Cụ thể, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa hiện có mật độ dân số lên tới 40.000 người/km2. Theo UBND xã Ngư Lộc, tính đến đầu năm 2022, tổng dân số của xã khoảng 19.000 người. Trong khi đó, diện tích đất ở khoảng 0,46km2.
Xã Ngư Lộc là một xã ven biển và không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, xã Ngư Lộc luôn xác định kinh tế biển là ngành kinh tế chủ đạo.
UBND xã Ngư Lộc Xác cho biết, để phát triển kinh tế biển, Ngư Lộc đã nghiên cứu khảo sát, xây dựng đề án cụ thể và có chiến lược, chính sách trước mắt và lâu dài cho phát triển kinh tế biển gắn với các dịch vụ hậu cần một cách đồng bộ.
Về phát triển thủy sản, xã Ngư Lộc tập trung phát triển theo hướng đa con, đa canh, tăng giá trị sản xuất. Hơn nữa, xã Ngư Lộc tập trung cải tiến kỹ thuật mới về giống, công nghệ khai thác, chế biến... tiếp tục được ngư dân, các cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp tiếp nhận, áp dụng và đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng thủy sản.
Xác định chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, xã Ngư Lộc đã tập trung đẩy mạnh khai thác thủy, hải sản theo hướng vươn khơi, tăng công suất máy và phương tiện, đầu tư thiết bị tiên tiến trong khai thác.
Cùng với đó, xã Ngư Lộc xây dựng các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển hình thức tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau trong khai thác và phòng tránh thiên tai. Xã Ngư Lộc đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu con giống, khai thác có hiệu quả nuôi trồng nhuyễn thể vùng triều; quy hoạch khu chế biến hải sản; xây dựng một số mặt hàng có giá trị thương hiệu như: tôm nõn, mực khô, nước mắm, mắm tôm, ngao...
Để đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã Ngư Lộc và huyện Hậu Lộc đã triển khai bằng nhiều giải pháp. Cụ thể, xã Ngư Lộc và huyện Hậu Lộc thực hiện đóng mới, nâng công suất tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng rộng để thay thế cho các tàu công suất nhỏ.
Đẩy mạnh chuyển đổi nghề khai thác, ngư trường khai thác, tuyến khai thác theo hướng giảm dần tàu cá khai thác vùng ven bờ, tăng dần tàu cá khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, toàn huyện Hậu Lộc nói chung đã phát triển các nghề khai thác có hiệu quả như nghề lưới vây, nghề câu, giảm những nghề khai thác kém hiệu quả, xâm hại đến môi trường.
Các địa phương tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề phù hợp với vùng biển, tuyến biển nhằm khai thác hợp lý, bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện phương án củng cố, kiện toàn các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ, dịch vụ hậu cần và thiên tai... trên biển.
Đặc biệt, xã Ngư Lộc và huyện Hậu Lộc tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực chế biến thủy, hải sản. Thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng biển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển vững chắc.
Xét về tình hình kinh tế của toàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thánh Hóa, năm 2022, huyện Hậu Lộc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 24/25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,6%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển đạt 3.466 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.695,36 tỷ đồng, vượt 84,3% dự toán tỉnh giao và vượt 56,2% dự toán huyện giao.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Đến nay, huyện có 18/21 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 107/132 thôn đạt chuẩn NTM, chiếm 81,06%; 9 thôn NTM kiểu mẫu, chiếm 6,8%; huyện đạt 20/36 chỉ tiêu huyện NTM. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP.