Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AFP)
Ngày 3/7, trước thềm hội nghị thượng đỉnh SCO, một cuộc họp đã diễn ra tại Astana, Kazakhstan giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cuộc gặp nhau lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2023.
Trái với dự đoán, cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí ấm áp, thân tình. Tổng thống Erdogan khẳng định rằng tuy ông và Tổng thống Putin không gặp nhau trực tiếp trong một thời gian dài, nhưng ngoại giao qua điện thoại vẫn tiếp tục, và các thành viên của chính phủ hai nước vẫn giữ liên lạc.
Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, đang được gã khổng lồ năng lượng Nga Rosatom xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời lưu ý rằng kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện là 55 tỷ USD.
Các vấn đề chính trị ở cấp độ khu vực và toàn cầu đã gắn chặt với hợp tác song phương giữa Moscow và Ankara. Điều này được xác nhận bởi các quá trình giải quyết xung đột ở Syria, Libya và Nam Kavkaz, cũng như sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giải quyết xung đột ở Ukraine là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan hiện là một trong số ít chính trị gia duy trì đối thoại trực tiếp với cả phương Tây và chính quyền ở Kiev, cũng như với Moscow.
Mặc dù là thành viên của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ khéo léo không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của mình với Moscow, đồng thời kiềm chế không cung cấp hỗ trợ quân sự Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ba nguyên tắc trong việc làm trung gian giải quyết xung đột ở Ukraine: Thứ nhất là duy trì đối thoại với tất cả các bên, cho phép Ankara tiếp tục đối thoại chính trị với cả Moscow và Kiev cùng với phương Tây. Thứ hai, nâng tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề quốc tế. Và thứ ba, Ankara không muốn đánh mất mối quan hệ kinh tế có lợi nhuận với Moscow, bất chấp áp lực chưa từng có từ các nước phương Tây.
Với những tôn chỉ này, giới quan sát cho rằng Ankara hoàn toàn có thể trở thành một bên trung gian quan trọng cho tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Về phía chính quyền Ankara, làm trung gian trong một cuộc xung đột Ukraine sẽ giúp Tổng thống Erdogan củng cố vị thế của mình cả trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực Biển Đen, bao gồm lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.