Đường đời không có con đường nào là bằng phẳng, đã sống trên đời thì nhất định phải gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, cũng như thất bại.
Khi gặp phải thất bại, bạn đưa ra lựa chọn thế nào, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trong tương lai của bạn. Và bạn có bao giờ tự hỏi bản thân mình rằng:
"Tại sao bản thân lại đưa ra lựa chọn như thế hay không?"
Thật ra lựa chọn của một người thường liên quan đến kiến thức và nhận thức mà họ nhận được từ cuộc sống.
Cùng một người, cùng một việc, nhưng cách nhìn nhận khác nhau, sẽ đưa ra quyết định khác nhau, và họ cũng có thể trở thành những người khác nhau. Câu chuyện dưới đây chính là minh chứng cho điều đó:
Có hai sinh viên đại học vừa tốt nghiệp, gặp thất bại trong công việc nên đến thăm thầy giáo cũ và hi vọng ông có thể cho họ lời khuyên chính xác.
"Thưa thầy, chúng em bị nhân viên cũ trong công ty ức hiếp, chúng em cảm thấy rất mệt mỏi và tủi thân, thầy có thể giúp chúng em, nghĩ ra cách nào đó thay đổi hay không?"
"Thầy ơi, thầy nghỉ chúng em có nên từ bỏ công việc này mà tìm công việc mới bắt đầu lại từ đầu hay không?"
Sau khi hai người hỏi xong, người thầy nhắm mắt không trả lời hồi lâu. Sau đó mới tìm một tờ giấy trắng, vẽ lên đó vài nét giao cho hai người rồi ra hiệu cho hai người rời đi.
Hai người nhìn tờ giấy, thấy thầy giáo vẽ trên đó một bát cơm trắng. Hai người xem xong đều như hiểu ra điều gì đó!
Sau khi trở lại công ty, một người nộp đơn xin nghỉ việc về quê làm ruộng, người còn lại không chuyển công tác mà vẫn làm chỗ cũ. Hai người bọn họ đều cho rằng mình đã hiểu ý thầy giáo muốn nói...
Mười năm trôi qua trong nháy mắt, người về quê làm ruộng nhờ nghiên cứu theo phương pháp trồng trọt hiện đại nên đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng, được người dân địa phương nơi đó hoan nghênh và kính trọng.
Còn người không bỏ việc năm đó, sau khi chào tạm biệt người bạn kia, đã chăm chỉ học hỏi thêm, nỗ lực làm việc, tự tạo động lực cho mình, biến những lời than phiền trong lòng thành động lực để tiến bộ hơn.
Nhờ đó, anh ta sớm được thăng chức dần dần: Từ nhân viên bình thường thành nhóm trưởng, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trợ lý giám đốc, giám đốc...
Trong suốt mười năm qua, hai người họ chưa hề liên lạc với nhau. Nhưng đến một ngày nọ, cả hai gặp lại nhau, lúc này mỗi người mới nói lý do tại sao họ lại lựa chọn như vậy sau khi xem bức tranh.
Chuyên gia nông nghiệp nói: "Thật kỳ lạ, lúc thầy vẽ bát cơm, tôi đã hiểu ra. Ý thầy muốn nói với chúng ta con người còn sống là còn phải ăn.
Vì vậy, tôi mới quyết định nghỉ việc, về quê làm một người nông dân, tuy không vẻ vang gì nhưng có thể đem lại nhiều bát cơm trắng thơm ngon cho mọi người, có phải không nào?
Cần gì phải ở lại công ty chịu đựng bị người ta ức hiếp chứ?"
Người trở thành giám đốc nghe xong liền đáp:
"Ra là lúc đó cậu nghĩ như thế! Đâu phải tớ không nghe lời thầy, mà lúc đó tớ nghĩ rằng ý của thầy là dù chúng ta đi đâu đi nữa, đều vì kiếm miếng cơm ăn. Nếu đi đâu cũng phải chịu khổ, vậy cần gì phải tức giận làm gì.
Sống trên đời không nên việc gì cũng tính toán quá rõ ràng.
Do đó tớ mới ở lại công ty, tiếp tục làm việc. Sau này, nhờ học hỏi thêm, cộng thêm việc chủ động hỏi ý kiến nhân viên cũ. Nhờ đó về lâu về dài cũng thân quen, họ không còn bắt nạt tớ nữa. Và tớ dần dần cũng được trọng dụng."
Nếu là bạn, sau khi gặp một số khó khăn và thất bại, nhìn thấy hình vẽ bát cơm trắng trên giấy này, bạn sẽ hiểu về nó như thế nào?
Cùng một việc, bởi vì cách suy nghĩ, tâm lý cảm nhận và phương thức tiếp nhận khác nhau, mà chúng ta sẽ có những phản ứng khác nhau với chúng.
Nhận thức khác nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của mỗi người, từ đó cũng tạo ra kết quả không đồng nhất.
Giống như ví dụ về bát cơm trắng ở trên, hai người có suy nghĩ khác nhau, dẫn đến lựa chọn khác nhau và vì vậy cuộc đời họ cũng không giống nhau.
Đối với bản thân mỗi người chúng ta cũng như vậy, bạn là người tự tin hay tự ti cũng có liên quan mật thiết đến môi trường sống, tâm trạng, tình cảm, nhận thức và tâm lý của bạn.
Nếu bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, vậy bạn đã vô tình lựa chọn phương thức sống tự ti cho quá trình trưởng thành của mình.
Như vậy, sau này khi gặp chuyện gì trong tương lai mà bạn nghĩ bạn không làm được, bạn sẽ sinh ra tâm lý sợ hãi, lo lắng, và cuối cùng đánh mất hết cơ hội này đến cơ hội khác.
Ngược lại, nếu ngay từ lúc này, bạn nghĩ rằng mình đủ khả năng, chỉ cần mình nỗ lực thì có thể đạt được mọi mục tiêu. Thì khi gặp thất bại, đau khổ, bạn sẽ vẫn luôn tìm thấy những điều tích cực lẫn trong đó.
Nhờ vậy, khẳng định lại bản thân, nhìn nhận lại bản thân và chấp nhận những thiếu sót, vướng mắc trong cuộc đời mình.
Được như thế, bạn mới có thể phát triển theo chiều hướng tốt hơn mỗi ngày, cũng đủ dũng khí để xoay sở khi đối mặt với khó khăn và thất bại.