Nhật Bản đã nhập khẩu một lượng lớn hải sản từ Nga. Ảnh: Reuters
Nhật Bản nhập khẩu kỷ lục hải sản từ Nga
Nhật Bản đã nhập khẩu một lượng thủy sản kỷ lục từ Nga trong năm 2022 và tiếp tục nhập khẩu gỗ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các cảng ở Viễn Đông của Nga.
Điều này đã gặp phải chỉ trích khi Mỹ và châu Âu tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Moscow.
Thống kê từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhập khẩu hải sản từ Nga đã tăng lên 155,2 tỷ yên (1,15 tỷ USD) vào năm ngoái, vượt xa kỷ lục trước đó là 140,2 tỷ yên vào năm 2018.
Theo báo cáo của Kyodo News, sản lượng khai thác kém ở vùng biển nội địa đã khiến nhu cầu ở Nhật Bản tăng cao. Đồng thời ngư dân Nga được hưởng sản một lượng đánh bắt lớn hơn ngoài khơi bờ biển phía đông của đất nước.
Cua tuyết là sản phẩm lớn nhất được đưa vào Nhật Bản. Điều đó có thể một phần là do nhu cầu mạnh mẽ, nhưng cũng là kết quả của việc các nhà xuất khẩu Nga mở rộng sang các thị trường mới sau khi bị Mỹ và các thị trường phương Tây khác cấm vận .
Chợ cá Nijo ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg
Canada đề nghị Nhật nhập cua tuyết Canada thay cho cua Nga
Các nhà nhập khẩu Nhật Bản ưa chuộng hải sản giá rẻ của Nga đã được chú ý ở Canada.
Các bộ trưởng và lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh nêu vấn đề này với Tokyo, hãng thông tấn The Canadian Press đưa tin.
Clifford Small, một chính trị gia của Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho một khu vực bầu cử hàng hải ở Newfoundland và Labrador, đã kêu gọi chính phủ gây áp lực buộc Nhật Bản cấm nhập khẩu cua Nga để thể hiện sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên G7.
Trước áp lực ngày càng tăng, Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng xác nhận rằng vấn đề đã được nêu ra với Nhật Bản.
Một tuyên bố của văn phòng Bộ trưởng cho biết Bộ này đã yêu cầu Nhật Bản xem xét nhập cua tuyết của Canada để thay thế nguồn cung cấp sản phẩm hiện tại của Nga.
Vấn đề này cũng đã được đưa ra trong các cuộc trò chuyện với đại sứ Nhật Bản tại Ottawa và ông Small đã thúc giục Thủ tướng Justin Trudeau nêu lại vấn đề này với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida khi ông đến thăm Hiroshima để tham dự cuộc họp G7.
Chưa đủ gây chia rẽ giữa các đối tác
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hiện vẫn chưa có bình luận.
Hai nhà nhập khẩu thủy sản lớn của Nhật là Orion Group có trụ sở tại Sapporo và Toyota Tsusho Foods Corp, có trụ sở tại Tokyo, từ chối cung cấp thông tin.
Trước đó, nhiều người đã thắc mắc về việc Nhật Bản từ chối ngừng nhập khẩu LNG từ cơ sở xuất khẩu Sakhalin-2 của Nga.
Bên cạnh đó, một nhóm môi trường có trụ sở tại London đã lên án việc Tokyo không ngừng nhập khẩu gỗ từ Nga kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Vào tháng 4 năm ngoái, Nhật Bản đã cấm nhập khẩu gỗ tròn, dăm gỗ và gỗ lạng (lớp gỗ mỏng) từ Nga.
Tuy nhiên, đáng chú ý là cả Moscow và Tokyo đều không hành động để ngăn chặn việc bán gỗ xẻ, vốn chiếm 90% lượng gỗ buôn bán.
Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, cho rằng khi nói đến nhập khẩu thủy sản của Nhật từ Nga, đó hoàn toàn là vấn đề giá cả.
“Người tiêu dùng Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất mà nước này đã chứng kiến trong 30 năm qua", ông lý giải.
Năng lượng là một vấn đề khác, GS Nagy cho biết. Chính phủ và các công ty Nhật đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng dự án Sakhalin-2 muốn bảo vệ khoản đầu tư đó, đồng thời lo ngại rằng việc rút hoàn toàn khỏi dự án sẽ chỉ để ngỏ cánh cửa cho Trung Quốc nắm quyền kiểm soát.
Vị giáo sư này cũng cho rằng thương mại giữa miền đông nước Nga và Nhật Bản rất hạn chế và không đủ để gây chia rẽ giữa các đối tác của Nhật Bản.