Mua F/A-18 Super Hornet: Phương án tốt nhất cho Không quân Việt Nam

Thiên Nam |

Chiến đấu cơ Boeing F/A-18 Super Hornet của Mỹ hội tụ hầu hết những yêu cầu của Không quân Việt Nam, chỉ có một nhược điểm cần phải khắc phục.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mở ra cơ hội mới cho Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp trang bị quân sự hiện đại. Tuy nhiên, vũ khí trang bị phương Tây thường rất đắt và việc mua chúng cần phải phù hợp với chiến lược phát triển trang bị quốc gia.

Đã có rất nhiều ý kiến trong và ngoài nước “khuyên” Việt Nam nên mua vũ khí này, vũ khí kia của Mỹ. Trong đó, trừ tiêm kích hạng nặng F-15 ra, có chuyên gia Mỹ khuyên Việt Nam nên mua F-16 Fighting Falcon nhưng cũng có người đề xuất khả năng là F/A-18 Super Hornet.

Mới đây, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jim Jatras cho rằng, chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet nhiều khả năng sẽ nằm trong danh sách những vũ khí đầu tiên mà Việt Nam mua của Mỹ. Một số chuyên gia quân sự phương Tây khác cũng nêu ý kiến tương tự.

Vậy loại chiến đấu cơ nguyên bản của hải quân Mỹ có xứng đáng để Việt Nam mua sắm hay không? Chúng có những ưu, nhược điểm gì, và nếu có nhược điểm thì có thể khắc phục được không?

Có khả năng tác chiến toàn diện

Tiêm kích F/A-18 Hornet (gồm các phiên bản A/B/C/D), trong đó A/B chính thức đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ vào năm 1978, còn phiên bản nâng cấp F/A-18 Super Hornet (tức F/A-18 E/F) bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ năm 1999 và hiện vẫn là xương sống của lực lượng hải quân Mỹ.

Mặc dù được thiết kế với ý định là một loại chiến đấu cơ dùng trên tàu sân bay, nhưng loại tiêm kích hạm này thực chất là một chiếc tiêm kích hạm đa năng hạng nặng, có khả năng đảm nhận tất cả những nhiệm vụ như các phiên bản chiến đấu cơ chuyên dụng trên mặt đất.

F/A-18 Super Hornet được thiết kế cho khả năng tấn công cả ngày lẫn đêm với hệ thống dẫn đường chính xác, có thể thực hiện các nhiệm vụ giành ưu thế trên không, hộ tống, hỗ trợ mặt đất, tấn công tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương, tấn công trên biển, do thám…

 Mua F/A-18 Super Hornet: Phương án tốt nhất cho Không quân Việt Nam  - Ảnh 1.

Máy bay dòng F-18 của Mỹ có khả năng tác chiến đa nhiệm

Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân (F/A-18 Hornet có 9 giá treo) cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài. Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Trong nhiệm vụ đối không, F-18 được trang bị một khẩu pháo 6 nòng 20mm ở mũi máy bay cùng các tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM... Trong nhiệm vụ chống tàu mặt nước nó có thể mang tên lửa chống hạm AGM-84 và có thể cả tên lửa chống radar AGM-88 HARM.

Trong tác chiến tấn công mặt đất, F-18 có thể được lắp đặt tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, AGM-154 JSOW, AGM-158 JASSM, AGM-84 SLAM-ER và mang được nhiều loại bom, từ “bom ngu” tới “bom thông minh”.

Hệ thống thiết bị tiên tiến

Loại chiến đấu cơ được mệnh danh là “vũ khí của thần chết” này được trang bị màn hình điều khiển tinh thể lỏng đa dụng, hệ thống lái số fly-by-wire, kính nhìn ban đêm, mũ phi công JHMCS mang lại khả năng nhận biết đa trạng thái, nhiều mục đích cho phi công.

Radar quét mảng pha chủ động AESA APG-79 trên Super Hornet cho phép F-18 đồng thời tấn công đối không và đối đất, hệ thống cảm biến quang điện chính và chùm laser chỉ định mục tiêu AN/ASQ-228ATFLIR cung cấp bản đồ mặt đất chi tiết ở cự ly xa.

Nó cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16…

Có thể nói, với ưu điểm có khả năng tác chiến đa năng, hệ thống thiết bị tiên tiến, được trang bị những vũ khí và công nghệ cao, tạo ra lợi thế chiến thuật so với vũ khí của đối thủ của Việt Nam.

