Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp

Dương Ngọc, Ảnh: Ngô Nhung |

Khi khăn gói vào miền Nam học, Trần Hoàng Linh không biết rằng có ngày mình sẽ ngồi trên đài kiểm soát không lưu “đưa đường, chỉ lối” cho các phi công.

Công việc mơ ước

Ngồi tại vị trí cấp phát huấn lệnh máy bay trên đài chỉ huy Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Nội Bài, nữ kiểm soát viên không lưu (KSVKL) Trần Hoàng Linh vừa ra huấn lệnh, trao đổi với phi công trên micro bằng tiếng Anh, mắt nhìn màn hình, tay thoăn thoắt ghi lại các thông số cơ bản của chuyến bay vào băng phi diễn.

Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp - Ảnh 1.

Nữ kiểm soát viên không lưu Trần Hoàng Linh trong ca trực

Cô gái sinh năm 1990 là một trong những KSVKL trẻ nhất của Trung tâm kiểm soát tiếp cận Nội Bài. Năm 2008, khi học xong THPT, Linh đã một mình " Nam tiến" thi vào Học viện Hàng không.

"Lúc đó em cũng thấy ngành hàng không thú vị nên đã nộp hồ sơ và thi đỗ. Cả lớp chỉ một mình em thi vào ngành hàng không.

Khi em khăn gói vào Nam học, mẹ em ủng hộ, còn bố cũng có chút lo lắng vì con gái đi học xa nhà quá. Em phải gọi điện cho ông bà và các bác để làm "công tác tư tưởng" để bố cho đi học"- Linh tâm sự.

Từ nhỏ, Linh đã hay được đi chơi nhà ông bà, các bác ở xa, cô có tính tự lập cao nên bố mẹ cũng yên tâm phần nào.

Linh cho biết thi vào Học viện Hàng không có Khối A và khối D. Cô học khóa 1 Khoa Quản lý hoạt động bay của Học viện Hàng không Việt Nam, thời gian học trong 4,5 - 5 năm.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, Linh ở nhà 1 năm, tìm kiếm các cơ hội công việc. Khi biết thông tin Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tuyển nhân viên mặt đất, Linh đã nộp đơn thi và trúng tuyển.

Trong quá trình học việc tại đây, qua một số vị trí khác nhau, được tiếp xúc với công việc trên đài chỉ huy Nội Bài, cô thấy yêu thích công việc "thú vị" này. Với mong muốn làm việc trên Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, đến năm 2014, Linh chính thức "bén duyên" với công việc này khi đài kiểm soát không lưu tuyển nhân sự.

Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp - Ảnh 2.

Năm 2014, Linh chính thức "bén duyên" với công việc này khi Đài kiểm soát không lưu Nội Bài tuyển nhân sự

Linh chia sẻ đôi lúc cũng thấy áp lực vì công việc KSVKL có trách nhiệm nặng nề. Một chỉ lệnh của KSVKL phát ra liên quan đến hàng trăm sinh mạng, đến khối tài sản hàng ngàn tỉ đồng.

Thời gian đầu mới lên Đài kiểm soát không lưu, Linh có khoảng 6 tháng quan sát, xem các anh chị làm việc. Sau khi thi năng định, Linh được vào vị trí, có người kèm, tới khi đã cảm thấy tự tin với công việc mới bắt đầu làm việc độc lập.

Anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài, cho biết để có thể ngồi ở vị trí KSVKL, sau khi tốt nghiệp Học viện Hàng không sẽ tiếp tục được huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện đào tạo nghiệp vụ quản lý bay, sau đó đến cơ sở lại được huấn luyện tiếp.

Sau khi thi năng định (năng lực thi hành), cấp phép, làm việc có người kèm một thời gian mới có thể làm việc độc lập… Tối thiểu phải mất 5 năm mới có thể làm việc độc lập. Bù lại, thu nhập của KSVKL khá cao và ổn định.

Các KSVKL đều phải thi lấy giấy phép chứng chỉ do Cục Hàng không Việt Nam cấp (phải đạt tiếng Anh mức 4 ICAO: structure, interaction, comprehension, pronunciation, vocabulary, fluency).

Hằng năm, các KSVKL đều được huấn luyện thêm trên 40 đến 80 giờ. Kiểm soát viên bắt buộc phải có hồ sơ đào tạo nâng cao, cập nhật gửi Cục Hàng không Việt Nam thì Cục mới cấp giấy phép hành nghề hằng năm, nếu kiểm soát viên chưa đủ năng định sẽ được rút ra đào tạo thêm.

Bình tĩnh và quyết đoán

Công việc ở đài chỉ huy Trung tâm kiểm soát tiếp cận Nội Bài khá áp lực, yêu cầu độ tập trung cao. Lịch trình làm việc của một nhân viên KSVLK gồm 1 ca ngày, cách 24 tiếng đến 1 ca đêm và sau đó được nghỉ 2 ngày. Có 4 kíp trực thay phiên nhau đảm nhiệm công việc này.

Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp - Ảnh 3.

Công việc ở đài chỉ huy Trung tâm kiểm soát tiếp cận Nội Bài khá áp lực với cả nam và nữ, yêu cầu độ tập trung cao

Nghề KSVKL đòi hỏi sự chuẩn mực khắc nghiệt bậc nhất trong mọi nghề. Với mỗi ca làm việc 12 tiếng, các KSVKL, nam cũng như nữ, sẽ làm liên tục 2 tiếng trên đài chỉ huy, sau đó sẽ được nghỉ 1-2 tiếng tại phòng nghỉ của Trung tâm. Tại đây có nơi nghỉ ngơi, phòng giải trí có tivi, bàn uống nước, phòng phụ trợ, phòng ăn, sân bóng chuyền, bể bơi ngoài trời…

Trong công việc, không hiếm những tình huống gây căng thẳng, bất thường, như khi máy bay va phải chim, máy bay bay lại, có một số vấn đề trên máy bay cần trợ giúp an ninh, KSVKL cần tập trung, bình tĩnh và quyết đoán để trợ giúp tổ lái những máy bay đó.

Linh kể vừa qua cô cũng có một trải nghiệm đáng nhớ khi sân bay Nội Bài gặp thời tiết xấu, mưa to, gió giật mạnh, máy bay về nhiều mà không thể hạ cánh, trong khi các máy bay chuẩn bị cất cánh cũng liên tục kiểm tra thông tin về thời tiết, khi nào sẽ đi được, các thông tin khác… 

Lúc đó, KSVKL đã thông báo đầy đủ thông tin dừng chờ nhưng nhiều tổ bay vẫn nôn nóng muốn đi nên hỏi liên tục, chèn sóng liên tục, có khi không kịp trả lời.

Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp - Ảnh 4.

Khi thời tiết xấu, áp lực đối với các KSVKL càng nặng

Khi thời tiết xấu, từ đài chỉ huy khó nhìn ra đường cất hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, việc điều hành tiếp cận tại sân sẽ phải phụ thuộc vào màn hình radar, phải tăng giãn cách giữa các máy bay.

Khi lượng máy bay về nhiều mà không đủ điều kiện hạ cánh sẽ có nhiều máy bay phải bay chờ tại các điểm bay chờ phía trên.

KSVKL sẽ kiểm tra thông tin thời tiết, tình trạng thời tiết kéo dài bao lâu để thông báo cho các tổ lái thời gian bay chờ. Phi công sẽ tính toán để quyết định bay chờ đợi hạ cánh hay xin phép đài chỉ huy cho chuyển hướng đến sân bay dự bị nếu lượng dầu không đủ để tiếp tục bay chờ.

Linh chia sẻ đến nay, cô có thể tự tin giải quyết công việc khi gặp tình huống thời tiết xấu. Cô cũng mong phi công tuân thủ theo những huấn lệnh của KSVKL và tin tưởng rằng KSVKL sẽ trợ giúp cho phi công tốt nhất trong khả năng có thể.

Kỷ niệm ngày cưới trên đài kiểm soát không lưu

"Bén duyên" với Đài kiểm soát không lưu, Linh cũng đã tìm thấy "một nửa" của mình tại đây. Hai vợ chồng cô cùng làm việc tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài. Tuy nhiên, hai người hiếm khi trực cùng ca vì phải thay phiên nhau ở nhà cùng con nhỏ.

Một ngày của nữ kiểm soát viên không lưu 9X xinh đẹp - Ảnh 6.

Linh cảm thấy yêu thích và gắn bó với công việc dù có không ít áp lực

Linh chia sẻ khi mang thai và nuôi con nhỏ, cô được lãnh đạo Trung tâm tạo điều kiện ưu tiên khi mang thai đến tháng thứ 7 và khi con dưới 1 tuổi sẽ không phải trực đêm.

Mặc dù công việc cũng nhiều áp lực, phải trực đêm, con còn nhỏ, có lúc ốm đau, song Linh cảm thấy yêu thích và gắn bó với công việc. Đặc biệt, vì chồng cô cũng là đồng nghiệp nên hiểu, thông cảm, trợ giúp nhiều với vợ. "Vừa qua, đúng ngày kỷ niệm 2 năm ngày cưới, 2 vợ chồng cùng đi trực"- Linh cười chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại