Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ

Tuấn Nguyễn |

Motorola Razr V3 từng là "siêu mẫu" trong thế giới điện thoại - mỏng và tuyệt đẹp.

So với smartphone ngày nay, những chiếc điện thoại đầu những năm 2000 bị coi là "điện thoại ngốc", nhưng chính xác hơn, có thể gọi chúng là "điện thoại chuyên dụng" với vài tính năng như chụp ảnh, chơi game và truy cập trang web đơn giản bên cạnh tác vụ chính là nghe gọi và nhắn tin.

Hầu hết các điện thoại di động cũ đều có một vấn đề: chúng dày và xấu. Ngược lại, Motorola Razr V3 là "siêu mẫu" trong thế giới điện thoại - mỏng và tuyệt đẹp.

Trước khi smartphone trở nên phổ biến, Motorola Razr có thể xem là tiền thân của iPhone, giúp biến điện thoại từ một thứ vật dụng bình thường trở thành vật phẩm thời trang được săn đón.

Độ mỏng đáng kinh ngạc

Motorola đã phát minh ra điện thoại di động vào những năm 1970, thương mại hóa chúng vào những năm 1980 và phổ biến chúng vào những năm 1990 với StarTAC lấy cảm hứng từ Star Trek. Tuy nhiên, sau đó công ty được cho là đưa ra quy trình phê duyệt bảo thủ, về cơ bản đã ngăn cản công ty này đưa bất kỳ sản phẩm mới nào ra thị trường, mất đi vị thế thống lĩnh vào tay Nokia.

Khi kỹ sư kỳ cựu Roger Jellicoe nhìn thấy mô hình ý tưởng cho một chiếc điện thoại gập dạng vỏ sò siêu mỏng do nhóm thiết kế Motorola tạo ra, ông nhận ra rằng nó có thể thành hiện thực. Ông đã tập hợp một nhóm bí mật làm việc vào buổi tối và cuối tuần cho một dự án có tên mã là "Razor".

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 1.

Jellicoe đã tìm được đồng minh là Geoffrey Frost, Phó chủ tịch tiếp thị của Motorola, ông nhận ra rằng mọi người thậm chí không cần phải mua điện thoại – chỉ cần nhìn thấy nó là đủ để thay đổi hoàn toàn nhận thức của họ về công ty.

Một chiếc điện thoại vừa với mọi túi quần, khiến mọi túi tiền rung động

Hai thập kỷ trước, túi quần jean không phải là nơi lý tưởng để đựng điện thoại vì thường bị quay số nhầm. Không giống như màn hình cảm ứng điện dung ngày nay, chỉ có thể được kích hoạt bằng vật liệu dẫn điện, các nút bấm vật lý có thể được kích hoạt bằng bất kỳ loại áp lực nào. Những lần nhấn nút vô tình này thường sẽ quay số từ danh sách gọi nhanh hoặc danh sách cuộc gọi gần đây.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 2.

Kiểu dáng vỏ sò là một giải pháp, nhưng nó cũng làm cho điện thoại cồng kềnh hơn và không tiện bỏ túi. Dự án "Razor" nhằm mục đích cách mạng hóa thiết kế vỏ sò theo cách mà Apple iPod đã biến đổi máy nghe nhạc cầm tay.

Chiếc điện thoại này đã sẵn sàng vào năm 2004. Với độ dày chưa đến 14mm, nó mỏng hơn hầu hết các điện thoại dạng thanh ngay cả khi gập lại, và khi mở ra, nó trông mỏng như tờ giấy. Nhưng làm thế nào họ đạt được mức độ mỏng này?

Đầu tiên, Razr đã loại bỏ giắc cắm tai nghe (khoảng 12 năm trước iPhone 7), thay vào đó là Mini-USB cho cả tai nghe và nguồn. Hầu hết các phím có đèn nền được đặt trên một tấm kim loại duy nhất, với các dải cao su uốn cong cho phép nhận biết phím để nhấn mà không cần nhìn. Ăng-ten được đặt trong phần "cằm" không thể gập lại của điện thoại.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 3.

Màn hình ngoài nhỏ được phủ kính thay vì nhựa thông thường để giúp tăng độ cứng cáp. Phần còn lại của vỏ cũng không phải bằng nhựa; nó được làm bằng nhôm, một loại vật liệu được xem là cao cấp và không phổ biến vào thời điểm đó.

Sau khi Frost quyết định bỏ chữ "O" từ tên dự án để cách điệu sản phẩm, Motorola Razr V3 được phát hành vào tháng 11 năm 2004 với giá 500 USD – tương đương với một chiếc flagship hiện đại có giá 800 USD. Mọi người ấn tượng bởi vẻ đẹp – họ muốn có nó như một cách để chứng minh sự sành điệu dù giá cả rất cao.