Khả năng tác chiến của F/A-18 đã được kiểm chứng qua thực tế chiến đấu trong rất nhiều chiến dịch tác chiến của Mỹ-NATO, năng lực của nó không có gì phải bàn cãi. Do đó, chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet là lựa chọn đáng để xem xét đối với Việt Nam.

Giá thành không quá cao và khả năng sản xuất

Tiêm kích đa năng F/A-18 có giá bán cao hơn khoảng gấp rưỡi so với Su-30MK2 của Nga. Mặc dù mua chúng có thể làm tăng ngân sách chi tiêu vũ khí nhưng nếu xét đến những ưu điểm của nó và các yếu tố khác thì đây cũng không phải là cái giá quá đắt.

Theo thời giá 2013, giá của phiên bản không vũ khí của F/A-18 A/B/C/D Hornet dao động trong khoảng 35 - 57 triệu USD/chiếc, còn F/A-18 E/F Super Hornet là 61 triệu USD, phiên bản đầy đủ vũ khí là từ 80 đến 95 triệu USD (tùy từng yêu cầu vũ khí), chi phí vận hành 11.000 USD/giờ bay (phiên bản cũ) và 24.400 USD/giờ bay (mới).

Do sự chậm chễ của chương trình F-35C, vừa qua, hải quân Mỹ đã chi hơn 1,3 tỷ USD trong ngân sách hải quân để mua sắm 16 chiếc máy bay loại này. Trong đó, năm 2017 chỉ mua 2 chiếc với giá 185 triệu USD và 14 chiếc bổ sung trong năm 2018 có giá 1,3 tỷ USD.

Nếu mua F/A-18 Super Hornet, Việt Nam có thể nhận được máy bay trong năm 2017 và 2018 bởi dây chuyền F/A-18 vẫn đang hoạt động, nhưng sản xuất với số lượng rất ít, Boeing hoàn toàn đủ khả năng vừa sản xuất cho hải quân Mỹ, vừa sản xuất cho Việt Nam.

 Mua F/A-18 Super Hornet: Phương án tốt nhất cho Không quân Việt Nam  - Ảnh 2.

 Máy bay F-A-18F Super Hornet của Phi đội tấn công số 2 (VFA-2) tiếp dầu đồng đội cho máy bay F-A-18C Hornet

Với khả năng tác chiến đa nhiệm, F/A-18 phù hợp với yêu cầu mua sắm máy bay của Việt Nam. Điều cần thiết là Việt Nam phải bảo đảm được khả năng kết hợp của nó với các máy bay tiêm kích dòng Su-27/30 của Nga để tạo ra sức mạnh tổng hợp vô cùng lợi hại của Không quân Việt nam.

F/A-18 đời sau đã khắc phục những nhược điểm của F-18 Hornet đời trước

Khi mua bất cứ máy bay nào, vấn đề đầu tiên Việt Nam cần xét đến là bán kính tác chiến. Đây là điều rất quan trọng bởi khoảng cách từ bờ biển Việt Nam đến các đảo ở quần đảo Trường Sa là hơn 600 km.

Xuất phát từ yêu cầu thiết kế là tiêm kích hạm nên F/A-18 A/B có bán kính tác chiến nhỉnh hơn 700 km, không quá cao so với khoảng cách đến Trường Sa. Nếu có trục trặc kỹ thuật trên đường bay hoặc phải bay vòng, máy bay sẽ chỉ đủ nhiên liệu ra đến nơi, hoặc thậm chí là không đủ.

Đó là chưa kể khoảng cách này tính theo đường thẳng, gần nhất, còn nếu máy bay xuất phát từ các sân bay ở các khu vực khác xa hơn thì khoảng cách ra Trường Sa sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, do được điều chỉnh thiết kế tối ưu, phiên bản F/A-18 C/D đã tăng phạm vi tác chiến lên tới 500 nm (tức 900 km), còn phiên bản F/A-18 E/F có thể mang theo lượng dầu tăng hơn 33% so với phiên bản A/B, dẫn tới bán kính tác chiến tăng lên 41% (lên khoảng hơn 1.000 km).

Những nhược điểm của các phiên bản ban đầu đã được Boeing triệt để khắc phục. Từ các phiên bản C/D trở đi có thể đảm bảo được yêu cầu tác chiến của Việt Nam. Tuy nhiên, những phiên bản sau có giá đắt hơn hẳn so với phiên bản A/B/C/D nên cần phải cân nhắc phương án tối ưu.

Việt Nam nên mua F-18 theo hướng như thế nào?

