“Mua đi chị cho vay" - Cách đồng nghiệp khiến tôi tiêu nhiều tiền hơn

Tô Diệp - Thiết kế: Trường Dương |

Thói quen chi tiêu đã thay đổi khá nhiều từ ngày có “cạ cứng” trong văn phòng.

Có đồng nghiệp thân là động lực giúp bản thân muốn đi làm hơn và cũng đỡ căng thẳng trong công việc. Tuy nhiên, nhược điểm khi có “cạ cứng” trong môi trường công sở đó là… xu hướng chi tiêu nhiều hơn.

Mua sắm nhiều hơn

Chí Anh (25 tuổi) chia sẻ rằng số lần đồng nghiệp rủ gọi đồ về văn phòng hay đi ăn ngoài nhiều đến không nhớ nổi. Cứ chiều chiều câu nói và chủ đề tin nhắn nhận được nhiều nhất là nên gọi đồ gì về ăn. “Bọn mình đã từng nghĩ đến ý tưởng lập trang mạng xã hội để review đồ ăn vì cùng nhau ăn trên văn phòng quá nhiều”.

Cũng giống Chí Anh, Dương Lê (30 tuổi) cũng thường được đồng nghiệp thân rủ đi ăn cùng. Bình thường trước kia, cô bạn chỉ đi ăn 1 lần/tuần. “Tuy nhiên, giờ có lúc đi ăn trưa 3 lần/tuần, thậm chí nhiều tối, mình không về nhà ăn mà sẽ đi tiếp với đồng nghiệp vì vui quá, không muốn ăn ở nhà một mình”. Theo đó, số tiền phát sinh nhiều nhất là khoản tiền di chuyển bằng xe công nghệ khi cùng nhau đi ăn trưa bởi vì thường sẽ đi ăn xa văn phòng.

Bên cạnh đó, Dương Lê cùng đồng nghiệp thân thường đi ăn trong trung tâm thương mại. Và phần lớn thời gian sau hoặc trước khi ăn, mọi người sẽ thường đi dạo mua sắm tại cửa hàng. Do vậy, cô có xu hướng chuyển từ mua sắm trực tuyến sang trực tiếp nhiều hơn và cũng dễ dàng chi tiêu mua đồ ở trung tâm thương mại.

Song, đối với Dương Lê, cô bạn không thấy tiếc cho các khoản chi với đồng nghiệp. Vì đi ăn với nhau thường sẽ khiến tâm trạng thoải mái hơn, mua đồ ghép đơn cũng có nhiều ưu đãi. “Đồng nghiệp cũng là những người biết chọn đồ nên mình thường mua được những sản phẩm khá tốt. Vì vậy, mình chi tiêu nhiều hơn khi đi với đồng nghiệp, song không thấy lãng phí".

“Mua đi chị cho vay - Cách đồng nghiệp khiến tôi tiêu nhiều tiền hơn  - Ảnh 1.

Dương Lê

Trước đây, Chí Anh rất hiếm khi mua đồ trên các sàn thương mại điện tử. Từ khi đi làm, thân với đồng nghiệp, mọi người hay chia sẻ mã giảm giá đẻ mua đồ được giá hời hơn, mình cũng mới bắt đầu mua đồ trực tuyến nhiều hơn.

Đến mùa săn mã giảm giá, đồng nghiệp Chí Anh bắt đầu phổ biến các sản phẩm đang có giá tốt, cùng ghép đơn để được giảm giá nhiều hơn nữa. Có lần, cậu bạn cùng đồng nghiệp mua hẳn 30 hộp bông tẩy trang chia nhau tính ra siêu rẻ.

“Song, cũng có những lần mình chi tiêu nhiều hơn vì có những người đồng nghiệp rất biết cách “tiêu tiền hộ". Đồng nghiệp mình khá chăm chỉ tìm tòi các sản phẩm và nhiệt tình săn mã giảm giá. Nhiều khi mình phân vân không biết nên mua hay tiết kiệm thì sẽ nghe được ngay câu nói: Mua đi chị cho vay, tháng sau có lương trả lại".

Tuy nhiên, theo Chí Anh, dù có vẻ tiêu nhiều hơn nhưng trước khi mua gì đều đọc những ý kiến đánh giá. Do vậy, khi mua hầu hết các sản phẩm đều dùng được và như mong muốn.

“Mua đi chị cho vay - Cách đồng nghiệp khiến tôi tiêu nhiều tiền hơn  - Ảnh 2.

Chí Anh

Những lần rủ nhau đi du lịch bất chợt

Có lần, Dương Lê cùng đồng nghiệp đang đi loanh quanh ở Hà Nội, có khi đang đi cà phê với đồng nghiệp, bàn chuyện đi du lịch vậy là liền đi luôn. “Bọn mình từng đi xe máy lên Hòa Bình ngay khi mới có ý tưởng, chứ chẳng lên kế hoạch gì. Thậm chí, chẳng hề mang theo quần áo, đi đến nơi mới mua đồ cần thiết dùng tạm".

Có đồng nghiệp thân cũng như thêm bạn thân, có người cùng hưởng ứng sẽ dễ dàng quyết định đi du lịch hơn. Với Dương Lê, tần suất du lịch xa cần phải đi máy bay thì tầm 3-4 tháng đi 1 lần, còn gần hơn sẽ khoảng 2 tháng du lịch 1 lần. “Đồng nghiệp thân, mình dễ dàng chi tiền đi du lịch nhiều hơn".

Làm sao để chi tiêu có kế hoạch?

Sau khi tự nhận thấy bản thân có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi ở cùng đồng nghiệp, Dương Lê cố gắng hạn chế đi ăn ngoài. “Mình thấy việc ăn uống bên ngoài giờ khá đắt đỏ. Nếu liên tục ra ngoài đi ăn hay cà phê giữa giờ trưa như mình sẽ khá tốn kém. Thay vì ra ngoài ăn có thể nấu cơm mang đi, sẽ lành mạnh và tiết kiệm hơn rất nhiều. Hạn chế mua đồ trực tuyến vô tội vạ, đây cũng là điều mà đồng nghiệp đã giúp đỡ mình rất nhiều".

Còn đối với Chí Anh, bài học rút ra để có những lần mua sắm hời là vẫn phải “xem xét" mỗi lần đồng nghiệp rủ cùng đi mua đồ. Chẳng hạn, cần phải lên trước danh sách các món đồ muốn mua và xem sản phẩm có sắp giảm giá trên các trang thương mại điện tử hay không. Điều này sẽ giúp tránh mua đồ linh tinh và nhiều thứ ngoài dự kiến.

Bên cạnh đó, về chuyện ăn uống, để tránh “mất tiền, tăng cân”, Chí Anh nhấn mạnh cần có 1 ngân sách cố định cho khoản mục ăn uống, đặc biệt là với đồng nghiệp để không bị chi tiêu quá tay mỗi tháng.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại