Tháng ngày sống thực vật
Có lẽ, nhiều người vẫn chưa quên vụ nổ kinh hoàng xảy ra giữa Thủ đô 1 năm trước.
Một buổi chiều giữa tháng 3/2016, vụ nổ bất ngờ xảy ra ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) đã cướp đi 5 sinh mạng và nhiều người khác bị thương, nhiều căn hộ bị hư hỏng.
Một năm trôi qua nhưng những ám ảnh, sợ hãi từ vụ nổ vẫn còn đó.
Chiều 1/4, chúng tôi có dịp đến thăm nạn nhân duy nhất còn sống sót (trong số nạn nhân nguy kịch) của sự cố thảm khốc này – chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993) ở xóm Trung, thôn Rùa Hạ 2, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Nạn nhân Lệ được đưa về nhà hơn nửa năm nay ở xóm Trung, Thanh Thủy, Thanh Oai.
Hôm đó, chị Lệ đi nhập tôn để bán và thuê người lái ô tô chở hàng về là anh Đặng Cao Thủy (Phùng Xá, Thạch Thất).
Khi đi qua đoạn KĐT Văn Phú, chiếc xe tải chịu sức ép của vụ nổ lớn, đâm vào một ngôi nhà khiến hai nạn nhân mắc kẹt, bất tỉnh và nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đa chấn thương.
Tuy nhiên, 5 ngày sau, nạn nhân Thủy không thể qua khỏi và đến nay chỉ còn lại chị Lệ là nữ nạn nhân may mắn còn sống sót.
Được biết, trong 1 năm qua, nạn nhân Lệ đã phải điều chuyển qua 3 bệnh viện là Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Nhật, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Qua nhiều ngày điều trị, tình trạng của chị có tiến triển khá hơn và hiện đang được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sức khỏe nạn nhân này vẫn rất yếu và đang phải sống thực vật.
Lặng lẽ ngồi bên vợ, anh Nguyễn Văn Âu (chồng nạn nhân) thông tin với PV Báo Gia đình & Xã hội: Chị Lệ được chuyển về nhà từ khoảng tháng 7/2016, được rút máy thở nhưng vẫn trong trạng thái sống thực vật và theo lời bác sĩ thì não của chị gần như không thể phát triển nữa.
"Từ ngày về đến nay được 7-8 tháng rồi, tình trạng vẫn vậy, chân tay cô ấy giờ bị teo và co quắp cả, hai mắt cũng đều hỏng rồi… Có lúc vào, gọi thì vợ biết và chảy nước mắt nhưng có lúc lại không biết…".
Sau khi nhập viện, chị Lệ phải mất đi một bên mắt nhưng giờ đây thì con mắt còn lại cũng đã hỏng, tuy đã có thể mở nhưng không còn nhận thức được gì nữa.
Đôi chân, tay nạn nhân Lệ đều bị co quắp dù có người thường xuyên chăm sóc và giúp vận động.
Trong căn phòng nhỏ luôn được đóng cửa cẩn thận, cơ thể gầy guộc, teo tóp của chị thoi thóp trên giường bệnh, chân và tay cứng đơ, co quắp khiến mọi người xót xa vô cùng.
Hiện tại, gia đình anh Âu phải thuê người chăm sóc riêng cho chị Lệ để có thể lo toan công việc nhà cửa và kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị Dung (hơn 60 tuổi, quê ở Ba Vì) đã chăm sóc chị Lệ từ khi còn ở bệnh viện, bà chia sẻ: "Thương lắm! Ngày xưa xinh gái, nõn nà, vợ chồng đẹp đôi lắm!
Nhưng 1 năm nay rồi, cô ấy chẳng có biến chuyển nhiều. Đồ ăn, hoa quả đều phải xay rồi truyền hết, giờ phải sống thực vật chứ không biết gì cả…
Đau thì lại khóc, mọi người đến gọi, trò chuyện thì có lần cô ấy chảy nước mắt nhưng đa phần là không ý thức được gì đâu. Một mắt cô ấy mở được nhưng mình giơ tay ra trước thì cô ấy cũng không có phản ứng gì…".
