Những cái chết hàng loạt
Năm 2002, người ta tìm thấy xác 2.300 con hải cẩu trôi dạt vào bờ biển Hà Lan. Những con vật này được chẩn đoán là nhiễm virus Phocine Distemper (PDV), loại virus có quan hệ mật thiết với virus gây bệnh sài sốt ở chó nhà.
Căn bệnh này đi kèm với những triệu chứng đáng sợ như khó thở, tím tái niêm mạc, tràn khí dưới da, gây cản trở việc bơi lội và lặn ở con vật, lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử. Dịch PDV năm 2002 đã giết chết gần 30.000 con hải cẩu tại vùng biển Bắc Âu chỉ trong 7 tháng, khiến số lượng cá thể loài trong khu vực giảm một nửa.
Xác hải cẩu được tìm thấy ở Kotzebue, Alaska ngày 24/05/2019
Nhà sinh thái bệnh học Claire Sanderson tại Virginia Tech cùng cộng sự của mình đã nghiên cứu các hồ sơ được xuất bản từ năm 1955 đến năm 2018 mô tả 36 trường hợp chết hàng loạt của 18 loài động vật có vú trên biển.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, virus là thủ phạm phổ biến nhất và gây tử vong gấp 20 lần so với các bệnh do vi khuẩn.
Những cái chết hàng loạt vì bệnh dịch cũng phổ biến hơn ở hải cẩu và sư tử biển, chủ yếu do chúng di chuyển nhiều giữa môi trường đất liền và nước.
Khi những con vật này lên bờ, chúng có thể gặp phải những con vật sống trên cạn mang mầm bệnh; các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng đợt bùng phát virus PDV đã giết chết hàng ngàn con hải cẩu Baikal (Siberia) năm 1987-1988 có thể bắt nguồn từ một con chó nhà.
Con người chịu một phần trách nhiệm
Theo công bố của các nhà khoa học trên tờ Global Change Biology tháng 6/2020, trong những thập kỷ qua, số vụ động vật có vú trên biển chết hàng loạt vì PDV và các bệnh dịch khác tăng nhanh chóng.
Các chuyên gia đã nghiên cứu suốt 60 năm để tìm ra nguyên nhân cái chết của cá voi, cá heo, hải cẩu, sư tử biển và rái cá, kết quả bất ngờ cho thấy, chính con người đã gián tiếp làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh thông qua tác động của biến đổi khí hậu.
Bệnh dịch chủ yếu lây lan do mặt nước biển ấm bất thường, tạo môi trường lý tưởng cho mầm bệnh phát tán và tình trạng này thậm chí sẽ tệ hơn trong tương lai.
"Dòng nước ấm là môi trường hoàn hảo cho để bệnh truyền nhiễm lây lan" - Sanderson cho biết.
Ngoài ra, các khoảng thời gian trong năm cũng là yếu tố ảnh hưởng đến bệnh dịch. Thời điểm nguy hiểm nhất là vào mùa xuân, khi hải cẩu và sư tử biển tụ tập với số lượng lớn để sinh sản.
Đàn sư tử biển phơi mình trên bờ biển California (Joe Josephs)
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, những hải cẩu con phải xuống nước trước khi chúng sẵn sàng cai sữa, khiến chúng yếu hơn và dễ bị bệnh hơn.
Băng tan cũng đồng nghĩa với việc hải cẩu và sư tử biển sẽ có ít không gian để để nghỉ ngơi, sinh sản hoặc chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi, buộc chúng phải tập trung đông hơn.
Xác hải cẩu mắc kẹt ở bãi biển Alaska 16/07/2019 (Yereth Rosen)
Đứng trước bệnh dịch, những loài vật này không có cơ chế tự bảo vệ như "cách ly chống dịch" phải đối mặt với nguy cơ lây lan rất cao.
Theo tờ Scientific Reports, kể từ năm 2009, băng tan đã mở một đường mòn giao thông ở khu vực Bắc cực, hệ quả là những con hải cẩu đã bơi về phía Nam để "giao lưu với hàng xóm" và vô tình lây lan bệnh dịch PDV cho thêm hàng nghìn đồng loại.
"Những cái chết trên biển như thế này sẽ tiếp tục diễn ra và ta không thể làm gì để ngăn chặn hoàn toàn." – Sanderson cho biết – "Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế những tác động của con người với hệ sinh thái, giảm các tác nhân ô nhiễm và tác động biến đổi khí hậu."
(Nguồn: Popular Science, Scientific Reports)