Mông Cổ trỗi dậy giữa hai cường quốc Nga-Trung như thế nào?

Thủy Thu |

Trước khi đến Nhật Bản và Trung Quốc, điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bắt đầu từ hôm 13/4, là Mông Cổ.

Quốc gia nằm giữa 2 "ông lớn"

Ngoại trưởng Nga cho biết, đã 10 năm kể từ lần cuối ông có chuyến thăm đến Ulan Bator. Lần này ông đến Mông Cổ mang theo những thỏa thuận quan trọng để phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Không phải ngẫu nhiên Mông Cổ được chọn là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của Lavrov, đặc biệt trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng và Nga-Trung Quốc đang bất đồng.

Trong vài năm qua, quốc gia thảo nguyên "kẹp giữa" hai cường quốc Nga-Trung đã từng bước lấy lại giá trị trên trường quốc tế.

Trong bài viết "Quốc gia nhỏ, vận mệnh lớn - Mông Cổ và sự hội nhập toàn cầu" đăng tên chuyên trang của Phượng Hoàng (Trung Quốc), tác giả Đặng Duệ đã chỉ ra con đường để "sống giữa các ông lớn" của nước này.

Giai đoạn từ năm 1921 sau khi thoát khỏi tầm kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc cho đến năm 1991 khi Liêm Xô giải thể, Mông Cổ đã hoàn toàn đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô và đóng vai trò như một vệ tinh của Moscow.

Trong thời gian này, quan hệ song phương giữa Mông Cổ và Trung Quốc bị phụ thuộc toàn bộ vào sự biến động của mối quan hệ Liên Xô và Trung Quốc. Lúc này, Mông Cổ vẫn chưa có một chính sách ngoại giao độc lập.

Nước Mông Cổ vẫn đang ở trong thế kìm kẹp của Trung Quốc và Liên Xô trước đây không những sau này đã giành lại cho mình một không gian sinh tồn đáng kể mà còn hứa hẹn trở thành một nước hòa giải cho khu vực Đông Bắc Á và trở thành một thành viên quan trọng trong các sự kiện quốc tế.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mông Cổ Lundeg Purevsuren tại Ulan Bator, ngày 14/4. (Ảnh: Xinhua)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mông Cổ Lundeg Purevsuren tại Ulan Bator, ngày 14/4. (Ảnh: Xinhua)

Nước trung lập vĩnh viễn

Đầu thập niên 1990, sự kiện Liên Xô giải thể đã tạo cho Mông Cổ một cơ hội xác định lại lợi ích quốc gia và làm mới chính sách ngoại giao.

Thời kỳ này, Mông Cổ đã từ bỏ phương thức ngoại giao thiên lệch trong quá khứ, khép lại chính sách "kinh tế kế hoạch hóa tập trung" và đã lựa chọn chiến lược chính trị "hai chọn một".

Bắt đầu với phương châm "ngoại giao trong thế cân bằng về khoảng cách" được xác lập từ năm 1994, đến cuối thập niên 1990 nước này thực thi không chính thức chính sách "láng giềng thứ ba".

Cho đến năm 2015 khi đề xuất ra ý tưởng "nước trung lập vĩnh viễn", Mông Cổ đã phá thế kìm kẹp địa chính trị để tạo bước nhảy vọt, mở rộng không gian sinh tồn cho chính mình.

Mông Cổ coi mối quan hệ tốt đẹp cùng phát triển trong thế cân bằng với Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của nước này.

Tháng 8/2014, tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ-Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về "xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện".

Đồng thời, Mông Cổ nhận định ngoài Nga và Trung Quốc thì một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản và Đức cũng nằm trong chính sách "láng giềng thứ ba".

Bên cạnh đó, Mông Cổ nỗ lực duy trì mối quan hệ song phương thân thiện với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác và tích cực tham gia các sự kiện quốc tế.

Chính sách ngoại giao linh hoạt này giúp lợi ích quốc gia, lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung toàn cầu được liên kết chặt chẽ.

Nhờ đó mà phương thức ngoại giao của Mông Cổ càng được củng cố chắc chắn, đảm bảo độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Thủ đô Ulan Bator tập trung khoảng một nửa dân số Mông Cổ, từng chứng kiến cơn bão xây dựng khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng, nhưng hiện nay nhiều dự án bị đình trệ. (Ảnh: Bloomberg)

Thủ đô Ulan Bator tập trung khoảng một nửa dân số Mông Cổ, từng chứng kiến "cơn bão xây dựng" khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng, nhưng hiện nay nhiều dự án bị đình trệ. (Ảnh: Bloomberg)

Thay đổi vị thế trước Nga và Trung Quốc

Mông Cổ đã triển khai hợp tác với Liên Hợp Quốc trên mọi lĩnh vực, đại diện cho những quốc gia không giáp biển góp tiếng nói chung tại Liên Hợp Quốc.

Năm 2012, Mông Cổ gia nhập Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tích cực tham gia vào các cuộc họp bàn về những sự kiện an ninh châu Âu.

Tại khu vực Đông Nam Á, Mông Cổ là thành viên "Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á" (TAC).

Mông Cổ còn góp mặt với các vai trò khác tại những tổ chức của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như: Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ Latinh (FEALAC).

Ngoài ra, quốc gia này đang nỗ lực đàm phán gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với hy vọng nâng cao vị thế trong khu vực.

Mông Cổ đã khởi xướng một loạt những cuộc đối thoại đa phương, nhờ đó để giành được chiếc ghế thành viên trong những cuộc hội đàm giữa các nước lớn.

Tháng 9/2014, nhân hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên của SCO nhóm họp lần thứ 14, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã mời nguyên thủ Nga, Trung tiến hành hội đàm ba bên lần thứ nhất.

Thông qua xây dựng lợi ích chung, Mông Cổ xoay chuyển từ vị trí "thấp cổ bé họng" trở thành cơ hội hợp tác với Bắc Kinh và Moscow.

Về mặt quân sự, mỗi năm Mông Cổ nhận viện trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ 3 triệu USD, bao gồm vũ khí và chi phí huấn luyện quân đội.

Về kinh tế, dù là chiến lược "Hành lang kinh tế Nga, Trung Quốc và Mông Cổ", chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, Vành đai kinh tế Á-Âu của Nga và kế hoạch "Con đường thảo nguyên" của Mông Cổ đều chứng minh Mông Cổ là nước thu lợi nhiều nhất.


Các công nhân Trung Quốc tại một khu mỏ ở Oyu Tolgoi, phía Nam sa mạc Gobi. Ảnh chụp ngày 11/10/2012. (Nguồn: Getty Images)

Các công nhân Trung Quốc tại một khu mỏ ở Oyu Tolgoi, phía Nam sa mạc Gobi. Ảnh chụp ngày 11/10/2012. (Nguồn: Getty Images)

"Cây cầu nối" cho bán đảo Triều Tiên

Vai trò của Ulan Bator trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như tăng cường mở rộng đối thoại với bán đảo này đã giúp Mông Cổ nhận được sự quan tâm của thế giới.

Mối quan hệ Mông Cổ - Triều Tiên được thiết lập từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn luôn duy trì những cuộc thăm viếng lẫn nhau cho đến tận ngày nay.

Năm 2002, Bình Nhưỡng từng khẳng định, nhân dân Mông Cổ là "người bạn chân chính duy nhất" của mình ở khu vực Đông Bắc Á.

Đồng thời, lợi ích từ mối quan hệ hai nước luôn được duy trì ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như Trung-Triều hay Nga-Triều.

Vì thế, Mông Cổ dần trở thành cây cầu nối giữa Triều Tiên và các nước trong khu vực Đông Bắc Á.

Mông Cổ đã tận dụng ưu thế này để trở thành nước hòa giải công bằng trong việc giải quyết hòa bình của Triều Tiên và Hàn Quốc.

Mông Cổ đã đưa ra đề xuất "Đối thoại Ulan Bator" và nó đã trở thành nghị trình đa phương quan trọng về vấn đề Hàn-Triều, bên lề vòng đàm phán 6 bên do Bắc Kinh khởi xướng về vấn đề hạt nhân bán đảo.

Mông Cổ lấy được sự tin cậy của Bình Nhưỡng thông qua việc chủ trì trong những chuyến thăm viếng giữa các nhà lãnh đạo nữ và giao lưu y học giữa Hàn-Triều, phối hợp chi viện lương thực quốc tế cho Triều Tiên, tăng cường sự liên kết trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với các nước Đông Á.

Khi Đàm phán 6 bên bị đình trệ và Triều Tiên giữ thái độ thù địch với đề xuất hòa bình của Đông Bắc Á do Seoul đề xuất thì "Đối thoại Ulan Bator" đã trở thành kênh trao đổi có hiệu quả lớn giữa Bình Nhưỡng với bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại