Sự lên ngôi của phong cách thời trang độc - lạ - dị
Bàn về cung cách ăn mặc và trang điểm táo bạo của phụ nữ Đường triều, nhà thơ Bạch Cư Dị trong bài "Thượng Dương nhân" từng viết:
"Tiểu đầu hài lý trách y thường
Thanh đại điểm mi, mi tế trường
Ngoại nhân bất kiến, kiến ưng khiếu
Thiên Bảo mạt niên thời thế trang."
(Dịch thơ:
Giày dép đi chật, áo quần hẹp
Sáp xanh tô mày, mày nhỏ sẹp
Người ngoài không nhìn, nhìn phải cười
Cuối thời Thiên Bảo thế mới đẹp!)
Nhận xét về phương diện này, "Cựu Đường thư"cũng có đoạn:
"Phong tục xa hoa lãng phí, không thuận theo quy cách, lụa là, gấm vóc tùy theo sở thích mà dùng, từ hoàng thất cho tới người trong cung đều khoác lên mình những đồ xa xỉ, không kiêng dè giá cả…"
Điều này cho thấy, Đường triều từ lâu đã trở thành "thời đại của thời trang" trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Những tư liệu khảo cứu cũng thể hiện: ngoài việc phụ nữ Đường triều liên tục chạy theo "mốt", nam tử thời này không quản thúc khắt khe việc ăn mặc của họ. (Ảnh: nguồn internet).
Tuy nhiên, ngay cả đàn ông hiện đại khi ngắm nhìn những bức bích họa mỹ nhân Đường triều cũng không khỏi bộc trực thú nhận: "phụ nữ thời ấy hóa trang quá đậm, ăn mặc quá hở, hết sức lập dị!"
Căn cứ theo "Hậu Hán thư", mọi xu hướng thời trang của Đường triều đều bắt nguồn từ thành Trường An.
Theo đó: "Người trong thành búi tóc rất cao, ai ai cũng búi cao tới gần một xích; người trong thành thích kẻ lông mày, có người còn kẻ dài tới nửa trán; người trong thành may tay áo rất rộng, phải tốn tới hàng xếp vải…"
Những kiểu "mốt" chẳng giống ai của phụ nữ Đường triều
Vậy mới thấy, vào thời bấy giờ, Trường An không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, mà còn trở thành "kinh đô thời trang" của Đường triều.
Xét về tổng thể, phụ nữ thời Đường theo đuổi ba xu hướng làm đẹp sau:
Về hình thức: Chuyển từ kín đáo sang hở hang. Về trang sức: Chuyển từ đơn giản sang phức tạp. Về phong cách trang phục: Chuyển từ giản dị sang xa hoa. Về hình thể: Chuyển từ thanh mảnh sang đẫy đà.
Bước sang thời nhà Đường, quan niệm thẩm mỹ của phụ nữ đã có nhiều biến đổi to lớn. (Ảnh: nguồn internet).
Cụ thể mà nói, kiểu cách thời trang của phụ nữ Đường triều thể hiện qua 5 phương diện: kiểu tóc, dáng lông mày, môi, ngực và y phục. Vào thời kỳ này, phụ nữ thường để tóc theo 3 kiểu chính:
Tóc xõa cho các thiếu nữ chưa chồng, tóc búi cao sát đầu cho người đã có chồng, và tóc búi cầu kỳ dành cho giới quý tộc.
Lúc bấy giờ, những người phụ nữ có địa vị trong xã hội rất ưa chuộng các kiểu búi cao và lớn như: búi đôi, búi mây, búi hình hoa…
Thậm chí, để tăng thêm độ "kỳ quái" cho mái tóc của mình, họ còn sử dụng thêm nhiều trang sức được chế tác vô cùng tinh xảo. (Tranh minh họa).
Về cách trang điểm cho lông mày, phụ nữ thời này thịnh hành hai kiểu vẽ: vẽ lông mày mảnh và dài, hoặc kẻ khuôn lông mày rộng, nhưng ngắn.
Điểm chung của họ là đều tô lông mày nhạt. Bởi vậy, khi miêu tả về "nét xuân sơn" của nữ nhân Đường triều, cổ nhân thường hay dùng cụm từ "đạm tảo nga mi" (lông mày tô nhạt).
Đường triều cũng là thời đại đánh dấu sự ra đời của son môi tại Trung Hoa. Lúc bấy giờ, son được chế tạo từ một chút đất sét đỏ, khoáng và mỡ động vật, có tên gọi là "ô cao".
Khi mới ra đời tại Trung Quốc, son môi chủ yếu được đựng trong những hũ nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau, rất tiện lợi và có thể mang theo người.
Mặc dù có sự thay đổi về thời gian, nhưng phong cách trang điểm của phụ nữ Đường triều vẫn bị coi là "lập dị" trong lịch sử Trung Quốc. (Tranh: nguồn internet).
Có thể nói, điểm "đáng nể" nhất của phụ nữ Đường triều chính là sự phóng khoáng và cởi mở trong trang phục.
Họ thường chọn những chiếc áo cổ rộng, đai lưng nâng lên phía trên ngực, biến thành váy không có đai, khoe trọn vẻ đẹp đẫy đà và những quyến rũ trên cơ thể.
Bởi vậy, trên trang nghiên cứu lịch sử Qulishi.com, có học giả đã bình luận: "Về việc ‘khoe ngực’, không triều đại nào trong lịch sử có thể so sánh với phụ nữ Đường triều."
Thông qua những bức bích họa còn lưu lại của triều đại này, ta cũng có thể thấy rõ: nữ nhân thời Đường không màng tới lễ pháp, sẵn sàng đi ngược lại truyền thống, thản nhiên theo đuổi và phô diễn cái đẹp về thân thể.
Sự phóng khoáng của phụ nữ thời Đường thể hiện qua những bộ trang phục hết sức phóng khoáng và gợi cảm. (Ảnh: nguồn internet).
Chịu sự chi phối của yếu tố lịch sử, trang phục và phong cách trang điểm của phụ nữ Đường triều mới có thể trở thành yếu tố "truyền thống" của Trung Hoa một cách đầy miễn cưỡng.
Thực tế, mắt thẩm mỹ kỳ lạ, phong cách ăn mặc và trang điểm "lệch chuẩn" của họ hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống và thuần phong mỹ tục của các triều đại phong kiến trước đó.
Bởi vậy, mỗi khi nhắc tới "thời trang" Đường triều, các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc lại không khỏi lắc đầu ngán ngẩm!