Một mặt hàng mới dự kiến bùng nổ vào năm 2025 sẽ khiến đợt tăng giá dầu lịch sử năm 2008 giống ‘trò trẻ con’

Hữu Hiển |

Khi thế giới nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, một mặt hàng mới, ít được biết đến hơn có thể sẽ tăng giá thay vì vàng đen.

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm ngoái, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau đó đã khiến giá dầu tăng đột biến mà người tiêu dùng trên toàn thế giới cảm nhận được gần như ngay lập tức.

Tại Mỹ, giá dầu thô tăng đã đẩy giá trung bình của một gallon xăng từ 3,40 USD trong tháng 1/2023 lên mức cao kỷ lục chỉ hơn 5 USD vào tháng 6. Nhưng kể từ đó – trong bối cảnh sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc, điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô – giá dầu và xăng đã giảm trở lại mức giá trước chiến sự.

Một mặt hàng mới dự kiến bùng nổ vào năm 2025 sẽ khiến đợt tăng giá dầu lịch sử năm 2008 giống ‘trò trẻ con’ - Ảnh 1.

Trong bối cảnh sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc, giá dầu và xăng đã giảm trở lại mức giá trước chiến sự Ukraine. Ảnh: Yahoo

Và theo chuyên gia của tập đoàn tài chính Citi, khi các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu tiếp tục thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, có một mặt hàng mới, ít được biết đến hơn có thể sẽ tăng giá thay vì vàng đen.

“Đối với chúng tôi tại Citi, đồng là giao dịch tăng giá trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Hiện tại thế giới đang suy yếu theo chu kỳ và điều đó có nghĩa là giao dịch đang tạm dừng. Nhưng đợt tăng giá sau này của đồng có thể khiến đợt tăng giá nổi tiếng năm 2008 của dầu giống như trò trẻ con”, Max Layton – Giám đốc điều hành về nghiên cứu hàng hóa của Citi - cho biết trong một buổi thuyết trình với khách hàng vào ngày 23/8.

Layton đang đề cập đến thời kỳ giá dầu tăng vọt trước khi xảy ra Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng từ 50 USD/thùng vào giữa năm 2006 lên 140 USD/thùng vào cuối năm 2007 do nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi xung đột với tình trạng sản xuất dầu thô toàn cầu trì trệ.

Nhà phân tích hàng hóa kỳ cựu tin rằng, giá đồng có thể tăng vọt tương tự trong ba năm tới vì kim loại này đã trở thành kim loại được các nhà giao dịch hàng hóa yêu thích khi muốn tìm đến chủ đề chuyển đổi năng lượng.

Vai trò quan trọng của đồng trong pin xe điện và các công nghệ năng lượng xanh khác đã khiến một số người gọi nó là “dầu mới”. Kim loại này được sử dụng trong các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, dây cáp điện và thậm chí cả điện thoại thông minh. Ngoài ra, đồng còn được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, chế tạo và sản xuất điện tử...

Bước lùi nhỏ trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Gần đây, khi nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau COVID-19, giá đồng đã giảm, nhưng theo chuyên gia của Citi, đó chỉ là một bước lùi nhỏ của “ông vua chuyển đổi năng lượng”.

Giá đồng đã giảm vào năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu đối với kim loại quan trọng này thấp hơn dự báo do nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Giá đồng giao ngay trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn hiện giảm 11% so với mức đỉnh giữa tháng 1 là hơn 9.400 USD/tấn xuống chỉ còn 8.359 USD/tấn. Nhưng chuyên gia Layton của Citi coi đợt suy giảm này là một cơ hội.

Theo ông Layton, do giá đồng có xu hướng tăng và giảm cùng với hoạt động kinh tế toàn cầu, nhiều nhà giao dịch hàng hóa buộc phải đứng chờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cải thiện trước khi họ có thể mua đồng, tạo ra một “hàng đợi khổng lồ” để mua kim loại.

Layton cho biết, việc các nhà đầu tư thận trọng khi nhảy vào mua đồng trong nửa cuối năm 2023 là điều hợp lý, một phần do nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc.

Vai trò của quốc gia được coi là “công xưởng của thế giới” và sự thúc đẩy liên tục để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở đã mang lại cho nước này một vị thế vượt trội trên thị trường đồng trong bốn thập kỷ qua.

Ngay cả trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản, Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất toàn cầu vào năm 2022, sử dụng 55% nguồn cung của thế giới.

Nhưng trong sáu tháng đầu năm 2023, khi thị trường bất động sản và ngành sản xuất suy yếu, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 1,65 triệu tấn đồng tinh luyện, ít hơn 12% so với một năm trước.

Một mặt hàng mới dự kiến bùng nổ vào năm 2025 sẽ khiến đợt tăng giá dầu lịch sử năm 2008 giống ‘trò trẻ con’ - Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất toàn cầu vào năm 2022, sử dụng 55% nguồn cung của thế giới.

Tin tốt là chuyên gia Layton không cho rằng xu hướng này sẽ kéo dài. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư nên bắt đầu mua đồng một cách chậm rãi trong 12 tháng tới, lập luận rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ khiến giá đồng tăng lên 15.000 USD/tấn trong ba năm tới.

Ông nói về kịch bản của “trường hợp tăng giá” này: “Lợi nhuận dự kiến là rất lớn từ 50% đến 100% vào năm 2025.”

Tuy nhiên, chuyên gia của Citi cũng vạch ra một kịch bản giảm giá trong đó giá đồng có thể giảm 10% xuống còn 7.500 USD vào năm 2025 trong báo cáo tháng 7 vừa qua. Trong kịch bản này, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm hơn và kém mạnh mẽ hơn dự kiến, đồng thời lãi suất tăng ở Mỹ và châu Âu sẽ có “tác động lớn hơn dự đoán” đối với tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu về đồng yếu hơn.

Tuy nhiên, hội đồng quản trị của gã khổng lồ khai thác mỏ Ba Lan KGHM Polska Miedź - nhà sản xuất đồng lớn thứ tám trên toàn cầu - đã ủng hộ triển vọng lạc quan như của Citi trong báo cáo thu nhập quý II được công bố vào đầu tháng này.

KGHM cho biết, giá đồng “bị kìm hãm bởi sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc” vào năm 2023, đồng thời lưu ý rằng hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng sau COVID-19 ở nước này đã tan thành mây khói trong năm nay. Nhưng về lâu dài, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, sự gia tăng của phương tiện cá nhân chạy điện - từ ô tô sang xe đạp điện - và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ khiến nhu cầu về đồng tăng cao trên toàn cầu.

Cũng theo KGHM, khi nhu cầu đồng ngày càng tăng, cùng với nguồn cung hạn chế do những giới hạn đáng kể đối với các dự án khai thác mới trên toàn thế giới, bao gồm cả việc tăng thuế và các quy định về môi trường, sẽ khiến giá đồng tăng cao trong nhiều năm tới.

Hội đồng quản trị của KGHM viết: “Những hạn chế về nguồn cung nói trên, cùng với xu hướng mạnh mẽ hướng tới phương tiện di chuyển bằng điện và cuộc cách mạng xanh thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhu cầu về đồng, sẽ hỗ trợ giá đồng trong dài hạn.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại