Một sự kiện từng gây chấn động vào năm 2007: 5 em học sinh lớp 6 giải đề thi đại học khối B, nhìn điểm mà bất ngờ!

Thanh Hương |

Sau khi đạt thành tích đáng nể, 5 học sinh tiếp tục học hành chăm chỉ.

Với một học sinh lớp 12, để đạt được 8, điểm 9 trong kỳ thi đại học cũng đã rất xuất sắc, đòi hỏi sự học tập chăm chỉ không ngừng. Tuy nhiên, từng có những em học sinh lớp 6, mới chỉ học năm đầu của bậc THCS nhưng đã giải "ngon ơ" đề thi đại học, không chỉ vậy còn đạt được số điểm cao. Đây là sự kiện từng gây chấn động dư luận vào năm 2007.

Một sự kiện từng gây chấn động vào năm 2007: 5 em học sinh lớp 6 giải đề thi đại học khối B, nhìn điểm mà bất ngờ!- Ảnh 1.

Các em học sinh và thầy Phương. Từ trái qua hàng dưới: Long, Hải, thầy Phương; hàng trên: Sơn, Linh, Thắng.

5 học sinh lớp 6 giải được đề thi đại học khối B!

Năm 2007, 5 em học sinh bao gồm: Lê Nguyễn Vương Linh, Ngô Đặng Hải (THCS Amsterdam); Hoàng Minh Sơn (THCS Ngô Quyền); Phạm Tiến Long (THCS Trưng Vương); Nguyễn Minh Thắng (THCS Lương Thế Vinh, Thái Bình) đều vừa học xong lớp 6 và đang theo học lớp học đặc biệt của thầy giáo Trần Phương (Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam).

Các em được thầy giáo của mình tổ chức cho làm đề thi môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 (có thời lượng 150 phút) và các em chỉ cần giải trong 45 phút, điểm thấp nhất là 7,75, hai em đạt đến 9,75.

Sau khi có kết quả thi nói trên, thầy Trần Phương - người dạy các em bày tỏ mong muốn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, các học sinh của thầy sẽ được dự thi môn Toán cùng thời điểm với các thí sinh tham dự kỳ thi này.

Ngày 8/6/2007, GS-VS Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - đã ký văn bản đồng ý tổ chức 1 phòng thi cách ly độc lập tại Liên hiệp hội cho 5 học sinh lớp 6 tham dự thi thử theo đề thi tuyển sinh ĐH môn Toán năm 2007.

Cuộc thi sẽ được tổ chức ngay sau khi kết thúc cuộc thi tuyển sinh ĐH môn Toán năm 2007 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trung tâm CENSIP của Liên hiệp hội sẽ mời Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) đến dự và giám sát cuộc thi.

Sáng 11/7/2007, bài làm môn Toán đại học khối B của 5 thí sinh nhí đã được chấm theo đáp án của Bộ GD&ĐT. Hai cán bộ trực tiếp chấm thi là thày Nguyễn Thượng Võ - cựu giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam và cô Hà Thị Duyên - Giáo viên trường THPT Marie Curie. Kết quả, em Ngô Đặng Hải đạt điểm cao nhất: 8,25 điểm. Nguyễn Minh Thắng và Phạm Tiến Long đều được 8 điểm. Em Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh đạt 7,75 điểm.

Theo báo VnExpress, Thầy Nguyễn Thượng Võ nhận xét, các em làm bài tốt, có tư duy, có những câu làm sáng tạo, không theo phương án của Bộ đưa ra mà vẫn đúng. Đề Toán khối B "moi" kiến thức từ lớp 9 đến lớp 12 nên nếu không có gốc sẽ không thể làm bài tốt. Tuy vậy, do các em chỉ là học sinh lớp 6 nên câu chữ, cách diễn giải chưa được hoàn chỉnh như các anh chị lớp 12.

