Một nửa thế giới đã trực tuyến, nửa còn lại thì sao?

An Trang |

Việc kết nối Internet tại các quốc gia phát triển tương đối dễ dàng, tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới thì còn gặp nhiều khó khăn.

Thế giới chia làm hai nhóm người: nhóm những người đã truy cập Internet và nhóm còn lại chưa thể làm được điều này. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, quá trình lan toả của Internet đang bắt đầu chững lại. Điều này đặt ra nhiều thắc mắc về tính khả thi cho việc phổ cập Internet trên toàn cầu.

Thực tế, mọi người truy cập Internet bằng những cách khác nhau, phục vụ cho những mục đích khác nhau và thậm chí truy cập các thông tin hoàn toàn không giống nhau.

Những năm 1990 và 2000 chứng kiến sự phát triển tương đối nhanh của Internet. Tỷ lệ người dùng Internet tăng lên gần 20%. Nếu năm 2000 chỉ có 3 quốc gia có tỷ lệ người truy cập Internet trên 50% tổng số dân thì đến nay đã có hơn 100 quốc gia đạt tỷ lệ này.

Tuy nhiên, không thể không kể đến 15 quốc gia có tỷ lệ người truy cập Internet dưới 10% và 50 quốc gia khác với tỷ lệ truy cập dưới 30%. Việc phổ cập Internet ở những quốc gia này sẽ còn nhiều khó khăn.

Các ông lớn công nghệ đang cố gắng tìm những phương pháp tiếp cận thị trường mới. 

Facebook đã nhận ra rằng với sự phát triển của Internet trên điện thoại di động, một bộ phận người dùng trên thế giới không thể online không phải do vấn đề đường truyền mà đơn giản là bởi người tiêu dùng không đủ khả năng mua một chiếc điện thoại thông minh và chi trả cho các gói dữ liệu hàng tháng. 

Do đó, Facebook bắt đầu trả tiền thay cho họ. Công ty cung cấp các chương trình truy cập miễn phí tại 22 quốc gia, cho phép người dùng truy cập tới 20 trang web giới hạn, trong đó bao gồm Wikipedia, AccuWeather và dĩ nhiên cả Facebook.

Chương trình khá thành công, đem lại kết quả ấn tượng với 100 triệu người dùng trực tuyến mới. Khảo sát năm 2014 tại Nigeria và Indonesia cho thấy hầu hết người dùng Internet đều sử dụng Facebook. Một số người còn trả lời rằng họ đã sử dụng Facebook chứ không phải Internet. Tuy vậy, chương trình cũng không thể tránh khỏi nhiều nhược điểm.

Hiện nay, Facebook đang phải giải quyết các hậu quả phát sinh từ dịch vụ của mình. Từ bạo lực sắc tộc ở Myanmar đến bạo lực tôn giáo ở Ấn Độ, người ta đều phát hiện những thông tin sai lệch được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng và mạng xã hội như Facebook hay Whatsapp khiến tình hình trở trên trầm trọng và khó kiểm soát.

Internet được biến đổi ở từng quốc gia

Mặc dù Anh và Mỹ cùng sử dụng Internet bằng tiếng Anh, các tổ chức truyền thông, mạng xã hội hay xu hướng hiện tượng văn hóa tại mỗi quốc gia lại có sự khác biệt. Ví dụ, Google là công cụ tìm kiếm quen thuộc ở cả hai quốc gia nhưng phổ biến hơn ở Anh. Điểm khác biệt là do ở Mỹ đã tồn tại Yahoo! với thị phần lớn gần gấp ba thị phần tại Anh.

Một ví dụ khác, Đức là thị trường ưu tiên của trình duyệt Mozilla Firefox với lượng người dùng lớn. Do đó, các lập trình viên của Firefox đã tùy biến trình duyệt web để phục vụ riêng cho thị trường này như sử dụng công nghệ hiển thị khác, giao diện cửa sổ khác và cho phép sử dụng chế độ lọc tin bài theo các phần mở rộng khác nhau. 

Tại Đức, tỷ lệ chặn quảng cáo khá cao, cứ 3 người thì sẽ có 1 người sử dụng chương trình chặn quảng cáo trên trình duyệt máy tính.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, nhờ vào chế độ kiểm soát nghiêm ngặt "Bức tường lửa Vạn Lý Trường Thành" (Great Firewall), các công ty nội địa đã có cơ hội phát triển các ứng dụng thay thế cho những ứng dụng vốn nổi tiếng toàn cầu của các ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon.

 Thay vì Google, người dân Trung Quốc sử dụng Baidu, mua sắm trên Alibaba thay vì Amazon, nói chuyện và kết nối trên Weibo hay Tencent thay vì Twitter và Facebook.

Số liệu cho thấy Tencent có thị trường lớn tương đương Facebook. Weibo sở hữu lượng người dùng nhiều hơn Twitter tới 100 triệu người. Alibaba và Baidu tuy không đạt được mức độ phổ biến như trên nhưng cũng đã trở thành những ông lớn công nghệ theo đúng nghĩa.

Trước đó, lo lắng nền kinh tế bị đe doạ khiến các quốc gia áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn và kiểm soát truy cập Internet. Kinh nghiệm từ những thành công của Trung Quốc đã giúp Internet lan rộng sang các quốc gia khác và gợi ý nhiều cách tiếp cận hiệu quả cho chính quyền: một mặt kiểm soát nguồn thông tin, mặt khác thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ nội địa.

 Liên Bang Nga cũng đã thành công khi áp dụng phương pháp tương tự, phát triển nên Yandex và VKontakte - hai ứng dụng được biết đến là Google và Facebook của Nga. Các nước khác, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Cuba, cũng đang dành nhiều sự quan tâm hơn cho những hướng tiếp cận như vậy.

Vẫn chưa có một cách giải thích rõ ràng cho sự tăng trưởng chậm lại của Internet. Có thể các khu vực dễ tiếp cận đều đã được phổ cập Internet? Hoặc có thể các công ty công nghệ vẫn còn e dè trước dư luận xã hội về những mặt trái của Internet mà không dám đầu tư lớn hơn? Dù nguyên nhân là gì, kết nối Internet chưa phải là kết thúc của vấn đề.

 Với nhiều người, đó mới chỉ là bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại