Ngày 15/4, Lầu Năm Góc đưa tin Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuần tra biển Đông trên tàu sân bay USS John C. Stennis.
Cùng ngày, Bộ quốc phòng Trung Quốc ngay công bố tin Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long dẫn đoàn thị sát (trái phép-PV) một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV).
Hồi tháng 11/2015, ông Carter cũng lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ nhân chuyến thăm Malaysia. Trung Quốc khi đó đã lên tiếng phản đối.
Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 16/4 bình luận, đây là lần đầu Bắc Kinh cử một Phó chủ tịch quân ủy thực hiện chuyến đi (phi pháp) ra quần đảo Trường Sa. Vụ việc này khiến dư luận quốc tế quan tâm hơn bởi diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Carter hủy chuyến công du Bắc Kinh.
Việc Phạm Trường Long thị sát trái phép ở biển Đông, bên cạnh mục đích rõ ràng là "nắn gân" Washington, còn nhiều khả năng nhằm "mở đường" để Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, công khai tới quần đảo Trường Sa.
Tướng 3 sao Phạm Trường Long (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tháng 6/2015. (Ảnh: CFP)
Theo Đa Chiều, căng thẳng Mỹ-Trung ở biển Đông thời gian qua đã leo thang, những phản ứng "gửi thông điệp cứng rắn" ở mức độ hiện tại không tạo ra điều gì khác biệt.
Khi những biện pháp như đeo bám, cảnh cáo tàu Mỹ ở biển Đông vô hiệu, khiến Bắc Kinh đã phải điều động tới "nhân vật số 2" quân đội, thì ông Tập sẽ là "lá bài" tiếp theo để Trung Quốc tỏ thái độ không nhượng bộ lập trường của Mỹ.
Gác nhà cầm quyền ở Bắc Kinh cho rằng, hiện Mỹ đã "ngửa bài" ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là "có lợi ích cốt lõi" như biển Đông, biển Hoa Đông và biển Đài Loan.
Khả năng Washington hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Philippines đã trở thành mối đe dọa hiện hữu.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose L. Cuisia, Jr. tiết lộ, Manila sẽ được Mỹ viện trợ quân sự 75 triệu USD trong năm nay, nhiều hơn 25 triệu USD so với 2015, để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, giám sát và tuần tra trên biển.
Đây là đợt viện trợ lớn nhất của Mỹ đối với Philippines kể từ năm 2000.
Đa Chiều phân tích, cách làm được Bắc Kinh cho là hiệu quả nhất lúc này vẫn là "xua" ngư dân ra biển Đông và kêu gọi người dân Trung Quốc đi du lịch (phi pháp) tới Trường Sa, Hoàng Sa, nhằm đạt dã tâm "bình thường hóa" sự kiểm soát của nước này đối với các đảo đá bị họ chiếm đóng trái phép.
Chính phủ Trung Quốc có cơ sở tin rằng đưa Tập Cận Bình ra quần đảo Trường Sa, chứ không phải một tướng lĩnh quân đội nào khác, là biện pháp khai thác "tâm lý dân tộc chủ nghĩa" ở nước này một cách hữu hiệu để đạt được tham vọng trên.
Phó Tham mưu trưởng Chiến khu Bắc (Trung Quốc) An Vệ Bình từng tiết lộ, Tập Cận Bình đã 2 lần tới biển Đông trong số 3 cuộc thị sát Hải quân.
Trước Phạm Trường Long, quan chức có vị trí cao nhất của quân đội Trung Quốc từng thị sát phi pháp ở biển Đông là Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân, vào tháng 10/2014.
Tàu USS Chancellorsville của Hải quân Mỹ bị một tàu hộ vệ Trung Quốc (phía xa) đeo bám khi tuần tra trên biển Đông hồi cuối tháng 3. (Ảnh: The New York Times)
Hiện nay, truyền thông quốc tế đã chỉ rõ các hoạt động bành trướng phi pháp mà Trung Quốc tiến hành ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Không chỉ là những ngọn hải đăng và cơ sở cứu hộ (phi pháp) như tuyên bố "phục vụ cộng đồng", dấu hiệu Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông đã không thể giấu giếm được.
Tên lửa, chiến đấu cơ mà nước này đưa trái phép ra các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa liên tục bị vệ tinh của phương Tây ghi hình kể từ cuối năm 2015.