Cô Hà Thị Duyên cũng nhận xét: "Các em làm đầy đủ các ý trong đề nhưng mất điểm trong phần tính toán. Phần bất đẳng thức và phần hình học các em làm rất tốt".

Kết quả này đã gây chấn động dư luận, khiến nhiều người kinh ngạc, tò mò về bí quyết dạy dỗ của thầy Trần Phương. Cả 5 học sinh trên đều được thầy Trần Phương biết đến qua showgame "Thần đồng đất Việt" (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức). Thành tích của các em trong cuộc thi không phải đều nổi bật, chỉ hạng nhất nhì của tuần hoặc của tháng. Chỉ duy nhất em Ngô Đặng Hải lọt vào chung kết năm.

Tuy nhiên theo thầy Trần Phương, các em đều là những học sinh giỏi ở trường, đặc biệt là môn Toán. Thầy Phương không chủ đích tìm những em xuất sắc nổi trội. Chia sẻ với báo Tiền Phong, thầy cho biết: "Chỉ cần các em thông minh, có tư chất là đã có thể trở thành HS trong lớp học của tôi. Những em như thế ở nước ta có khá nhiều - khoảng 10% trong tổng số học sinh cùng lứa tuổi".

Thầy Phương tổ chức lớp học học đặc biệt nhằm mục đích "hiện thực hoá" ý tưởng của chính mình: xây dựng một công nghệ đào tạo để từ đó tạo ra những học sinh tài năng thực sự và có kiến thức giỏi toàn diện trong thời gian ngắn nhất.

Môn Toán chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên. Để thực hiện công nghệ này, theo thầy Phương điều quan trọng số 1 là phải tạo cho học sinh niềm đam mê và yêu thích môn học. Từ đó học sinh sẽ có ý thức tự giác học. Bên cạnh đó, việc dạy cho học sinh ý nghĩa của các phép toán, các khái niệm quan trọng hơn dạy cho học sinh nội dung của các phép toán, các khái niệm đó.

Được biết, mỗi tuần các em học sinh chỉ học một buổi (vào sáng Chủ nhật). Mỗi buổi học từ 3 đến 4 tiếng. Sau khóa học miễn phí kéo dài 150 giờ của thầy Phương, 5 học sinh lớp 6 đã tiếp thu được lượng kiến thức của cả 6 năm học (từ lớp 6 đến lớp 12).

Mỗi buổi đến lớp, thầy Trần Phương phát cho mỗi học sinh một tập phô tô bài giảng. Có khi mỗi bài học chỉ được thầy giới thiệu trong vài ba dòng với khoảng 3 - 4 phút thuyết trình. Sau đó các em phải tự học, tự tìm cách giải quyết vấn đề.

Được biết sau khi đạt thành tích đáng nể, 5 học sinh tiếp tục học hành chăm chỉ. Thậm chí, để thuận tiện cho việc học tập, Nguyễn Mạnh Thắng chuyển từ Thái Bình lên ở nhà thầy Phương, được thầy nuôi dạy như con đẻ.

Theo thông tin từ báo Vietnamnet, thời điểm năm 2015, Lê Nguyễn Vương Linh cùng lúc giành học bổng toàn phần 3 trường nổi tiếng thế giới là National University (Singapore), Đại học Louis-Le-Grand (Pháp) và Đại học Colgate (Mỹ).

Với niềm yêu thích bộ môn Hóa - Sinh, Linh chọn Đại học Colgate với học bổng toàn phần 248.000 USD. Phạm Tiến Long trúng học bổng của Đại học Rochester Institute of Technology (RIT) Mỹ. Ngô Đặng Hải trong đợt dự thi Olympic Khoa học Trẻ Quốc tế (2009) đã đoạt Huy chương Đồng. So với các bạn, Hải học muộn hơn các bạn một năm và đang chờ học bổng du học.

Nguyễn Minh Thắng từng sang Hàn Quốc du học, sau đó về nước học Đại học Kinh tế Quốc dân. Còn Hoàng Minh Sơn là sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại