Nội dung chính
- Tập đoàn Sơn Hải có 2 ý kiến đề xuất với Thủ tướng để thi công "thần tốc"
- Công nghệ làm dải phân cách "thần tốc" là máy đúc Power Curber 5700-D
Cam kết hoàn thành sớm các tuyến cao tốc
Ngày 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Tại lễ phát động, Tập đoàn Sơn Hải đã thay mặt các chủ đầu tư phát biểu, khẳng định sẽ xử lý triệt để công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, triển khai mọi giải pháp để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án để hoàn thành đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc trước 31/12/2025 theo đúng mục tiêu thi đua mà Thủ tướng Chính phủ phát động.
Thay mặt các nhà thầu, ông Nguyễn Viết Hải cho rằng các tuyến đường cao tốc hoàn thành sớm được ngày nào thì người dân, đất nước được hưởng lợi ngày đó. Đáng chú ý, đại diện Sơn Hải thay mặt các nhà thầu có 2 ý kiến đề xuất với Thủ tướng để thi công "thần tốc" hơn.
Thứ nhất, đề nghị các địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng và mỏ vật liệu cho các nhà thầu triển khai thi công.
Thứ hai, tại dự án do Sơn Hải thi công, Thủ tướng đã cho phép áp dụng công nghệ mới vào việc làm dải phân cách cứng, giúp rút ngắn tiến độ, không thay đổi giá thành nhưng mang lại độ an toàn cao hơn và tính thẩm mỹ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hai dự án là Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa được phê duyệt.
Tỉnh đã có văn bản xin phép áp dụng công nghệ mới, thay vì thiết kế dải phân cách 85 cm trên lưới chống chói, sẽ làm 1,27 cm đúc trực tiếp. Thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, thi công nhanh hơn và không làm tăng chi phí. Nhà thầu mong muốn sớm được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Hải khẳng định.
Trả lời kiến nghị của nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ cho biết: "Hai đề xuất của Sơn Hải, cơ bản tôi đồng ý, Chính phủ đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn mặt bằng, về mỏ vật liệu, giá cả nguyên vật liệu, việc của bộ nào thì bộ đó, địa phương đó phải làm, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
Thủ tướng nói thêm rằng việc này đã được thực tiễn chứng minh là đúng và có hiệu quả, thì cứ thế mà làm. Còn thủ tục nào cần giải quyết thì Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp xử lý. Ông đề nghị các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, xử lý ngay để không gây ách tắc ở các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đã được Chính phủ giao quyền trực tiếp cho các nhà thầu.
Thủ tướng khẳng định: Việc Tập đoàn Sơn Hải đề nghị cải tiến một số kỹ thuật qua thực tiễn công việc, thì phải thực hiện ngay.
Công nghệ mới làm dải phân cách cứng là gì?
Công nghệ mới làm dải phân cách cứng rút ngắn tiến độ được nhắc đến ở trên là cỗ máy đúc Power Curber 5700-D do Mỹ sản xuất, là loại máy bán chạy nhất thế giới.
Máy chuyên dùng để đúc bó vỉa, làm dải phân cách cứng với chiều cao lên tới 1,5m trên đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, khu công nghiệp. Cỗ máy này cũng có thể trải đường bê tông xi măng (rộng đến 2m rải bên cạnh hoặc đến 3 m rải ở giữa), làm rãnh, kênh thoát nước và nhiều công dụng khác.
Power Curber 5700-D được mô tả là sự kết hợp tuyệt vời giữa công suất và tốc độ. Máy có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng khi bảo dưỡng, vận hành an toàn hơn.
Cỗ máy dưới sự điều khiển của con người đi giữa đường và nhả ra dải phân cách bê tông liền mạch không những đạt chất lượng đồng đều với tính thẩm mỹ cao mà còn giúp tiết kiệm thời gian thi công, nâng cao năng suất. Với cỗ máy này, việc thi công dải phân cách đường cao tốc trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Từ công trường cao tốc Vân Phong - Nha Trang (tuyến cao tốc đang sử dụng Power Curber 5700-D), kỹ sư Nguyễn Thanh Đông (Tập đoàn Sơn Hải) cho Báo điện tử Chính phủ hay: Đơn vị thi công áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách tự động, tiết kiệm hơn, an toàn hơn với máy móc nhập khẩu hoàn toàn. Dự kiến, gói thầu sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch ít nhất 1 năm.
Quyết tâm đẩy nhanh cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, trên tuyến bố trí 9 nút giao (trung bình 13 km/1 nút), sơ bộ tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội gồm cơ chế chỉ định thầu; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Ngày 17/8, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chủ quản xây dựng lại đường găng tiến độ cho các dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, phấn đấu hoàn thành đoạn đầu tuyến dự án thành phần 1 (Khánh Hòa) và toàn bộ dự án thành phần 3 (Đắk Lắk) vào cuối năm 2025; đồng thời phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2 là đoạn có nhiều khó khăn nhất do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.