Chiều 11/12, tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, trời tiếp tục mưa to. Nhiều khu đô thị bị ngập cục bộ, gây đảo lộn đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong khi mưa to xảy ra ở vùng đồng bằng và các đô thị ven biển thì khu vực miền núi hầu như không mưa. Vì vậy, các hồ chứa lớn ở lưu vực các sông Vu Gia- Thu Bồn, sông Hương, sông Bồ đều ở mức thấp.
Các hồ chứa Thuỷ điện Sông Bung 4, Đăk Mi 4, hồ A Vương ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn là các hồ chứa lớn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Những hồ này hiện chỉ đạt từ 10% đến 46% dung tích chứa.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương lo lắng: Lưu lượng nước về khoảng 25m3/giây, tức là như mùa kiệt.
Mực nước thì mới hơn mực nước chết thôi, còn hơn 38m nữa mới tới mực nước dâng bình thường. Bây giờ mới chỉ tích được 6 triệu m3 so với 266 triệu m3 dung tích chứa hữu ích.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn ở vùng đồng bằng, ven biển gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường nội đô các thành phố Tam Kỳ, Hội An. Mưa lớn gây chia cắt một số tuyến đường đi huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn.
Trong khi vùng đồng bằng ven biển mưa to, thì vùng núi thuộc các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Nam Trà My hầu như không mưa. Hiện mực nước tại các hồ chứa lớn đều ở mức rất thấp.
Mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đạt cao trình 150m, còn 25m nữa mới tới mực nước dâng bình thường, hiện đạt 25% dung tích chứa.
Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Tranh, hiện thủy điện Sông Tranh 2 đang tách khỏi thị trường phát điện để tích nước.
"Với tình hình như thế này, Công ty đã chủ động làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng kế hoạch điều tiết nước, kế hoạch cung cấp nước cho năm 2019 với mục tiêu là chắt chiu từng giọt nước cho năm 2019.
Mặt khác, Công ty đang phối hợp với Trung tâm điều độ điện quốc gia để hạn chế tối đa việc phát điện từ nhà máy điện Sông Tranh", ông Lân cho biết.
Trong khi các hồ chứa thủy điện chờ mưa để bổ sung nguồn nước, phục vụ chống hạn và sản xuất điện trong năm tới thì các hồ chứa thủy lợi ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam cũng chỉ tích được 70% - 80%.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký công văn gửi Bộ Công thương đề nghị Bộ này không huy động 4 nhà máy thủy điện lớn ở Quảng Nam phát điện.
“Việc đảm bảo cho vụ Đông - Xuân, vụ Hè - Thu và nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du sẽ rất khó khăn cho thành phố Đà Nẵng và các vùng phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Mưa ầm ầm ở đồng bằng chứ miền núi đâu có mưa.
Theo tỉnh Quảng Nam thì bây giờ tách luôn 4 nhà máy thủy điện này ra, không đưa vào phát điện cạnh tranh nữa, chỉ làm nhiệm vụ tích nước thôi.
Qua mùa hè, lúc đó vừa phát điện, vừa xả nước để đảm bảo các mục đích khác”, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị./.