thấy mình hoàn toàn kiệt sức.

Cuối cùng, sau khi hai gia đình cùng ngồi xuống thương lượng, "chủ nhà" đã chịu dọn đi mà không còn đồi bồi thường. Bà Trương thấy gia đình đối phương cũng bị lừa nên không truy cứu thêm vụ việc. Sau đó, giấy chứng nhận bất động sản cũng về tay bà Trương, kết thúc chuỗi hành trình dài đằng đẵng để lấy lại căn hộ bỏ quên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại