Minh họa/INT
Trong đó, Tổng thống Mỹ đề cập đến hiện trạng đất nước và các ưu tiên đối nội cũng như đối ngoại trong thời gian tới, song cũng có thể coi là “bài phát biểu tranh cử” của ông Joe Biden.
Ông khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt, 15 triệu việc làm mới được bổ sung trong 3 năm qua - một con số kỷ lục. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm.
Tổng thống Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp đánh thuế doanh nghiệp cao hơn, giảm chi phí dược phẩm và cải thiện giá nhà ở, nhằm xoa dịu những quan ngại về nền kinh tế.
Ông Biden cho rằng, đã đến lúc phải tăng thuế doanh nghiệp tối thiểu lên ít nhất là 21% để tất cả các tập đoàn lớn sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thuế một cách công bằng. Ông cũng đề cập khoản thuế tối thiểu 25% áp dụng với các tỷ phú.
Dù Mỹ đã hóa giải nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái trong năm 2023 và kiềm chế tốt lạm phát, ông Biden vẫn mong muốn thuyết phục các cử tri về khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của chính quyền do ông đứng đầu.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống giáo dục trong việc duy trì Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Ông cam kết mọi trẻ em từ 3 đến 4 tuổi được đi học mẫu giáo, kết nối các doanh nghiệp với trường cấp 3.
Qua đó, để học sinh có trải nghiệm thực tế và định hướng nghề nghiệp, cũng như tăng lương cho giáo viên. Tổng thống Mỹ cho biết, ông đã điều chỉnh các chương trình cho sinh viên vay tiền học, nhằm làm giảm gánh nặng vay nợ đối với gần 4 triệu người dân.
Ông Biden hối thúc các nghị sĩ “tận dụng những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo vệ mọi người khỏi mối đe dọa của chúng”, cảnh báo về hàng loạt nguy cơ với người dân Mỹ nếu công nghệ AI không được kiểm soát. Một trong những biện pháp được ông đề xuất là cấm những phần mềm sử dụng AI để giả giọng nói người thật.
Phát biểu được đưa ra vài tuần sau khi xuất hiện bản ghi âm ông Biden kêu gọi người dân “không tham gia bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở New Hampshire”. Các chuyên gia công nghệ sau đó phân tích và kết luận đây là bản ghi âm sử dụng công nghệ deepfake để giả giọng Tổng thống Mỹ.
Hiện giới lập pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra được điều luật cụ thể nào về quản lý AI, dù đã gần một năm kể từ khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đặt AI vào những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại quốc hội Mỹ.
Thông điệp Liên bang lần này được giới quan sát nhận định chính là cơ hội để ông Biden cải thiện vị thế, đưa ra chương trình nghị sự cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ và xóa bỏ những lo ngại về tuổi tác, cho cử tri thấy ông sẵn sàng lãnh đạo Mỹ thêm 4 năm.
Đọc Thông điệp Liên bang là hoạt động được nêu rõ trong hiến pháp Mỹ, rằng Tổng thống “nên cập nhật cho quốc hội thông tin về liên bang và đề xuất những biện pháp mà Tổng thống cảm thấy là cần thiết và phù hợp để quốc hội xem xét”. Thông điệp Liên bang có thể được gửi đến quốc hội dưới dạng văn bản, như ông Thomas Jefferson thực hiện năm 1801, hoặc phát biểu trước cơ quan này.
Về cơ bản, Thông điệp Liên bang là một phần nhiệm vụ của Tổng thống, không nằm trong hoạt động tranh cử. Tuy nhiên, Thông điệp Liên bang năm nay của ông Biden diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang dần định hình. Do đó, hai vấn đề sẽ khó tách rời.