Giang Nam là tên gọi vùng đất nằm phía nam sông Dương Tử (Trường Giang), con sông dài nhất châu Á. Nơi đây có lịch sử lâu đời với kiến trúc và văn hóa mang đậm truyền thống Trung Hoa, trở thành điểm đến lý tưởng với bất kỳ yêu thích và muốn khám phá về một trong 4 nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại.
Vùng Giang Nam được xác định bao gồm thành phố Thượng Hải, phía nam tỉnh Giang Tô, phía bắc của tỉnh Giang Tây và tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa danh thường xuất hiện trong thơ ca và nổi tiếng với cảnh đẹp, tài tử và cả giai nhân. Các cổ trấn vùng sông nước Giang Nam từ ngàn xưa được bảo tồn, trở thành thắng cảnh lịch sử được du khách cả trong và ngoài nước Trung Quốc yêu thích. Trong số đó, phải kể đến Ô Trấn, cổ trấn ở tỉnh Chiết Giang hơn 1.300 năm tuổi chưa một lần thay tên, mang nét đẹp thơ mộng được mệnh danh là “Venice của phương Đông”.
Rất lâu về trước, khi ngành đường sắt chưa ra đời ở đất nước tỷ dân, thuyền bè là cách duy nhất để di chuyển giữa các vùng và thị trấn nằm dọc theo sông Dương Tử. Nhưng giờ đây, giao thông phát triển, du khách có thể đến Ô Trấn bằng nhiều phương tiện như tàu hỏa, tàu cao tốc hay xe khách. Nằm giữa các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng là Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu; Ô Trấn luôn là cái tên nằm trong các tour hút khách nhất của du lịch Trung Quốc.
Cổ trấn nghìn năm này có kiến trúc chịu ảnh hưởng từ triết lý Nho giáo và tính thẩm mỹ của Trung Hoa cổ đại. Đến với Ô Trấn, du khách sẽ cảm nhận rõ nét đặc trưng của cổ trấn Giang Nam với “tiểu kiều, lưu thủy, nhân gia” - những cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước và những căn nhà xây sát bên sông.
Ô Trấn chia thành 4 khu vực là Đông Sách, Tây Sách, Nam Sách và Bắc Sách. Trong đó, Đông Sách và Tây Sách là hai khu vực chính được nhiều du khách ghé thăm nhất. Mặc dù đều giữ được vẻ cổ kính, nhưng hai bên Đông Sách và Tây Sách mang đến cho du khách cảm giác khác hẳn nhau. Nếu Tây Sách là một thắng cảnh lộng lẫy, được chăm chút và đầu tư thì Đông Sách lại trầm mặc, cũ kỹ và nhuốm màu thời gian. Nhưng điều đó không khiến Đông Sách kém hấp dẫn, mà ở nơi đây, chúng ta lại càng cảm nhận rõ cái hồn và bản sắc đặc trưng của vùng đất Giang Nam.
Có diện tích rộng gấp 3 lần Đông Sách, Tây Sách mỗi ngày đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch vào ra tấp nập. Ngày nay, ở khu vực Tây Sách không còn có nhà dân cư trú, mà được chính quyền địa phương quy hoạch lại, dành để khai thác du lịch hoàn toàn. Ở đây chỉ có hàng quán, khách sạn cùng các điểm check-in để phục vụ du khách.
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, khi bước đến bất cứ nơi nào trong cổ trấn xinh đẹp này, bạn đều có thể nhìn thấy dòng nước xanh êm đềm chảy, những con thuyền chở du khách ngược xuôi suốt cả ngày. Khác với Đông Sách sẽ đóng cửa vào chiều muộn, Tây Sách mở cửa cho du khách tham quan, ngắm cảnh từ sáng sớm đến đêm.
Đặc biệt, nếu mua vé vào Tây Sách, bạn chỉ có thể vui chơi trong ngày và phải mua lại vé với giá 150 NDT (hơn 500 nghìn đồng) mỗi lần qua cổng. Tuy nhiên, nếu lưu trú tại khách sạn bên trong khu thắng cảnh, du khách có thể thoải mái vào ra và trải nghiệm nơi đây một cách không giới hạn.