Không ai quan tâm rằng bên trong chiếc điện thoại về cơ bản giống hệt các mẫu vỏ sò trước đây của Motorola. Nó có thể phát nhạc và video, nhưng chỉ có 5.5 MB dung lượng lưu trữ không thể mở rộng. Nhờ hình dạng của nó, camera đơn 0.3MP thậm chí có thể dùng để chụp ảnh selfie.

Khi tốc độ sản xuất tăng lên, Motorola đã hợp tác với các nhà mạng để bán điện thoại với giá chỉ 99 USD kèm hợp đồng hai năm. Trong vòng vài tháng, nó đã trở thành điện thoại bán chạy nhất tại Mỹ, được những người nổi tiếng như David Beckham và Reese Witherspoon sử dụng và xuất hiện trong vô số phim ảnh và chương trình truyền hình.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 4.

Razr V3x, ra mắt vào đầu năm 2005, về cơ bản là phiên bản "Pro", cung cấp 3G, camera selfie chuyên dụng, thông số kỹ thuật cao hơn ở mọi mặt và khe cắm thẻ nhớ microSD. Tuy nhiên, nó dày hơn và nặng hơn nhiều, giống như điện thoại vỏ sò truyền thống hơn.

Vào cuối năm đó, Razr V3i đã ra mắt như một sản phẩm kế thừa của V3, vẫn giữ nguyên thiết kế bóng bẩy trong khi nâng cấp lên camera 1.2MP và thẻ nhớ microSD có thể thay thế. Một số phiên bản V3i của nhà mạng nằm trong số ít điện thoại Motorola được bán kèm iTunes, ứng dụng nhanh chóng trở thành cách phổ biến nhất để mua nhạc – xét cho cùng, đây là thời kỳ hoàng kim của kỷ nguyên iPod.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 5.

Tuy nhiên, iTunes trên điện thoại Motorola chỉ giới hạn lưu trữ 50 hoặc 100 bài hát (tùy theo khu vực) vì Apple nhận ra rằng một chiếc điện thoại có đầy đủ chức năng iTunes có thể đánh dấu sự kết thúc của máy nghe nhạc chuyên dụng.

Đến năm 2006, Motorola Razr đã bán chạy hơn iPod, đạt doanh số 50 triệu chiếc vào tháng 7.

Di sản của Motorola Razr

Motorola dường như đã quay lại với cách làm cũ sau thành công của Razr. Razr V3xx trông giống như sự kết hợp giữa V3x và V3i hiện có. Dòng Razr2, ra mắt năm 2007, đã bổ sung thêm màn hình cảm ứng ngoài 2 inch, nhưng khi đó nó được coi là quá đắt đối với một chiếc điện thoại không có bàn phím đầy đủ (vật lý hoặc ảo) – khi mà thế giới công nghệ đang bước vào kỷ nguyên Blackberry ngắn ngủi – và thay vào đó, mọi người tiếp tục mua các mẫu V3 giảm giá.

Sau 12 quý liên tiếp là điện thoại bán chạy nhất tại Mỹ, dòng Razr V3 đã bị iPhone 3G vượt mặt vào năm 2008. Razr đã ngừng sản xuất vài tháng sau đó, với doanh số ước tính là 130 triệu chiếc.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 6.

Chiếc điện thoại tiếp theo sử dụng tên thương hiệu Razr là Motorola Droid Razr chạy Android, ra mắt năm 2011.

Với độ dày 7,1mm, đây là chiếc smartphone mỏng nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh như iPhone 4S và Samsung Galaxy SII đã đủ mỏng đối với hầu hết người dùng và Razr không đủ sức cứu công ty lần này.

Bộ phận điện thoại của Motorola đã được Google mua lại vào năm 2012, chủ yếu là vì các bằng sáng chế của công ty, và được bán cho Lenovo hai năm sau đó. Motorola Razr, một trong những chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên ra mắt năm 2020, được đặt tên và thiết kế theo V3.

Motorola Razr V3: Chiếc iPhone của quá khứ- Ảnh 7.

Razr V3 là bước tiến quan trọng giữa những chiếc điện thoại nhựa cồng kềnh của đầu những năm 2000 và những chiếc điện thoại thông minh đẹp, đắt tiền ngày nay. V3 đã đưa điện thoại từ thứ cồng kềnh trong túi xách thành sản phẩm thời trang trong túi quần và phổ biến việc sử dụng vật liệu cao cấp, thiết kế tuyệt vời của chiếc điện thoại này luôn được ghi nhớ một cách trìu mến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại