Mossad đột nhập kho tài liệu hạt nhân của Iran như thế nào?

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp) |

Lúc tảng sáng ngày 31-1-2018, một tiếng thở phào nhẹ nhõm đã phá tan bầu không khí căng thẳng bên trong phòng tình huống thuộc tổng hành dinh Cơ quan tình báo Israel (Mossad) nằm ở Glilot (phía Bắc thủ đô Tel Aviv, Israel).

Có mặt trong căn phòng là Yossi Cohen (người đứng đầu Mossad) cũng như những người đứng đầu các phòng ban của Mossad cùng các chuyên gia truyền thông khác. Nhóm đặc nhiệm Mossad vừa gửi tới một đoạn mật mã được dịch nghĩa: “Chúng tôi đã rời Iran an toàn cùng với kho báu”.

Đó là một trong những hoạt động táo bạo nhất được tiến hành bởi các điệp viên Israel. Họ đã lấy được kho lưu trữ trung tâm về chương trình quân sự hạt nhân tuyệt mật của Iran ngay trong một nhà kho ở vùng ngoại ô thủ đô Tehran.

Đúng 3 tháng sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông báo tin động trời này trong một cuộc họp báo đầy kịch tính ở thủ đô Tel Aviv. Trên thực tế, vụ trộm còn gay cấn hơn cả các thước phim hành động hồi hộp nhất.

Mossad đột nhập kho tài liệu hạt nhân của Iran như thế nào? - Ảnh 1.

Yossi Cohen, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel.

Chân thủ lãnh Yossi Cohen của Mossad

Sau tuyên bố chấn động của ông Netanyahu, nhiều nhà sản xuất Hollywood cùng các nhà viết kịch bản Israel và Châu Âu đã tiếp cận Mossad nhằm đề nghị hợp tác để viết kịch bản và sản xuất phim “dựa trên một câu chuyện có thật”. Dĩ nhiên Cohen đã khước từ.

Yossi Cohen, người lớn lên trong một gia đình mộ đạo ở Jerusalem, trong vòng tay của cộng đồng tình báo Israel. Năm 1984, ở tuổi 22, Cohen được Mossad chiêu mộ và thăng chức với tư cách là sĩ quan điều hành các điệp viên Arab và Iran.

Khi Cohen được đích thân Thủ tướng Netanyahu bổ nhiệm vào tháng 1- 2016 trở thành Giám đốc Mossad, đó là vài tháng sau khi 6 cường quốc cùng ký vào thỏa thuận hạt nhân (tên khác là JCPOA) với Iran.

Mục đích của JCPOA là hạn chế các nỗ lực và khả năng của Iran trong việc sản xuất ra vũ khí hạt nhân. Phần lớn cộng đồng quốc tế và thậm chí lực lượng an ninh Israel đều đinh ninh rằng tham vọng hạt nhân của Iran sẽ được gác lại trong thỏa thuận 10 năm.

Nhưng Cohen lại hạ lênh cho các nhân viên của mình tăng cường nỗ lực tập trung để mắt tới Iran. Vài tuần sau khi Yossi Cohen đăng quang ở Mossad, cơ quan tình báo này biết rằng Iran đang thành lập một kho lưu trữ trung tâm để lưu trữ mọi tài liệu, bản thảo, các mô phỏng máy tính và các hồ sơ nghiên cứu phân tích có liên quan đến chương trình quân sự hạt nhân.

Trước đó, tất cả các tư liệu đã bị phân tán và bảo quản tại nhiều địa điểm, văn phòng, phòng thí nghiệm bao gồm các tòa nhà dân sự như các khoa vật lý và hóa học của các trường đại học có quan hệ với Quân đoàn vệ binh cách mạng Iran (IRGC), chính là đơn vị phụ trách chương trình quân sự hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran đã thừa nhận sẽ cung cấp tất cả thông tin, dữ liệu và đĩa liên quan đến các hoạt động quân sự trong quá khứ do IAEA quy định. Ngoài ra theo nghĩa vụ của thỏa thuận thì Iran phải trao cho IAEA tất cả các thiết bị dính dáng đến chương trình quân sự.

Một sĩ quan tình báo cao cấp Israel tiết lộ rằng Iran muốn đạt được 3 mục tiêu cùng lúc khi tập hợp mọi tài liệu vào cùng một chỗ: che mắt IAEA và cộng đồng quốc tế; tránh xa ánh mắt công luận; bảo tồn và tích trữ các kiến thức cho thế hệ tương lai.

