Ông Numan Kurtulmus hôm qua (3/7) đã nói với tờ Milliyet rằng việc đốt kinh Koran của các nhà hoạt động ở Stockholm vào tuần trước là “một hành động cực kỳ khiêu khích, chống Hồi giáo, chống lại loài người” và không thể bào chữa được.
Thụy Điển tuyên bố là một quốc gia dân chủ - nơi các niềm tin và ý tưởng khác nhau được tôn trọng, nhưng điều này đã được chứng minh là “không đúng sự thật”, ông Kurtulmus gay gắt chỉ trích. Nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng việc Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan không có nghĩa là điều tương tự sẽ xảy ra với lời đề nghị từ phía Thụy Điển.
Stockholm và Helsinki đã phá vỡ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ của họ và nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu vào năm ngoái, với lý do lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraine. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 vừa rồi, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối việc kết nạp Thụy Điển vào NATO.
Ankara đã cáo buộc Stockholm chần chừ, không chịu giao nộp "những kẻ khủng bố" từ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan khác, vốn đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là các nhóm bất hợp pháp. Một quốc gia muốn được kết nạp vào NATO cần phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên.
“Họ (Thụy Điển) sẽ tiến hành các hành động khiêu khích, đồng thời yêu cầu được chấp thuận gia nhập NATO. Xin lỗi, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia luôn giữ lời. Bất cứ điều gì Thổ Nhĩ Kỳ nói, bất cứ điều gì Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn, đều sẽ được thực hiện nhưng chúng tôi cũng muốn những người khác giữ lời hứa của họ. Đối với Thụy Điển, quốc gia không giữ lời hứa, mong muốn trở thành thành viên NATO chỉ là một giấc mơ viển vông”, ông Kurtulmus nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng Ankara “không hoàn toàn phản đối” việc Stockholm trở thành thành viên của NATO, nhưng để điều đó xảy ra “Thụy Điển phải tự hoàn thành những gì đã cam kết,” ông nói. “Thụy Điển cần phải ngăn chặn những hành động khiêu khích đó. Họ cũng phải cho phép dẫn độ những kẻ cầm đầu các tổ chức khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.”
Việc đốt kinh Koran đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Hồi giáo khác lên án, trong khi những người biểu tình tràn vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq. Khi được hỏi về vấn đề này vào tuần trước, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết hành động đốt sách thánh của đạo Hồi là "xúc phạm và đáng bị phản đối nhưng không nhất thiết là bất hợp pháp."
Cuộc tranh cãi diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, dự kiến diễn ra tại thủ đô Vilnius của Litva vào ngày 11 và 12/7.