Đầu tháng 1/2017, các nhà khoa học trên thế giới đã lo ngại một tảng băng khổng lồ ở Nam Cực có nguy cơ tách khỏi thềm băng Larsen C (thềm băng lớn thứ 4 tại Nam Cực, rộng 50.000 km2) thêm 10km.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, theo tính toán của The New York Times, tính cho đến tháng 2/2017, tổng chiều dài của vết nứt này đã gần 30km, lớn hơn rất nhiều so với những gì mà giới khoa học dự đoán và lo ngại trước đó.
Hình ảnh động của các chuyên gia thuộc Đại học Swansea cho thấy mức độ tảng băng nứt tách khỏi thềm băng Larsen C, từ cuối tháng 11/2014 đến cuối tháng 1/2017. Ảnh: Đại học Swansea.
Nếu vết nứt khổng lồ này tiếp tục kéo dài, tách hoàn toàn ra khỏi thềm băng "mẹ" Larsen C, thì nó sẽ trở thành một trong những tảng băng trôi nổi lớn nhất trong lịch sử Trái Đất - Có diện tích bằng 1/4 xứ Wales.
Theo tính toán của các nhà khoa học, tính từ tháng 12/2016, chỉ riêng mỗi một ngày thôi, vết nứt này đã rạn thêm khoảng 500m, khiến cho tảng băng khổng lồ rộng 5.000 km2 và có độ dày tới 350m tách khỏi thềm băng "mẹ" Larsen C là điều không thể tránh khỏi.
Băng tan khiến cho mực nước biển ngày càng tăng. Ảnh minh họa.
Adrian Luckman, giáo sư thuộc trường Đại học Swansea (Wales), lo ngại: "Việc tảng băng khổng lồ tách khỏi thềm băng "mẹ" Larsen C để trở thành tảng băng trôi nổi tự do sẽ xảy ra trong vài tháng tới".
Phát biểu với AFP, giáo sư Adrian Luckman cho biết, giới khoa học thế giới đang hết sức lo lắng từng chuyển động nhỏ nhất của tảng băng khổng lồ này.
Hình ảnh tảng băng khổng lồ rộng 5.000km2 (khoanh đỏ) tách dần theo thời gian khỏi thềm băng Larsen C. Ảnh: Đại học Swansea.
Mối nguy hiểm to lớn đến từ giây phút tảng băng tách hoàn toàn khỏi thềm băng Larsen C. Khi đó, 1 khối băng lớn 5.000km2, dày 350m tách ra không những khiến cho sông băng nội địa ở Nam Cực trở nên kém ổn định mà còn thúc đẩy băng hà nhanh hơn.
Con số mà giới khoa học lo lắng chính là mực nước biển tăng lên thêm 10cm. Nước biển dâng lên sẽ đe dọa sự an toàn của hàng tỉ người sinh sống tại các khu vực duyên hải và hòn đảo.
Theo các nhà khoa học về khí hậu, băng tan là hệ quả của việc Trái Đất đang ấm dần lên. Nếu như cách đây khoảng 150.000 năm, quá trình Trái Đất ấm lên diễn ra rất chậm thì ngày nay quá trình này bị đẩy nhanh chưa từng có do ảnh hưởng từ các hoạt động của con người.
Dịch từ: Dailymail