Mùa đông chia rẽ phương Tây và câu hỏi về sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine

Kiều Anh |

Mùa đông đến gần và nguy cơ của một cuộc xung đột đóng băng đang là những nhân tố khoét sâu chia rẽ của phương Tây trong nỗ lực duy trì sự ủng hộ cho Ukraine.

Binh lính Nga ở nhà máy thép Azovstal hồi tháng 6/2022. Ảnh: AP

Binh lính Nga ở nhà máy thép Azovstal hồi tháng 6/2022. Ảnh: AP

Mùa đông chia rẽ phương Tây

Sau 6 tháng xung đột, cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất đáng kể về lực lượng và trang thiết bị. Hiện nay, sự hỗ trợ của phương Tây được cho là đóng vai trò then chốt để Kiev củng cố tuyến phòng thủ và thực hiện các cuộc phản công trong tương lai.

Nga và Ukraine đều khó có thể giành được chiến thắng quyết định trên chiến trường và dường như chưa có đủ các điều kiện thuận lợi để 2 nước sẵn sàng bước vào bàn đàm phán trong thời điểm này. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong tương lai gần là cuộc chiến ở Ukraine sẽ dừng lại nhưng sẽ không chấm dứt. Việc các bên thường xuyên sử dụng các từ như "thắng lợi" hay "giành chiến thắng" trong các tuyên bố đã cho thấy Nga sẽ không từ bỏ các mục tiêu của mình trong khi Ukraine sẽ không đầu hàng và không từ bỏ lãnh thổ.

Ở cấp độ chiến dịch, cả Nga và Ukraine đều đang đối mặt với tình trạng kiệt sức. Khi mùa đông đến gần, giới quan sát cho rằng hai bên sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng sẽ ở vị thế phòng thủ, đồng thời nỗ lực tập hợp lực lượng và tái trang bị vũ khí cũng như phương tiện quân sự để nối lại hoạt động vào mùa xuân. Ở đây, ngoài sự hỗ trợ từ phương Tây, yếu tố quan trọng nhất rõ ràng là lực lượng. Anh đang lên kế hoạch huấn luyện cho quân đội Ukraine. Phương Tây có thể cung cấp cho Kiev tất cả sự hỗ trợ cần thiết nhưng không thể làm tăng số lượng binh lính của Ukraine.

Dù vậy, hiện nay, phương Tây đang gặp ngày càng nhiều khó khăn để duy trì sự đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine. Mỗi bên đều có định nghĩa khác nhau về kết cục chiến tranh mà họ mong muốn. Với Mỹ và Anh, chiến thắng là bất kỳ điều gì mà Ukraine định nghĩa. Với các nước vùng Baltic, chiến thắng đồng nghĩa với một thất bại chiến lược của Nga. Còn với Pháp và Đức, đây là hai nước này muốn giải quyết xung đột nhanh chóng và thông qua con đường ngoại giao, đồng thời cố gắng tránh gây ra một thất bại làm Nga "bẽ mặt".

Trong khi còn quá sớm để cho rằng mùa đông sẽ tác động thế nào đến tình hình châu Âu thì có thể thấy sức ép của châu lục này đang lớn dần khi chuyển hướng khỏi năng lượng Nga.

Một cuộc suy thoái dường như chắc chắn xảy ra. Lạm phát ở mức 2 con số và một mùa đông với tình trạng thiếu năng lượng đang đến gần. Độc lập về năng lượng cũng có cái giá của nó. Với những người dân châu Âu, đó là việc phải chấp nhận nhà ở và văn phòng của họ sẽ lạnh hơn. Đức muốn các không gian công cộng duy trì mức nhiệt là 19 độ C trong mùa Đông này so với mức 22 độ C trước đó. Với các doanh nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc sản xuất ít hơn và giảm tăng trưởng. Từ bỏ nguồn cung năng lượng lớn nhất và rẻ nhất đang khiến Đức tự đặt mình vào nguy cơ suy thoái.

Cuộc bầu cử vào tháng 9 của Italy có thể làm thay đổi các luồng quan điểm trong EU. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng xây dựng hình ảnh như một bên trung lập, theo đuổi một giải pháp ngoại giao, duy trì quan hệ với Nga trong khi vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Còn tại Mỹ, cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới có thể chứng kiến sự dịch chuyển về quyền lực chính trị trong Quốc hội, đồng thời có thể báo trước về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, giữa bối cảnh một số thành viên đảng Cộng hòa bày tỏ sự hoài nghi về việc hỗ trợ cho Ukraine.

Câu hỏi về sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine

Một điều cũng quan trọng không kém là nếu cuộc xung đột ở Ukraine thực sự dừng lại nhưng không kết thúc, phương Tây sẽ duy trì sự đoàn kết của mình như thế nào và trong bao lâu? Nếu cuộc xung đột đi theo kịch bản Nga sáp nhập Donbass như từng sáp nhập Crimea năm 2014, phương Tây có sẵn sàng tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine? Duy trì sự đoàn kết về dài hạn sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn, không chỉ bởi những vấn đề trong nước mà còn bởi bản chất "đóng băng" của cuộc xung đột.

Phương Tây cho rằng Nga muốn kéo dài cuộc chiến này lâu nhất có thể để tạo ra sự chia rẽ giữa các nước phương Tây. Cuộc chiến càng kéo dài, cái giá về kinh tế và chính trị ngày càng lớn, cũng như ngày càng nhiều vấn đề cấp bách khác xuất hiện ở châu Âu thì Nga càng có khả năng cao đạt được mục tiêu của mình. Gần đây, Moscow đã bác bỏ khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt chiến tranh.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc ở Geneva Gennady Gatilov đã nhận định với Financial Times rằng sẽ không có cuộc trao đổi trực tiếp nào giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông cho biết, Moscow và Kiev từng tiến "rất gần" đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột trong các cuộc đàm phán hồi tháng 4, song cáo buộc phương Tây đã gây sức ép khiến Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán.

Ông Gatilov bình luận: "Hiện nay tôi không nhận thấy bất kỳ khả năng nào cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Xung đột càng kéo dài, việc đạt được một giải pháp ngoại giao càng khó khăn". Ông cũng cho rằng không thể dự đoán cuộc xung đột này sẽ kéo dài bao lâu và nhận định, phương Tây sẽ "chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng".

Khả năng của một cuộc xung đột đóng băng đã làm nổ ra những cuộc trao đổi về các mục tiêu của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine và một kết cục có thể chấp nhận được. Đây không phải là câu hỏi về việc giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine mà là kết quả có thể đạt được về mặt quân sự và có thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với Kiev và phương Tây. Một cuộc xung đột để ngỏ kết thúc sẽ làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine trong cuộc chiến này, đặc biệt là khi ngày càng nhiều các sức ép khác xuất hiện./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại