Khi có tuổi, hẳn rằng người nào cũng muốn được sum vầy bên cháu con, được sống trong sự chăm sóc yêu thương mà an hưởng tuổi già. Nhưng thực tế đôi khi đắng cay muôn phần, ngoài kia có không ít cụ ông cụ bà neo đơn, không nơi nương tựa.
Hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ già là nghĩa vụ của con cái. Song quá trình này nên được tạo tựng từ hai phía. Cha mẹ là tấm gương của con cái. Nửa đời sau viên mãn hay không, cũng được quyết định từ cách một người sống ở nửa đời trước.
Nếu quan sát kỹ, người già sống hạnh phúc, tận hưởng sự hiếu thuận của con cháu, thường sở hữu 3 điểm này:
1. Luôn yêu thương cháu con, nhận được "khẩu phúc"
Xuân gieo mầm, thu gặt hái.
Khi cuộc sống đang ở giai đoạn mùa xuân rực rỡ (thời trẻ), chúng ta nên chân thành gieo hạt, khi mùa thu đến (già đi), chúng ta sẽ có một mùa bội thu, mùa đông (những năm cuối đời) cũng nhờ đó thoải mái muôn phần.
Cuộc sống là sự dung hòa của cho và nhận. Có lẽ nhiều người sẽ nói rằng: Không ít cụ ông cụ bà neo đơn, đã một lòng nuôi con, đến khi trưởng thành chúng lại “ăn cháo đá bát”, ruồng bỏ cha mẹ. Nhưng khi nghe đến trường hợp này, bạn lại muốn đi ngược với chữ hiếu, mất niềm tin vào cuộc đời sao? Hãy làm đúng với cái tâm và trách nhiệm, cuộc đời sẽ không bạc bẽo, ít nhất cũng không thẹn với lòng.
Đến khi không còn đủ sức khỏe để tự lo cho bản thân, phải nằm một chỗ, được con cháu đỡ đần chăm bón cũng là phúc phần được tạo nên từ những gì mình đã cho đi trước đó.
2. Sống có đạo đức và tu dưỡng, xây dựng “gia phong”
Con người già đi nhưng lại không có sự tu dưỡng trong đạo đức và cảm ngộ về cuộc sống, đây chính là một bi kịch, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả gia đình.
Đến tuổi già mà không bỏ được những thói hư tật xấu và cách sống lệch lạc của thời trẻ thì chắc chắn sẽ hủy hoại hạnh phúc của một người.
“Luận ngữ” của Khổng Tử có câu: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; Kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng”. Bề trên thiếu ngay thẳng, cho dù có mệnh lệnh thì người dưới cũng chẳng thi hành. Bản thân người lớn còn không thể sống đứng đắn thì làm sao đòi hỏi con cháu cũng ngay thẳng đoan chính?
Người đi trước là tấm gương của người đời sau. Không phải tự nhiên mà ông cha ta có câu: Con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ.
Cha mẹ sống có đức hạnh, con cái ít nhiều cũng có sự chừng mực trong đối nhân xử thế và cung cách làm người. Đây chính là “gia phong”!
3. Dạy con tự lập và biết kiếm tiền, vun bồi “tài phú”
“Cho người con cá, không bằng chỉ người cách câu”. Ngay cả khi cha mẹ già đưa tiền lương hưu và tiết kiệm cả đời cho con cái, cũng không thể đảm bảo chúng sẽ có đủ cơm ăn áo mặc đến hết đời.
Nếu không biết dạy con tư duy tạo dựng tài sản và tự lập, mà chỉ lo chiều chuộng, thì con cái sẽ mất sự chủ động trong cuộc sống, từ đó cũng chưa chắc hiểu được “hiếu thảo” là gì.
Cha mẹ sinh con ra trên đời, đồng hành cùng con trưởng thành, có thể hi sinh tất cả vì con, nhưng chắn chắn không thể chăm lo cho con đến hết đời. Bởi lẽ thời gian không chừa một ai, bố mẹ rồi cũng sẽ ra đi. Lúc này, nếu con cái chưa thể tự lập, biết lo cho bản thân thì quả là đáng buồn.
Hơn nữa, “một con sâu làm rầu nồi canh”, nếu trong nhà có người không biết kiếm tiền, sẽ mất hòa khí, sinh ra mâu thuẫn giữa anh em với nhau.
Một người có tầm nhìn xa trông rộng, sẽ giáo dục con cái thật tốt, để chúng có khả năng kiếm tiền và tạo dựng gia đình nhỏ tử tế.