Về lí thuyết, nếu Việt Nam mua được phiên bản hiện đại nhất của dòng này thì rất tốt nhưng giá thành của chúng quá cao nên chúng ta cần cân nhắc khả năng mua F/A-18D Hornet (bởi phiên bản A/B ra đời đầu thập niên 80 nên đã quá cũ), đồng thời mua thêm 1 số máy bay E/F.

Nguyên nhân mua thêm số ít phiên bản E/F là do không giống như F/A-18A/B/C/D Hornet, F/A-18E/F Super Hornet được thiết kế với một hệ thống tiếp nhiên liệu trên không để trợ giúp tiếp dầu trong tác chiến cho các máy bay khác thuộc dòng F-18.

Hệ thống tiếp nhiên liệu trên không của F/A/18 E/F gồm 1 thùng nhiên liệu có vỏ bọc gắn ngoài 1.200 lít với vòi bơm có thể thu vào lắp ở giá treo trung tâm, cùng với 4 thùng nhiên liệu có vỏ bọc gắn ngoài 1.800 lít và các thùng nhiên liệu trong thân, tổng cộng là 13.000 kg.

Mỗi chiếc F/A-18E/F Super Hornet trong "Hệ thống tiếp dầu đồng đội" có thể tiếp dầu cho 4 chiếc khác. Do đó, việc mua số lượng lớn các phiên bản D và số ít E/F sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được kinh phí và giải được bài toán bán kính tác chiến của phiên bản đời cũ.

Tuy nhiên, việc mua mới các phiên bản D lại vấp phải những khó khăn khác mà Việt Nam phải giải quyết.

Hiện dây chuyền của Boeing chỉ sản xuất F/A-18 E/F, trong khi khung thân của nó đã có sự điều chỉnh khác với các phiên bản A/B/C/D Hornet. Thiết kế của E/F có khung thân lớn hơn khoảng 20%, trọng lượng rỗng nặng hơn 3.200 kg và trọng lượng cất cánh tối đa tăng 6.800 kg.

Nếu Việt Nam đặt mua phiên bản D mới thì nhà sản xuất sẽ phải có sự điều chỉnh dây chuyền sản xuất đoạn khung thân, nếu tìm được đơn hàng lớn thì Boeing có thể đưa ra sự điều chỉnh, bởi với công nghệ có sẵn, đây là điều không quá khó.

 Mua F/A-18 Super Hornet: Phương án tốt nhất cho Không quân Việt Nam  - Ảnh 3.

F/A-18 E/F có kích thước khung thân lớn hơn và thiết kế hơi khác so với F/A-18 A/B/C/D

Hai phương án khả thi nhất để mua Super Hornet của Việt Nam

Có một hướng giải quyết tốt cho cả Việt Nam và Mỹ là chúng ta có thể yêu cầu một hợp đồng mua thêm cấu hình máy bay tác chiến điện tử EA-18G (Việt Nam hiện chưa có) trên khung thân của F/A-18D (cùng cấu hình 2 chỗ ngồi).

Để đề xuất theo hướng này được khả thi hơn, Việt Nam có thể tìm kiếm "đồng minh" cùng ý tưởng mua F/A-18D để đưa ra một số lượng máy bay đủ lớn để buộc Boeing điều chỉnh dây chuyền sản xuất đoạn khung thân F/A-18F để cùng sản xuất F/A-18 D và EA-18G Growler.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể cũng đưa ra đề xuất một hợp đồng khác mua thêm Máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không (AWACS) của Boeng, ví dụ như E-3 Sentry hay Boeing 737 làm điều kiện đàm phán, nhằm làm tăng sự hấp dẫn đối với nhà thầu Mỹ.

Việc đề xuất mua sắm nhiều loại máy bay, trong các hợp đồng thuộc giai đoạn khác nhau vừa giúp Việt Nam không phải bỏ ra một số tiền lớn, vừa đạt được mục đích đàm phán trong thương vụ máy bay chiến đấu F-18.

Nếu thành công với phương án này, Việt Nam sẽ có thêm máy bay chiến đấu đa năng lợi hại dòng Hornet, có máy bay tác chiến điện tử hiện đại và các máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không để tích hợp khả năng trinh sát, chỉ huy-điều khiển và tác chiến điện tử, hoàn tất các mảnh ghép còn thiếu của không quân.

Nếu phương án mua F/A-18D mới không thể thực hiện được thì Việt Nam có thể áp dụng phương án 2 là tìm mua lại các máy bay phiên bản C/D còn khá mới và một số máy bay F-18 mới hoàn toàn dòng F để việc mua sắm máy bay không đặt gánh nặng lên ngân sách quốc phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại