Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta đã chính thức gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD tính đến nay. Cụ thể trong tháng 10/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 117 triệu USD, tăng mạnh 15% so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về cho nước ta 1,01 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 8 trong số 11 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương tính đến hết tháng 10.
Về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu với kim ngạch liên tục tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể trong tháng 10, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 60,4 triệu USD, tăng 31,4% so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường tỷ dân thu về hơn 496 triệu USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 1 nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khách hàng lớn nhất của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam - Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt heo số 1 thế giới với sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2022 đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021. Đây là mức sản lượng cao nhất kể từ năm 2014, tuy nhiên trong thời gian gần đây, nguồn cung trong nước không ổn định nên quốc gia này liên lục phải nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu của nhóm hàng này là Campuchia, trong 10 tháng đầu năm, Campuchia đã chi hơn 143 triệu USD để nhập khẩu, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Malaysia xếp thứ 3 với hơn 99 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo Triển vọng Nông sản Alltech năm 2023, Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ về sản lượng thức ăn chăn nuôi vào năm 2022, với sản lượng đạt 26,720 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới. Việt Nam cũng lọt top 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên toàn cầu.
Top 10 thế giới bao gồm: Trung Quốc (260,739 triệu tấn), Mỹ (240,403 triệu tấn), Brazil (81,948 triệu tấn), Ấn Độ (43,360 triệu tấn), Mexico (40,138 triệu tấn), Nga (34,147 triệu tấn), Tây Ban Nha (31,234 triệu tấn), Việt Nam (26,720 triệu tấn), Argentina (25,736 triệu tấn) và Đức (24,396 triệu tấn).
Cũng theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 35% tổng nhu cầu, tương đương 13 triệu tấn/năm, số còn lại đến từ nguồn nhập khẩu.
So với thế giới, sản lượng ngô, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (tương đương với 0,4% và 0,02%), chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới).
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,1 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 444 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, chiếm 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.