Chỉ có trên dưới chục người nắm bí mật về địa điểm cất giấu này. Nhiều người thắc mắc là tại sao IRGC, lực lượng chịu trách nhiệm an ninh thông tin lại không giấu kho lưu trữ trong hầm ở một căn cứ quân sự nhằm thoát khỏi thanh sát của IAEA?

Qua việc tiếp xúc với các sĩ quan tình báo, nhà văn YossiMelman đã có được những cách giải thích xác đáng nhất về việc này. Thứ nhất, các nhà quản lý chương trình hạt nhân của Iran muốn che đậy các thành phần của nó trong các công xưởng dùng cho mục đích dân sự và định vị chúng ở các vùng công nghiệp.

Ví dụ như nơi Iran sản xuất ra những chiếc máy li tâm đầu tiên vào đầu thế kỷ 21 đã được ngụy trang như một xưởng sản xuất khóa điện gọi là Công ty điện Kalaya nằm ở ngoại ô Tehran.

Thứ hai, các giám đốc an ninh Iran ngờ rằng điệp viên Mossad đã xâm nhập vào nhiều lớp các cộng đồng hạt nhân và quân sự của họ và sợ rằng nếu kho lưu trữ đặt trong một căn cứ quân sự thì nhiều người vì không nắm được bí mật sẽ nhận thấy sự đáng ngờ bao gồm cả các điệp viên Mossad.

Ngay từ khi nghe phong phanh về kho lưu trữ trung tâm mới, Yossi Cohen đã quyết định lên kế hoạch hành động. Đầu tiên ông cấp báo với Thủ tướng Netanyahu và nhận được sự phê duyệt cùng một khoản phân bổ ngân sách đặc biệt.

Về việc này, một sĩ quan tình báo đã nói với nhà văn Yossi Melman: “Chúng tôi không biết cái kho đó nằm ở đâu và nội dung chính xác là gì. Song chúng tôi tin chắc rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng và xứng đáng để lần ra nó”.

Cohen đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tình báo quân sự và Ủy ban Năng lượng nguyên tử Israel (IAEC) nhằm trưng ra những phác thảo đầu tiên của chiến dịch.

Đó cũng là thủ tục tiêu chuẩn ở Mossad nhằm bổ nhiệm một trong các trưởng phòng của đơn vị thành “quản lý dự án” cho những hoạt động nhạy cảm. Song trong một quyết định hiếm hoi chính Cohen tự mình trở thành quản lý dự án.

Mossad đột nhập kho tài liệu hạt nhân của Iran như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Olli Heinonen, cựu Phó tổng giám đốc IAEA, khẳng định Iran có các bản sao tài liệu về chương trình quân sự hạt nhân của mình. Ảnh nguồn: Tehran Times .

Kế hoạch tinh vi của Mossad

Ngay từ những ngày đầu, Mossad và tình báo quân đội đã tập trung tìm kiếm địa điểm có đặt kho lưu trữ tài liệu, song có vẻ nó là một điệp vụ bất khả thi. Một cựu điệp viên Mossad thừa nhận với nhà văn Yossi Melman: “Nó như thể mò kim dưới đáy bể vậy”.

Mossad bắt đầu huy động mọi nguồn lực có sẵn bao gồm nghe trộm điện thoại, thâm nhập máy tính, email và theo dõi mạng xã hội. Tất cả đội ngũ này cùng được yêu cầu không được lơ là những chi tiết có vẻ không quan trọng hoặc tầm phào. Trong các chiến dịch trước đó của Mossad, những thông tin quý giá vô tình đến từ một nguồn không mong đợi.

Cho đến thời điểm đó, các hoạt động khai thác mới chỉ tiến hành bởi bộ phận tình báo tại tổng hành dinh Mossad và một đơn vị được biết đến dưới cái tên NABAK (theo tiếng Do Thái có nghĩa là vũ khí độc đáo).

Những điệp viên giỏi nhất của Mossad đã được tham gia vào cái gọi là “thách thức cân não”. Các điệp viên làm việc ở Nabak được gọi là “Các chiến binh”, họ bao gồm 3 đơn vị bí mật là Caesarea, Kidon và Keshet.

Caesarea trực tiếp điều hành các điệp viên nằm vùng sâu trong các quốc gia đối địch và những tổ chức khủng bố mà biệt ngữ của Mossad gọi là “các quốc gia mục tiêu”.

Còn Kidon là một đơn vị chuyên biệt nhỏ với các chiến binh được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm và đòi hỏi tinh vi nhất, bao gồm những hoạt động ám sát, phá hoại và cấy thiết bị nghe lén trong lãnh thổ địch. Riêng Keshet lại chuyên phụ trách hoạt động trinh sát.

