Kết luận điều tra thể hiện ngày 23/8/2010, TrusBank chi nhánh Sài Gòn đã giải ngân khoản vay 150 tỉ đồng của công ty TNHH Thành Đăng. Khoản vay này phát sinh tại TrustBank theo hợp đồng tín dụng số và khế ước nhận nợ số 040.169.10/HDTD-NH.
Theo chứng từ, ông Nguyễn Bá Triều nhận 150 tỉ đồng bằng tiền mặt tại TrustBank bằng giấy lãnh tiền mặt số 555 và bảng kê chi. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang chỉ được thực nhận 111 tỉ đồng còn 39 tỉ đồng không được nhận.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Phương Trang khẳng định Công ty Thành Đăng chỉ nhận được 111 tỉ đồng từ khoản vay 150 tỉ đồng của TrustBank. Trong đó, công ty chuyển 30 tỉ đồng trả cho ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm).
Các bị cáo liên quan tới đại án Hứa Thị Phấn tại phiên tòa.
Liên quan tới khoản vay của TrustBank nói trên, cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, từ năm 2010 - 2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (Công ty Phương Trang) tổng cộng 83 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu, tổng giá trị gần 16.468 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Phương Trang đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ gốc là 9.437 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được hơn 3.936 tỉ đồng trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà TrustBank giải ngân.
Tháng 2-2012, Công ty Phương Trang tố cáo bà Hứa Thị Phấn và TrustBank, lợi dụng công ty là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều bất động sản, cần tiền để đầu tư kinh doanh, nên buộc ký trước hồ sơ vay, nhiều giấy tờ khác. Sau đó, bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo nhân viên TrustBank giải ngân khoản vay rồi chiếm đoạt mà không thông báo cho Công ty Phương Trang.
Cơ quan điều tra xác định bị cáo Hứa Thị Phấn lợi dụng việc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ, giấy tờ để chi khống tiền giải ngân cho các khoản vay của Công ty Phương Trang, cấn trừ với các chứng từ thu khống 5.256 tỉ đồng, để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách, đẩy dư nợ khống cho công ty này.
Một khoản vay từ TrustBank được dùng để trả nợ cho "Vũ Nhôm"
Tại tòa, đại diện ngân hàng CB cho biết, đối với các khoản tiền vay của nhóm Phương Trang, ngân hàng CB đã kế thừa toàn bộ khoản vay từ Trustbank, bao gồm 82 khoản vay của nhóm Phương Trang.
Trong đó, TrustBank đã tất toán 36 khoản vay với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng. Đối với 41 khoản vay chưa được tất toán, đại diện ngân hàng CB đã có 26 đơn khởi kiện ra nhiều tòa án trên địa bàn TP HCM và các tỉnh để yêu cầu nhóm Phương Trang trả nợ.
Đại diện nhóm Phương Trang phản đối cho rằng cơ quan chức năng đang xử lý, phiên tòa đang diễn ra nhưng phía ngân hàng CB lại kiện tụng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Với vấn đề này, HĐXX đề nghị phía ngân hàng CB gửi đơn yêu cầu các tòa án đình chỉ các vụ kiện cho đến khi đại án Hứa Thị Phấn có kết quả.
Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, mua đi bán lại cho TrustBank, gây thất thoát 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra bà này còn chỉ đạo cấp dưới hạch toán khống, đẩy dư nợ khống 5.265 tỷ đồng cho Công ty CP Phương Trang (Công ty Phương Trang).
Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn biết Công ty Phương Trang có nhiều tài sản, cần vốn mở rộng kinh doanh nên buộc doanh nghiệp này ksy trước hồ sơ, chứng từ vay vốn rồi mới giải ngân sau. Từ năm 2010 - 2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu.
Tổng số tiền TrustBank giải ngân trên sổ sách cho Công ty Phương Trang gần 16.468 tỷ đồng. Sau khi Công ty Phương Trang đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được hơn 3.936 tỷ đồng trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà TrustBank giải ngân.
Đặc biệt, trong số những tài sản mà Công ty Phương Trang thế chấp được Hứa Thị Phấn sử dụng làm "mồi nhử" dụ Phạm Công Danh sập bẫy.