Vì lo tai nạn giao thông, sợ con bị bắt cóc… nhiều phụ huynh hàng ngày vẫn cần mẫn đưa đón con đến trường và tới các lớp học thêm mặc dù có trẻ đã 15-16 tuổi.
Một Giáo sư từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) mới đây đã chỉ trích việc các bậc cha mẹ đưa đón con cái. Ông cảm thấy rằng hành động này khiến đứa trẻ thiếu tự lập. Việc cha mẹ bảo bọc con, lo cho con 1 thời gian dài sẽ khiến con nảy sinh thói ỷ lại, thành gà công nghiệp nên những khả năng ứng phó tình huống và kỹ năng mềm rất kém. Nhiều cô cậu học sinh cấp ba rồi mà vẫn được cha mẹ chở đi học thì mai này làm sao bắt nhịp với cuộc sống đại học?
Nhiều người đồng tình với ý kiến này, họ cho rằng trẻ con ngày nay được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", đó là lý do ra đời đụng chút vấn đề đã buông xuôi, không chịu được sóng gió. Chưa kể, hàng triệu học sinh đi học mỗi ngày lại phải mất thêm chừng ấy giờ đồng hồ đưa và rước của cha mẹ, rất lãng phí thời gian và công sức. Để đảm bảo an toàn, các gia đình cần trang bị cho trẻ nhiều kỹ năng cần thiết khi đi đường thay vì kè kè bên ngày con ngày qua ngày như vậy.
Tuy nhiên, ý kiến của Giáo sư nói trên cũng vấp phải sự phản đối. Một số người gay gắt: "Ông không có con phải không?". Đưa đón con biết là chiếm nhiều thời gian của bố mẹ nhưng trong xã hội ngày nay, làm sao phụ huynh có thể tin tưởng cho con đi học một mình? Dù cho có lãng phí thì giờ, thì đó cũng là do họ tự nguyện, là sự sắp xếp của mỗi gia đình.
Quan tâm chăm sóc con cái là hạnh phúc, là đặc ân của cha mẹ, lo lắng bồi hồi là những cảm xúc tuyệt vời cần được trải nghiệm. Đành rằng, nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà phải để chúng học được cách độc lập vững bước nhưng rèn con là 1 quá trình.
Nhiều người từng được đưa đón hàng ngày, thế nhưng hiện vẫn đang tự lập và độc lập với mỗi quyết định cuộc sống của bản thân mình. Việc đưa đón của phụ huynh không phải là vấn đề khiến những đứa trẻ lớn lên bị lệ thuộc vào cha mẹ, mà quan trọng chính là cách dạy dỗ của mỗi gia đình.
Thời gian đưa con đi học hay đón con về nhà cũng đều là khoảnh khắc được nhiều phụ huynh yêu thích. Bởi họ sẽ được nghe con tỉ tê đủ thứ chuyện ở trường lớp. Đây cũng là cơ hội "vàng" giúp cha mẹ gần gũi con, thấu hiểu tâm tư tình cảm của con.
2 điều cần lưu ý khi đưa đón con đi học
1. Đừng hỏi con về những chủ đề tiêu cực
Sau giờ học về nhà, tâm trạng đứa trẻ nào cũng vui vẻ. Tuy nhiên, một số phụ huynh luôn dội gáo nước lạnh vào sự nhiệt tình của con, câu đầu tiên họ nói khi gặp là: "Hôm nay con đi thi à? Con được bao nhiêu điểm?". Hoặc họ có thể hỏi thẳng: "Hôm nay cô giáo lại phê bình con à?".
Những bậc cha mẹ khác lại khiến con cái cảm thấy mình là nguồn gốc gây ra bất hạnh cho gia đình, bởi vì cha mẹ đã trút bỏ những cảm xúc tồi tệ trong ngày trên đường đi học về. Họ cứ phàn nàn về việc đi làm mệt mỏi, việc con cái không vâng lời và tại sao họ cần phải có con? Trước sự giận dữ của cha mẹ, trẻ thường thận trọng, không dám nói to, sớm học cách quan sát lời nói và cảm xúc, trở thành người nhạy cảm, tự ti.
Trên đường đi học về, tốt nhất cha mẹ nên dành thời gian hỏi con những chuyện vui trong ngày. Trẻ sẽ cảm thấy phấn khởi, hứng thú với trường lớp, thầy cô và bạn bè. Trong trường hợp con có chuyện không vui, cha mẹ nên nhẹ nhàng hỏi han và tìm hướng giải quyết cùng con.
Sau giờ học, hãy nhìn trẻ một cách nhẹ nhàng và mỉm cười thường có thể mang lại hy vọng cho trẻ. Khi con bạn trở về nhà, hãy dành một lời chào chu đáo và một cái ôm thật chặt để cuộc sống của chúng tràn đầy hy vọng và tình yêu.
2. Thảo luận về giáo viên với các phụ huynh khác trước mặt con
Nhiều phụ huynh khi đón con đi học về có thói quen đứng trò chuyện với các phụ huynh khác. Hầu hết chủ đề họ thảo luận đều xoay quanh chuyện học tập của con, học phí, phương pháp giáo dục… Trong cuộc trò chuyện, nhiều người hay đánh giá, nhận xét về giáo viên.
Trong khi phụ huynh đang thảo luận, trẻ đứng bên cạnh vô tình nghe được và suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Từ đó, có thể dẫn đến việc trẻ phản kháng và không tôn trọng giáo viên. Trẻ cho rằng giáo viên đang mắc lỗi sai, chưa làm tròn bổn phận, đã từng bị cha/mẹ mình phê bình.