"Hầu hết con người đang sống trở thành người khác. Ý nghĩ của họ là quan điểm của ai đó, cuộc sống của họ là sự bắt chước, đam mê của họ là lời trích dẫn".
Đây là một danh ngôn nổi tiếng của văn hào Ireland Oscar Wilde. Nói theo ông, những người thiếu đi bản sắc, không đứng lên vì danh tính, ước mơ, quan điểm và giá trị của bản thân thì chỉ là một bản sao của ai đó.
Nhận xét đó có phần phũ phàng, nhưng một sự thật khó chối cãi là tính cả nể đang âm thầm cướp đi quyền tự quyết và lựa chọn của mỗi cá nhân - nguyên do của nó, đơn giản là vì người ta không thể nói "không".
Thói quen làm chiều lòng người khác dễ bị nhầm lẫn với lòng vị tha. Một mặt, những người cả nể cố gắng làm hài lòng người khác bằng cách hy sinh lợi ích, lựa chọn và quan điểm cá nhân, đôi khi vì không muốn mất hòa khí, đôi khi vì một mục đích khác như mong được trả ơn. Mặt khác, bản chất của lòng vị tha là cho đi một cách vô tư, không mong cầu nhận lại, trong khi vẫn thỏa mãn với giá trị của bản thân.
Nhưng không chỉ những người cả nể mới gặp khó khăn với từ ngữ đặc biệt này. Những người do dự, không thể quyết đoán và luôn mang tham vọng "cái gì cũng muốn" cũng gặp vấn đề tương tự.
Dù vô cùng ngắn gọn và hiện diện trên hầu hết mọi ngôn ngữ, những người không thể nói không vẫn sẽ luôn gặp rất nhiều khó khăn để thốt ra từ này với người khác hay chính bản thân mình. Là vô tình hay cố ý, đó vẫn là một sự đáng tiếc lớn, vì năng lực nói ra từ ngữ mạnh mẽ này không chỉ giúp chúng ta không phải làm việc mình không muốn, nó còn là nhân tố quyết định chúng ta có thể tập trung vào một mục đích, nhiệm vụ của bản thân hay không.
Mấu chốt là, từ "không" cũng giúp ta xác định giá trị và nguyên tắc của bản thân, chứ không phải chạy theo phục vụ lợi ích của người khác. Biết nói "không" không đồng nghĩa với sự ích kỷ hay tự cô lập, mà chỉ đơn giản là hành động quyết đoán, bảo vệ chính mình trước những yêu cầu vô lý, những lựa chọn ta không đồng tình, hay một hành vi sai trái ta không thể chấp nhận - một con người không thể nói "không" là người không có chính kiến, không biết mình là ai.
Nói "không" là một lựa chọn tự nhiên
Nếu như hiểu cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn, thì khi ta mở cánh cửa này ra (nói "có" với một cơ hội), thì đồng nghĩa ta cũng phải đóng lại hay nói "không" với một cơ hội khác. Ngược lại, khi cố ý nói "không" với một thứ (như sự thỏa mãn nhất thời, một yêu cầu vô lý...) thì ta cũng đồng thời chọn tập trung theo đuổi mục tiêu chính đáng của bản thân.
Một ví dụ mẫu mực cho những lựa chọn có/không kiểu này là hôn nhân. Bằng cách cam kết trong mối quan hệ trọn đời, ta cũng tự động phải nói "không" với sự lừa dối. Đó là một cam kết phải thực hiện hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng năm để hy sinh lạc thú cho một thứ mà các nền văn hóa vẫn đề cao hơn cả - mối liên kết thiêng liêng giữa 2 con người.
Mặt khác, một người cũng có thể lựa chọn cuộc sống độc thân để tận hưởng tự do trọn đời, nhưng đồng thời cũng phải nói "không" với các mối quan hệ dài lâu, sự gắn kết, hay thậm chí là cả các quy chuẩn cứng nhắc của xã hội về hôn nhân và lập gia đình. Suy cho cùng, lựa chọn là nằm ở mỗi người, nhưng tất cả mọi lựa chọn đều yêu cầu những sự hy sinh nhất định mà dù muốn dù không, ta vẫn phải chấp nhận.
Một người không thể vừa muốn tận hưởng một cuộc hôn nhân hạnh phúc, vừa có được lạc thú "trăng hoa" bên ngoài. Tương tự, ta cũng không thể vừa vui chơi quên ngày tháng, vừa mong muốn tận hưởng thành quả mà chỉ có lao động chăm chỉ mới có thể đạt được. Một vận động viên muốn vượt trội trong thành tích thì không thể không nói "không" với một lối sống thư thả, chế độ ăn kém lành mạnh.