Khi chiều muộn và trấn cổ bắt đầu lên đèn, cả Tây Sách ngập trong ánh sáng lung linh và thơ mộng, phố xá nhộn nhịp người qua lại. Tây Sách lúc này như tái hiện nguyên vẹn một thời phồn hoa, hưng thịnh của đất Giang Nam xưa, và du khách tựa như những tài tử giai nhân dập dìu dạo bước trên con đường đá dọc phố cổ.
Đặt chân đến Tây Sách, du khách sẽ được tham quan rất nhiều địa điểm trưng bày và lưu giữ các hiện vật cổ, tìm hiểu thêm về nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Điển hình như: Bảo tàng giường cổ, bảo tàng dân gian, sân khấu cổ, xưởng in, xưởng nhuộm vải… đều là những nơi mà bất kỳ ai yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa đều không thể bỏ qua.
Đối với những người yêu thích sự hoài niệm, trân trọng những thứ cũ kỹ được lưu giữ qua ngàn đời, Đông Sách sẽ là nơi để bạn thoải mái trải nghiệm điều đó. Không được tôn tạo như Tây Sách, Đông Sách giữ nguyên con đường đá bấp bênh, những lớp tường bong tróc hay mái ngói nứt vỡ. Nhưng lạ thay, chính những điều đó lại tạo nên nét đẹp rất riêng của Đông Sách.
Đông Sách chỉ mở cửa vào ban ngày, đóng cửa sau 5 giờ chiều và ít khách du lịch hơn Tây Sách. Bên cạnh đó, chỉ có một số điểm phải mua vé, còn lại phần lớn khu Đông Sách du khách có thể thoải mái tham quan miễn phí. Tại đây, người dân bản địa vẫn sinh sống và sinh hoạt bình thường, không chuyển sang thương mại hóa hoàn toàn như Tây Sách, nên bạn còn có cơ hội ngắm nhìn và hòa mình vào nhịp sống của người dân đất Giang Nam. Có thể nói, Đông Sách vẫn giữ nguyên được cái hồn của Ô Trấn từ ngàn xưa, vẫn yên bình và cổ kính dù thế giới ngoài kia có thay đổi thế nào.
Đông Sách phù hợp để dạo chơi nhàn nhã trong một buổi sáng yên bình, khi sương sớm vẫn còn lảng bảng trong không khí, mùi thơm từ những món điểm tâm sáng đặc trưng như tiểu long bao, màn thầu, bánh nướng nhân thịt đặc sản Chiết Giang… tỏa ra hấp dẫn du khách. Hay bên vệ đường, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng với từng thớ thịt kho Đông Pha - món thịt trứ danh đặt theo tên nhà thơ Tô Đông Pha đang đun trên bếp lửa.
Dành trọn một buổi trưa - chiều nhàn nhã dạo bước trên các ngõ nhỏ của Đông Sách, tối đến lại quay về hòa mình vào không khí nhộn nhịp ở Tây Sách và thưởng thức đặc sản địa phương chắc chắn sẽ là một lịch trình đáng cân nhắc đối với những du khách lần đầu đặt chân đến Ô Trấn.
Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, mặc dù vùng đất Giang Nam nổi tiếng khi sở hữu nhiều cổ trấn tuyệt đẹp thì Ô Trấn vẫn luôn là một trong những điểm đến hàng đầu được du khách nhớ đến. Điều đó đã thể hiện được sức hút đặc biệt của địa danh lâu đời này.
Không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, đông đảo du khách nước ngoài như Việt Nam cũng mong muốn một lần được đặt chân đến Ô Trấn. Cũng vì thế mà trong các tour du lịch xuất phát từ Việt Nam, cung đường quen thuộc được chọn sẽ luôn là tam giác Thượng Hải - Tô Châu - Hàng Châu và ghé qua Ô Trấn nằm ở giữa. Và chỉ cần một lần được đặt chân đến cổ trấn xinh đẹp này, chắc hẳn bạn sẽ còn muốn quay trở đây lại thêm nhiều lần nữa trong tương lai.
Bài & Ảnh: Nguyên An