Tất cả 3 đơn vị này đều có các chuyên gia liên lạc và mở khóa riêng, và chỉ trong vòng vài giây họ đã có thể mở bất kỳ loại khóa hoặc giải mã bất kỳ két sắt nào.

Gần một năm sau khi khởi động chiến dịch, địa điểm chính xác của kho lưu trữ mật của Iran đã được phát hiện. Đó là một cấu trúc nhìn bên ngoài khá ọp ẹp, chả có gì đáng để ý.

Ai canh gác nơi này? Ai thường xuyên ghé đến? Ai vào bên trong nó? Hàng xóm trong khu vực lân cận là những ai? Hoạt động đi lại ra sao? Để trả lời loạt câu hỏi này, Mossad đã cử những điệp viên có vỏ bọc nằm vùng hoặc những cá nhân nói tiếng Farsi hiểu biết tốt về văn hóa và phong tục Iran.

Mossad đột nhập kho tài liệu hạt nhân của Iran như thế nào? - Ảnh 3.

Cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran bị điệp viên Mossad cấy sâu máy tính Stuxnet đánh sập. Ảnh nguồn: MEO.

Vụ cướp tài liệu hạt nhân gay cấn

Mất gần 1 năm để điệp viên Mossad lập kế hoạch đột nhập vào kho lưu trữ trung tâm. Tình huống nan giải nhất là sau khi tiếp cận kho thì phải thoát ra an toàn bằng cách nào, cũng như làm thế nào để sao chép các tài liệu hoặc lấy các bản tài liệu gốc?

Iran là một đất nước rộng lớn tiếp giáp biên giới với 7 quốc gia và giáp lãnh hải với những nước khác, nên tất cả các tuyến đường đào thoát gồm hàng không, biển và trên bộ đều được tính đến.

Trong số các hàng xóm của Iran là Azerbaijan, một đồng minh chiến lược của Israel. Làm thế nào để đưa các chiến binh về nhà an toàn? Nếu để cho người Iran tóm được, các chiến binh Mossad sẽ bị tra tấn và cuối cùng bị treo cổ trên cần cẩu ở quảng trường trung tâm Tehran, một hình phạt tử hình theo thông lệ của Nhà nước Hồi giáo.

Điều mà Mossad biết chắc chắn là trong kho lưu trữ không chỉ có các tài liệu liên quan đến chương trình hạt nhân quân sự mà còn có cả các chương trình hạt nhân dân sự. Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải lấy cho được các tài liệu gốc của chương trình quân sự và đem chúng an toàn ra khỏi Iran. Một nhóm các chiến binh ưu tú đã được lựa chọn kỹ càng.

Các điệp viên Mossad đã đặt chân đến Iran vào đêm ngày 31-1-2018 và thần tốc đột nhập vào nhà kho sau khi biết chắc nơi này không có bảo vệ và khá an toàn. Họ ở lại vài giờ để mở khóa và lấy đi nửa tấn tài liệu trong các két sắt quan trọng. Mọi thứ đã diễn ra theo đúng kế hoạch của Mossad.

Theo các nguồn thạo tin, các điệp viên Mossad đã trốn đến Azerbaijan. Vài giờ sau, lực lượng an ninh IRGC đã hốt hoảng phát hiện ra vụ đột nhập ngay dưới mũi họ. Lãnh tụ tối cao Iran choáng váng trước vụ cướp.

Khi các tài liệu về tới Israel, một đội quân các chuyên gia Farsi đã quét nội dung của chúng. Nhưng không có tài liệu nào cho thấy Iran đang tiếp tục các hoạt động hạt nhân của họ sau khi ký JCPOA. Lúc này người Israel cũng chưng hửng: không rõ phía Iran có sao chép các bản gốc của họ không?

Nhà văn Yossi Melman đã từng nhận được mật tin của ông Olli Heinonen, cựu Phó tổng giám đốc IAEA và hiện là học giả tại một viện ở Washington, khẳng định: “Họ (Iran) không có thói quen bỏ tất cả vào một sọt”.

Cohen đã lấy một bản sao trong số các tài liệu và bay đến Washington và khoe nó với Giám đốc CIA khi đó là ông Mike Pompeo. Các chuyên gia CIA khẳng định rằng nó là hàng xịn. Cùng lúc đó, ông Netanyahu đã gặp ông Donald Trump và chia sẻ những phát hiện mới.

Đối với ông Trump, những tài liệu đã giúp ông ra quyết định rút khỏi JCPOA. Sau cuộc họp báo của Netanyahu vào tháng 5-2018, các chuyên gia trong cộng đồng tình báo Pháp (DGSE), Đức (BND) và Anh (MI-6) đã đến Israel và cũng được xem những tài liệu hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại