Một nơi ở TP.HCM người dân sống 2 năm trong cảnh nước ngập bủa vây, ngay cả khi trời nắng
Hai năm sống trong cảnh nước ngập bủa vây, nhiều lần nâng nền nhà, nâng đường, lội nước mà tắm rửa, nấu ăn… đó là câu chuyện khốn khó của nhiều hộ dân trong khu dân cư hẻm 789, tỉnh lộ 43 phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Nước đọng như ao tù dù trời đang nắng gắt, bám rong rêu thậm chí là bốc mùi hôi khiến nhiều hộ dân ở đây bị đảo lộn thói quen sinh hoạt.
Cô Võ Kim Hoàng không giấu được vẻ mệt mỏi cùng bất lực mỗi khi nhắc đến cuộc sống của mình hiện tại: “Đến mùa mưa, sình lầy, nước lên cao cũng phải ngang bụng. Mỗi lần cô đi ra gom đồ phải mang theo cây để chống, phòng chỗ nào sâu mình không biết hụt chân” - sống trong cái khổ, người dân nơi đây đã tìm ra vô vàn cách để thích nghi.
Chỉ tay vào vạch nước ngập qua cả thềm nhà, bà Huỳnh Thị Mỹ Duyên bức xúc:
“Nhà chị kê đồ nâng lên mà nó còn ngập luôn. Mấy năm về trước cũng ngập, nhưng ngập rồi lại rút. Chứ giờ ngập là nước không thoát ra, có máy bơm thì thoát phần nào thôi.”
Những mảng tường nhà chị Duyên đang dần bong tróc lớp vôi bên ngoài do nước ngấm lâu ngày. Đồ đạc trong nhà đều được kê lên cao để chống nước. Khi nước rút, người dân cũng chẳng buồn để lại vị trí cũ bởi có lẽ nay mai thôi, nước sẽ lại ngập vào nhà.
Không chỉ gia đình chị Duyên, những hộ dân khác trong khu vực cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí có người còn lo lắng căn nhà của mình có thể sập bất cứ lúc nào.
“Bà sợ sập dữ lắm” - câu nói của bà Năm - một người sống dưới căn nhà đầy vết nứt bao quanh bốn bề cũng là nỗi sợ của biết bao người sống tại con hẻm này. Nhiều gia đình thậm chí đã buộc lòng phải rời đi bởi chẳng thể ở mãi trong căn nhà với đầy những bất tiện và nguy cơ này.
Anh Tuấn Anh cho biết: “Nhà bên cạnh mới chuyển đi 2 3 ngày nay chứ không ở được, nước tràn vào hết sao sinh hoạt được. Có nhà bên đó hơi cao thì ráng ở. Nước toàn rác không, đi rồi ngứa chân ngứa tay.” - Có thể thấy, tình trạng nước ngập đã ảnh hưởng lớn đến cả sinh hoạt và sức khoẻ của người dân nơi đây.
Cách đó không xa, nhiều hộ dân tại phường Linh Đông (TP Thủ Đức) cũng sống trong cảnh nước lũ dâng cao sau cơn mưa trước đó vài ngày.
Bà Nguyễn Ngọc Điệp - cư dân phường Linh Đông cho biết đây là tình trạng xảy ra khá thường xuyên chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai: “Mưa xuống có khi nó ngập cả tháng, hai tháng. Dân ở đây chủ yếu không có tiền sửa, nước vô ngập dữ lắm, nhà cô nước vô cô phải bế cháu lên trên cao”
“Mưa chút xíu nữa là nó vô nhà luôn, cái khu này toàn bộ ngập hết, ngập đến đầu gối này con.” - Bà Nguyễn Ngọc Kiều không khỏi than thở.
Nước ngập vào nhà kéo theo rác thải, tiềm ẩn vô vàn những nguy cơ về sức khoẻ. Biết là vậy nhưng nhiều người dân ở đây vẫn lực bất tòng tâm bởi khả năng kinh tế có hạn.
“Rác trôi vào rất nhiều. Nếu mà có vết xước rất dễ nhiễm khuẩn, uốn ván có khả năng thâm nhập bất cứ lúc nào, nhiều vi khuẩn lắm. Nhưng lo ngại thì cũng từ từ mới có tiền sửa thôi con chứ giờ cũng không biết làm sao.” - Bà Bích Hiền chia sẻ.
Về vấn đề này, trao đổi với PLO, UBND TP Thủ Đức cho biết hẻm 789 là một trong những điểm ngập phức tạp. Nhiều năm qua, có khoảng 43 hộ dân bị ảnh hưởng vì nước ngập mỗi khi mưa lớn, nhiều nhà ngập sâu hơn 1m, đồ đạc hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Hiện trạng khu vực hẻm 789 có diện tích khoảng 1,79ha, cao độ trung bình 1,2m, thấp hơn nhiều so với các tuyến đường lân cận. Bên cạnh đó, hẻm có chiều ngang từ 2,25m-6,22m, cống thoát nước xuống cấp, các tuyến mương thoát nước xen kẽ bị đất cát bồi lắng dẫn đến thường xuyên ngập khi mưa lớn.
Chính vì vậy, TP Thủ Đức đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo hẻm 789, đưa vào chương trình giảm ngập giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức đang cân đối nguồn vốn bố trí cho dự án để xúc tiến xây dựng trong thời gian sớm nhất, cải thiện đời sống cho người dân.