Một khi đã chấp nhận việc nói "không" là một phần tất yếu và tự nhiên của cuộc sống, việc nói ra cũng sẽ nhẹ nhàng hơn thật nhiều, kể cả là nếu từ "không" ấy dành cho chính bản thân mình.
Khi ta nói "không" với những khát khao nhất thời của bản thân, thì tức là ta lựa chọn trung thành với kỷ luật và cống hiến để đạt được những kết quả lâu dài.
"Chìa khóa" để bảo vệ bản thân
Quan trọng không kém khả năng nói "không" với chính mình, là khả năng dùng từ này với cả người khác. Sự cả nể là mồi ngon cho những người thích dựa dẫm, lợi dụng cho mục đích của bản thân họ. Khi nói "có" với những yêu cầu vô lý của người khác, ta cũng đang nói "không" với cơ hội, thời gian và nguồn lực theo đuổi mục tiêu của bản thân.
Bi kịch đó xảy ra khi việc giúp đỡ ai đó không đến vì mong muốn vô tư hay vì việc đó đồng nhất với lợi ích, giá trị quan của ta, mà vì ta không thể nói "không".
Nói "không" với người khác đặc biệt khó khăn. Vì quan niệm xã hội, sự giáo dục mà đa số sẽ cảm thấy có trách nhiệm làm theo lời người khác và khiến họ vui lòng. Trong một xã hội cần nhiều sự đoàn kết, đó có thể là một đức tính tốt. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần có mức độ và sự tự tôn dành cho bản thân cũng vậy. Từ "không" là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ những giá trị của bản thân mà không liên tục hy sinh chính mình, nhất là vì những ham muốn cá nhân của người khác chứ không phải mục đích tập thể.
Một khó khăn tự nhiên của việc nói "không" là phản ứng ta nhận được sau sự từ chối. Đôi khi, người ta sẽ lập luận, tranh cãi, hay thậm chí có thái độ cảm xúc tiêu cực khi bị khước từ, đặc biệt là những người độc hại hay có khả năng thao túng cảm xúc.
Họ có thể trở nên lạnh nhạt, sử dụng những chiêu trò tâm lý khiến ta lo sợ hay thậm chí là đe dọa chấm dứt mối quan hệ khi không được thỏa mãn nhu cầu.
Nhưng ta phải đặt câu hỏi liệu mình có muốn những mối quan hệ độc hại và lợi dụng như vậy hay không? Chẳng lẽ chỉ vì nỗi sợ cô đơn, mà chúng ta phải chấp nhận những người độc hại bên mình và hy sinh giá trị của bản thân để thỏa mãn mong muốn ích kỷ của họ? Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng rốt cục nỗi sợ không được yêu mến và bỏ rơi lại chính là xiềng xích giam cầm người ta trong những mối quan hệ lợi dụng và ngại nói "không" vì chính mình.
Vấn đề là, những người thực lòng quan tâm đến chúng ta sẽ luôn tôn trọng lựa chọn nói "không" của ta với yêu cầu của họ, dù có chính đáng. Xét theo mặt này, từ "không" lại có thêm một lợi ích là "màng lọc" những mối quan hệ chân thành.
Để nói "không" với người khác không phải một kết quả có thể dễ dàng đạt được nếu bạn đã có thói quen chiều lòng mọi người. Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận sự không thoải mái, những mối quan hệ tan vỡ hay cả cảm giác tội lỗi. Nhưng nếu không chống lại những cảm giác nhất thời đó, mối quan hệ của ta với chính bản thân cũng trở nên độc hại qua thời gian.
Người ta có thể trở nên căm phẫn, dồn nén sự khó chịu khi cảm thấy cuộc sống của mình bị người khác kiểm soát. Rồi khi nhận ra chính bản thân họ đã để mình làm vậy, họ trở nên ghét bỏ chính bản thân mình.
Nhưng mấu chốt của những thứ khó như việc nói "không" là phần thưởng luôn xứng đáng. Ta có cơ hội xác định rõ ràng được giá trị quan, mục tiêu của bản thân trong đời và tránh khỏi những mối quan hệ độc hại, những người thích kiểm soát hay các thói quen ngắn hạn làm trì trệ bản thân.
Hơn hết, ta cần hiểu rằng "không" không chỉ là một lời phủ định, mà là một câu nói hoàn chỉnh và ta không có nghĩa vụ phải giải thích lý do cho bất cứ ai (dù tất nhiên là đôi khi vẫn cần làm vậy).
Nguồn: Einzelgänger, Tổng hợp