"Sao mẹ lâu tỉnh thế?"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị Lệ và anh Âu kết hôn năm 2013. Hằng ngày, cả gia đình chủ yếu làm nghề buôn bán kim loại nên thu nhập cũng không ổn định.
Trước đó, Lệ thi đỗ và từng theo học (2 năm) tại Học viện Tài chính. Ngày gặp nạn, chị đã có hai con nhỏ là bé Nguyễn Hà Linh Chi (3 tuổi) và Nguyễn Minh Khang (mới 7 tháng tuổi).
Đến nay, bé Linh chi 4 tuổi, còn Minh Khang đã 20 tháng nhưng đã lâu lắm rồi không được bú một giọt sữa từ mẹ.
Trong căn nhà nhỏ, hai đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, dỗi hờn rồi òa khóc hằng ngày, nhưng điều đau đớn là có lẽ mẹ của chúng đều không thể nghe được, dù chỉ cách đằng sau một cánh cửa!
Tấm ảnh hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ ngày nào, giờ đây mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn, mọi người chỉ mong Lệ có thể tỉnh lại.
"Con bé lớn thì biết rồi, nhớ mẹ lắm. Nó (Linh Chi) thường nói rằng "mẹ con sắp tỉnh rồi đấy", có hôm thì lại bảo "sao mẹ lâu tỉnh thế nhỉ?".
Còn cháu út thì chưa biết gì vì ngày mẹ gặp nạn thì nó còn bé quá nên giờ nó cũng không biết mẹ là ai, cũng không nhớ!" – anh Âu bần thần chia sẻ.
Đôi uyên ương mới chỉ hạnh phúc bên nhau 3 năm và tai họa đau lòng đã khiến người đàn ông 27 tuổi vừa phải là trụ cột gia đình, vừa làm mẹ và gắng gượng tìm lại sự sống cho vợ.
Trước đây, Lệ có tiếng xinh đẹp, nết na, mọi người xung quanh đều quý mến. Khi về nhà chồng, cô cũng được gia đình anh Âu thương yêu.
Hai đứa con còn nhỏ của chị Lệ. Ảnh Nông Thuyết
Lặng lẽ nói với chúng tôi, bố anh Âu bộc bạch: "Lệ vốn ngoan, sống chẳng phạm lòng ai cả. Giờ thương nhất là hai đứa cháu nhỏ, không may nó bị vậy, gia đình chỉ mong nó sớm tỉnh lại, về với chồng, con của nó!"
Nói về chi phí chữa trị cho Lệ, mọi người trong gia đình đều khó đưa ra câu trả lời chính xác nhưng ít thì cũng đã tiêu tốn vài trăm triệu.
Hiện nay, riêng tiền thuê người chăm sóc đã tốn 250 – 300 nghìn/ngày, chưa kể thuốc, sữa và đồ ăn, thức uống và hoa quả phải bổ sung cho Lệ mỗi ngày.
Theo anh Âu thì hiện mỗi tháng anh phải tốn ít nhất khoảng 20 triệu để chăm sóc vợ, trong khi khoản nợ ngân hàng ngót mấy trăm triệu cũng chưa biết khi nào sẽ thanh toán được…
Khoảng 15h ngày 19/3/2016, trên đường Lê Trọng Tấn (KĐT Văn Phú, Hà Đông) xảy ra vụ nổ rất nghiêm trọng làm 5 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương, khoảng 248 căn hộ xung quanh bị hư hỏng nhà cửa.
Nguyên nhân được xác định là do là anh Phạm Văn Cường (chủ thu mua phế liệu, 41 tuổi, ở Nam Định và cũng là một trong số nạn nhân tử vong) do chủ quan nên đã dùng đèn khò để cưa một khối kim loại hình trụ bằng sắt, khối lượng khoảng 100 kg, nhiệt lượng nóng của chiếc đèn khò đã kích nổ gây nên vụ nổ nghiêm trọng.
Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà NộiĐịa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc gửi trực tiếp theo địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993) ở xóm Trung, thôn Rùa Hạ 2, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.