Một năm bận rộn của chính quyền Biden: “Đau đầu” đối phó với Nga và Trung Quốc

Kiều Anh |

Chính quyền Tổng thống Biden bác bỏ ý tưởng sẽ tạm bỏ qua Trung Quốc để giải quyết những căng thẳng gần đây với Nga. Các quan chức cho rằng Tổng thống sẽ phải đối phó với cả hai vấn đề cùng lúc và đó là điều ông Biden đang làm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Nikkei

Cùng lúc đối phó với 2 địch thủ

Tổng thống Biden bước chân vào Nhà Trắng với mong muốn tập trung vào điều mà ông cho là một trong những mối đe dọa lớn nhất với nước Mỹ: sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Biden nỗ lực đối phó với Trung Quốc, việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine đã khiến ông phải chú ý. Nhà lãnh đạo Mỹ dành nhiều thời gian trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng nhằm cố gắng đạt được điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây gọi là "mối quan hệ dễ đoán và ổn định" với Moscow.

"Việc hướng đến duy trì 'mối quan hệ ổn định và dễ đoán' tức là Nga sẽ không còn giữ vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Moscow sẽ không gây ra các vấn đề cho Washington và các nhà hoạch định chính sách cấp cao sẽ có nhiều thời gian hơn (cho những ưu tiên khác). Tuy nhiên, điều đó đã không hiệu quả", Samuel Charap, cố vấn hàng đầu về Nga dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định.

Với Tổng thống Biden, Trung Quốc vừa là mối đe dọa kinh tế, vừa là mối đe dọa quân sự . Tổng thống Biden từng nhận định rằng Mỹ đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau và phải nỗ lực nhiều hơn để cạnh tranh với Trung Quốc.

"Nếu chúng ta không có động thái gì, họ sẽ ăn bữa trưa của chúng ta", Tổng thống Biden tuyên bố với các thượng nghị sĩ hồi đầu năm nay khi thúc đẩy việc thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, Nga là một cường quốc đang suy giảm quyền lực. Tuy nhiên, Moscow vẫn là tâm điểm chú ý của năm nay khi phương Tây cáo buộc Nga có liên hệ với hàng loạt cuộc tấn công mạng và hiện đang tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Ukraine.

"Chúng ta liên tục đánh giá sai và đánh giá thấp về Nga. Mặc dù Nga đối mặt với những thách thức về kinh tế, dân số... nhưng chúng ta thường phóng đại những điểm yếu này và đánh giá thấp sức mạnh của Moscow", Andrea Kendall-Taylor, cố vấn cho đội ngũ của Tổng thống Biden trước khi vào Nhà Trắng cho hay.

Hồi tháng 6/2021, Tổng thống Biden đã gặp Tổng thống Putin tại Geneva nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng và thiết lập hàng rào bảo vệ để tránh các hành vi gây tổn hại lẫn nhau.

Tuy nhiên, 6 tháng sau, Nga dường như muốn thử thách Mỹ một lần nữa khi tăng cường lực lượng gần biên giới với Ukraine, dẫn đến một cuộc gặp cấp cao nữa giữa hai bên theo hình thức trực tuyến.

"Tôi đã khẳng định rất rõ ràng với Tổng thống Putin rằng, nếu ông ấy hành động ở Ukraine, Nga sẽ đối mặt với những hậu quả kinh tế rất nặng nề", ông Biden nhận định với báo giới sau cuộc họp.

Ưu tiên dở dang của 3 đời Tổng thống Mỹ

Trên thực tế, các đời Tổng thống trước đó của Mỹ đều cố gắng dịch chuyển sang chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Tổng thống George W. Bush muốn cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tổng thống Barack Obama cũng xây dựng một chiến lược mang tên "xoay trục sang châu Á".

"Có một điều rõ ràng là: Tại Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, Mỹ sẽ đặt cược tất cả vào đây", Tổng thống Obama nhận định năm 2011.

Và Tổng thống Donald Trump cũng không ngoại lệ khi tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại tập trung vào đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tất cả 3 nhà lãnh đạo trên đều bị phân tâm bởi những vấn đề lớn khác, trong đó có vấn đề Afghanistan và Iraq.

"Việc Mỹ tiến hành chiến tranh với Iraq năm 2003 là một món quà địa chính trị cho Trung Quốc", Kishore Mahbubani, người từng là Đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc vào thời điểm đó cho hay.

Chuyên gia Mahbubani – hiện là học giả tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, trong khi Mỹ bị xao lãng bởi căng thẳng ở những nơi khác thì Trung Quốc có thời gian để tập trung xác lập vị thế của một siêu cường quân sự và kinh tế.

"Nếu đối thủ chính của bạn là Trung Quốc thì đừng khiêu khích Nga. Đó là một điều đã quá rõ ràng", ông Mahbubani bình luận.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng bác bỏ ý tưởng sẽ tạm bỏ qua Trung Quốc để giải quyết những căng thẳng gần đây với Nga. Họ cho rằng Tổng thống phải đối phó với cả hai vấn đề và đó là điều ông Biden đang làm.

"Những thách thức an ninh quốc gia và những cuộc khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi trong mỗi chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta sẽ giải quyết chúng như thế nào", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne bình luận.

Củng cố các liên minh để đối phó với Nga - Trung

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định gần đây với Wall Street Journal rằng Mỹ có nhiều khả năng hơn để đối phó với những thách thức trên bởi nước này không còn phải tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan.

"Có một sự thật là việc chấm dứt cuộc chiến dài nhất nước Mỹ và đảm bảo rằng chúng ta sẽ không đưa thế hệ thứ ba của nước Mỹ quay lại chiến đấu và chết ở Afghanistan đã giải phóng một nguồn lực lớn cũng như giúp chúng ta tập trung hơn vào những thách thức khác", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.

Đội ngũ của Tổng thống Biden đang sử dụng những nguồn lực này như một phần nỗ lực thúc đẩy chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Cả Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều đã công du châu Á, đồng thời đưa ra cảnh báo về mối đe dọa quân sự và kinh tế từ Trung Quốc.

Trung tuần tháng 12/2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã chỉ ra thành công của chính quyền Tổng thống Biden trong việc thuyết phục các đồng minh chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong đó có tuyên bố mạnh mẽ của G7 hồi tháng 6.

"Cách đây 1 năm, EU đang hoàn tất thỏa thuận đầu tư quy mô lớn với Trung Quốc và ngần ngại nói về những hành vi cưỡng ép kinh tế cũng như nhân quyền liên quan đến Trung Quốc. Hiện nay, thỏa thuận đó đã bị đóng băng", ông Sullivan bình luận tại một sự kiện của Hội đồng Đối ngoại.

Hồi tháng 11, Tổng thống Biden đã trao đổi trực tuyến với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên dành hơn 3 tiếng để thảo luận về các bất đồng.

Tuy nhiên, chuyên gia Charap, cựu cố vấn dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho rằng, trên thực tế, Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông sẽ phải dành rất nhiều thời gian để xử lý một vấn đề. Thách thức của chính quyền Mỹ sẽ chỉ càng tồi tệ hơn nếu Nga tấn công Ukraine.

"Nếu chúng ta kết thúc bằng một cuộc chiến ở châu Âu thì hãy nói lời tạm biệt với chính sách ưu tiên đối phó với Trung Quốc", chuyên gia này bình luận./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại