Một thời thống trị, giờ họ là kẻ "lót đường" ở châu Âu

Vũ Hoàng |

Sau một mùa giải quật khởi nhen nhóm niềm hi vọng là một mùa giải vứt đi. Serie A không còn bất cứ đại diện nào ở vòng tứ kết 2 cúp châu Âu.

1. Có một bình luận khá hài hước sau trận đấu giữa Bayern và Benfica: “Nếu như Allegri là thiên tài sau trận thua 2-4 trên Allianz Arena thì ai là người đang huấn luyện Benfica?”.

Một người khác thì nói huỵch toẹt: “Hãy nhìn Benfica ngày hôm nay để học cách làm thế nào không bị thủng lưới tới 4 bàn ở Allianz một lần nữa!”.

Nếu ngay cả đại diện ưu tú và có thực lực nhất của Serie A trong 5 năm qua còn bị chỉ trích như thế thì những đội bóng còn lại của Italia sẽ thảm hại như thế nào?

Napoli, đội đang đua Scudetto với Juve, thất bại trước Villareal trong khi Fiorentina thua tan nát trước Tottenham Hotspur.

Mỉa mai thay, đội bóng duy nhất đến được vòng 1/16 Europa League lại là Lazio, mùa này không còn hi vọng chen chân dự Cup châu Âu nữa. Cuối cùng, họ cũng bị loại nốt sau khi thua một đại diện của... CH Czech.

Lazio rớt đài sớm ở Europa League.
Lazio rớt đài sớm ở Europa League.

2. Thực tế, những kết quả bi quan của Serie A không còn là cái gì đó mới mẻ và nó sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa nếu giới lãnh đạo cũng như toàn bộ các đội bóng ở Italia không chịu thức thời và thay đổi.

Đầu năm nay, thống kê về bản quyền truyền hình mùa giải tới cho thấy khoảng cách mênh mông giữa Serie A và Premier League là như thế nào.

Tổng giá trị bản quyền mùa 2016-17 của Premier League là hơn 3 tỷ euro trong khi của Serie A chỉ vẻn vẹn 1 tỷ euro.

Nếu như Serie A phân chia bản quyền truyền hình theo danh tiếng các CLB thì Premier League lại có cách chia hết sức hợp lí, đó là theo thứ hạng cuối cùng của mùa giải trước.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc Juventus, đội có giá trị bản quyền truyền hình cao nhất Serie A còn kém cả đội xếp thứ 20 ở Premier League thì đủ hiểu tình hình Serie A bi đát thế nào.

Rất dễ hiểu, khi mà bản quyền truyền hình, thứ mang lại nguồn thu chủ lực cho các đội bóng, không cao, Serie A trở nên thiếu tính cạnh tranh trong việc mua sắm cầu thủ và từ đó, lại càng khiến họ mất giá hơn.

Thêm vào đấy, các đội bóng Serie A có vẻ như hài lòng với những SVĐ cũ kỹ, xuống cấp của mình từ thời tổ chức World Cup 1990, và không có ý định đầu tư vào nó để thu hút khán giả.

Trong khi đó, như chúng ta đã biết, các sân bóng ở Premier League hay cả Bundesliga đều chật kín người và các CLB dễ dàng thu được rất nhiều tiền từ bán vé và các sản phẩm phụ.

Mãi đến tận gần đây, Juventus mới đi đầu trong trào lưu này và hiện giờ theo gót là AS Roma. Nhưng buồn thay, hai đội bóng thành Milan thì vẫn tiếp tục quanh quẩn với sân San Siro và coi nó là niềm tự hào dù khán giả ngày càng thưa thớt.

Milan luẩn quẩn trong vòng nghèo đói suốt mấy năm nay.
Milan luẩn quẩn trong vòng "nghèo đói" suốt mấy năm nay.

Nếu người Italia muốn thay đổi, họ buộc phải nhìn vào Premier League hay Bundesliga để học hỏi.

Hoặc Serie A thay đổi theo nguyên tắc tôn trọng khán giả tuyệt đối và biến khán giả trở thành thành viên lãnh đạo và máu thịt của CLB như người Đức.

Hoặc biến giải đấu trở thành một show giải trí hấp dẫn và sành điệu như người Anh. Việc xóa bỏ hệ thống đồng sở hữu cầu thủ, một điều khiến cho rất nhiều vụ chuyển nhượng “đen” trong quá khứ ra đời, chỉ là sự bắt đầu.

Người Anh đã mất tới 7 năm để đưa Premier League trở thành hàng đầu. Người Đức cũng mất tới gần 10 năm để trở lại với vinh quang.

Nếu người Italia thực sự quyết tâm, 5 hay 10 năm làm mới mình cũng không phải là quá dài. Dù rằng họ sẽ phải nhiều lần chứng kiến những đội bóng nước khác lên ngôi ở châu Âu thêm vài năm nữa trước khi tận hưởng thành quả của mình.

Vấn đề là nền bóng đá đang tụt hậu như Serie A có chịu chuyển mình hay không thôi.

Lần gần đây nhất một đội bóng Serie A vô địch Champions League là Inter vào mùa giải 2009/2010.

Trong thời gian đó, các đại diện TBN lên ngôi 3 lần, Đức 1 lần và Anh 1 lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại