Tình hình biển Đông: "Người khổng lồ" Nhật Bản đang thức dậy

Hải Võ |

Giáo sư Elfren S. Cruz Đại học De La Salle (Philippines) đánh giá, Nhật Bản là một "người khổng lồ ngủ say" đang thức dậy ở Tây Thái Bình Dương trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Trên tờ Philstar (Philippines), giáo sư Cruz cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có đầy đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn, vượt xa so với vai trò mà Tokyo đang thể hiện ở khu vực biển Đông hiện nay.

Trong thập niên 1970-1980, Nhật đã được xem là "siêu cường" tiếp theo tại Thái Bình Dương, bên cạnh Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Cruz, trong 1/4 thập kỷ qua nước này đã thay đổi và tự cô lập mình, trong khi Mỹ và các đồng minh khác bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng Trung Đông, cuộc đối đầu Nga-NATO ở Đông Âu và sự trỗi dậy của Bắc Kinh trên biển Đông.

Khi nhiều quốc gia trên thế giới trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố cực đoan và những kẻ đánh bom tự sát, Nhật Bản vẫn duy trì được một xã hội ổn định và yên bình.

Ngày nay, những thách thức về an ninh quốc gia đang trở lại với Tokyo và tạo thành mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế, chính trị của nước này.

Việc bảo vệ hai tuyến đường biển giao thông vận tải và thông tin liên lạc quan trọng - biển Hoa Đông và biển Đông - buộc Nhật đối mặt với mục tiêu nặng nề là kiềm chế thái độ hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ khu vực.

Học giả người Philippines chỉ ra, vấn đề đối với Nhật là khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa họ với Trung Quốc đã bị nới quá rộng.

Số liệu gần đây cho thấy ngân sách quốc phòng Trung Quốc vào khoảng 216 tỉ USD, trong khi của Nhật chỉ là 45.8 tỉ USD.

Thực tế Trung Quốc đang không ngại ngần đối đầu với Tokyo ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Đồng thời, việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông cùng căn cứ quân sự trên đó đã đe dọa nghiêm trọng hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này, khu vực mà phần lớn nguồn cung năng lượng cũng như trao đổi thương mại của Tokyo phải đi qua.

Sự kiện bước ngoặt đối với Nhật là Luật an ninh mới, được thông qua tháng 9/2015, bắt đầu có hiệu lực từ 29/3 vừa qua. Đạo luật này mở cho quân đội Nhật 3 điều kiện mới để sử dụng sức mạnh quân sự của mình tại nước ngoài.

Elfren Cruz bình luận, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lúc này cần đối diện với một trật tự thế giới mới đã thành hiện thực, rằng Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự hung hăng là xu hướng không thể tránh khỏi.

Nhật có thể tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ để giữ lấy lợi ích của mình trong khu vực, hoặc Tokyo có thể chia sẻ công bằng gánh nặng với đồng minh và đối tác, như Philippines, trong nỗ lực gìn giữ luật pháp quốc tế trước tình hình địa chính trị phức tạp.

"Giống Đức trong Liên minh châu Âu (EU), kết luận của tôi là Nhật Bản cuối cùng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận chia sẻ vai trò lãnh đạo lớn hơn ở 'phần bên này' của thế giới," ông Cruz kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại