Nga hưởng ứng "sáng kiến" của Bắc Kinh
Theo trang topwar.ru của Nga, sáng kiến về việc đưa các hoạt động sản xuất này là của Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng kết quả của thỏa thuận này khiến Nga có thể sẽ tiếp nhận những công nghệ ô nhiễm, bãi rác thải và môi trường sẽ bị hủy hoại.
Hôm 5/4, Cục trưởng Rustam Makarov thuộc Bộ Phát triển Viễn đông Nga và cục trưởng Cục Phát triển Công nghiệp các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc Zhou Jianping, đã thảo luận các vấn đề liên quan tới hoạt động đầu tư vào các tỉnh thuộc khu vực Viễn Đông Nga.
Bắc Kinh bày tỏ mong muốn chuyển tới Nga các hoạt động sản xuất của 12 lĩnh vực kinh tế như xây dựng, luyện kim, năng lượng, chế tạo máy, đóng tàu, hóa chất, dệt may, xi măng, công nghệ thông tin và nông nghiệp.
Được biết, mục đích của cuộc thảo luận liên quan tới khả năng chuyển tới khu vực Viễn Đông các nhà máy của Trung Quốc trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu về môi trường của Nga.
Ông Makarov khẳng định sự sẵn sàng hợp tác của Nga. Ông cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp được thành lập trong khuôn khổ các lãnh thổ phát triển đột phá và cảng tự do Vladivostok sẽ được nhận các ưu đãi về thuế và hỗ trợ về mặt hành chính.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp của Trung Quốc và thiết lập hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Viễn Đông”, Bộ Phát triển Viễn Đông trích dẫn lời ông Makarov.
(Ảnh mih họa: Reuters)
Trung Quốc không muốn làm "công xưởng thế giới" nữa, đẩy sang cho Nga
Theo topwar.ru, dư luận Nga đặt câu hỏi: Người Trung Quốc quyết định chuyển dịch hoạt động sản xuất sang khu vực Viễn Đông nhằm mục đích gì? Không khó để đưa ra câu trả lời.
Ba năm trước, Trung Quốc bắt đầu nghĩ tới việc thay đổi những ưu tiên trong chính sách kinh tế.
Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc từng bước loại bỏ vai trò “công xưởng thế giới” của mình và chuẩn bị chuyển hàng loạt các hoạt động sản xuất ra ngoài lãnh thổ như công nghiệp hóa chất, luyện thép, xi măng và nhiều lĩnh vực khác.
Theo như các chuyên gia phân tích cho biết, những lĩnh vực sản xuất “dư thừa” này có thể được đưa tới Châu Phi, có nghĩa là những nước “thứ ba”.
Khu vực Trung Á cũng được nhắc tới. Hiện nay Trung Quốc đang tích cực chiếm lĩnh khu vực này.
Người Trung Quốc định giữ lại trong nước những lĩnh vực sản xuất mà có thể coi là công nghệ cao và có nhiều giá trị gia tăng.
Quyết định của Trung Nam Hải về việc thay đổi các ưu tiên, nhiều khả năng, liên quan tới chi phí nhân công tại quốc gia này đang tăng khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa “không chất lượng cho lắm” của họ bị giảm.
Ngoài ra, người Trung Quốc đã hủy hoại môi trường của mình bằng chính những lĩnh vực sản xuất đó.
Điều này cho thấy quyết định chuyển các hoạt động sản xuất độc hại, tất nhiên, có liên quan tới các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình môi trường.
Không ai lại đánh giá, ví dụ, ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc là thân thiện với môi trường.
Tình hình khu vực Viễn Đông Nga tiệm cận với Châu Phi. Trong điều kiện phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt và giá dầu lao dốc, việc thúc đẩy đầu tư và sản xuất từ phía “đối tác” có thể ở mức độ nào đó là động lực để phát triển địa phương.
Mặt khác, việc biến khu vực có mật độ dân số thấp của Nga thành “nước thứ ba” với những lĩnh vực sản xuất lạc hậu và môi trường ô nhiễm không phải là một tương lai đáng mong đợi.
Tuy nhiên, hiện mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức độ Nga sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc.
Nga đang có hơn 100 dự án "chào đón" tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Sputnik)
"Cuối cùng, tất cả tiền thuế sẽ về Trung Quốc"
Lãnh đạo Trường Phương Đông học thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga, ông Alexei Maslov, chia sẻ với phóng viên đài phát thanh Vesti FM cho biết, Nga đã gặp vụ việc tương tự về khả năng cho Trung Quốc thuê 150 nghìn ha đất tại Zabaikal, khi đó phản ứng của người dân Nga là rất bất bình.
"Tôi xin nhắc rằng, đó mới chỉ là thảo luận về để người Trung Quốc sản xuất nông nghiệp, và phía Nga đã có phản ứng không thuận lợi. Hiện giờ, phản ứng cũng sẽ không thuận lợi.
Đó là chúng ta tưởng rằng Trung Quốc đang tiến hành đàm phán về việc chuyển các lĩnh vực sản xuất sang Nga.
Trung Quốc đang theo dõi rất phản ứng của xã hội Nga, không chỉ của những người dân bình thường, mà trước tiên là của cả các chính khách, những người mà cách này hay cách khác có liên quan tới hoạt động làm ăn lớn với Trung Quốc, để hiểu được Nga phản ứng thế nào với những vấn đề tương tự.
Tạm thời chúng ta chưa có bất cứ thỏa thuận nào, không có các tính toán về mặt kinh tế, và nói chung, nói một cách đơn giản rằng, để nói nó có lợi hay có hại thế nào đối với môi trường khi không nhìn thấy các con số, không có những tính toán cụ thể là các câu chuyện hoàn toàn rỗng tuếch.
Và bây giờ, Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn bởi vì họ nhìn thấy Nga đang nghĩ gì khi đề cập tới việc chuyển các nhà máy của Trung Quốc sang Nga”, ông nói.
Đại biểu Duma Quốc gia Nga của Đảng Tự do Dân chủ, chủ tịch Ủy ban của Quốc hội về y tế, ông Sergei Furgal cho rằng việc chuyển các nhà máy của Trung Quốc sang Viễn Đông chỉ có lợi cho Trung Quốc. Ý kiến của ông được hãng thông tấn AmurMedia trích dẫn.
“Nếu nói một cách đơn giản thì các quan chức của Bộ Phát triển Viễn Đông đã thỏa thuận về việc Trung Quốc chuyển tới Viễn Đông các nhà máy và xí nghiệp lạc hậu trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, năng lượng, chế tạo máy và đóng tàu, hóa chất, dệt may và xi măng, công nghệ thông tin và nông nghiệp”.
Theo ý kiến của chuyên gia này, gần như tất cả các lĩnh vực được liệt kê đều vô cùng ô nhiễm và nguy hiểm cho môi trường.
Tại Trung Quốc đang diễn ra tình trạng “môi trường bị ô nhiễm khủng khiếp”, “khói độc ở khắp nơi”, “nguồn nước bị nhiễm độc”, và không thể để điều tương tự lặp lại ở Viễn Đông.
“Liên quan tới những tuyên bố về việc tuân thủ quy định về môi trường, thì chỉ cần hỏi ý kiến của người dân Vanino tại khu vực Khabarovsky Krai, họ sẽ kể cho các bạn rất chi tiết liên quan tới việc người ta tuân thủ các quy định về môi trường này ở đó như thế nào”.
Đặc biệt, chuyên gia này còn đề cập tới vấn đề sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc, ông Furgal cho biết, đã từ lâu “có tiếng với việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ và hủy hoại môi trường”.
Những vùng đất mà người Trung Quốc sử dụng để canh tác sẽ biến thành “hoang mạc, nơi mà chim không hót, còn côn trùng thì không thể sống nổi”.
Ngoài ra, ở Viễn Đông không có đủ số lượng các chuyên gia Nga làm việc tại các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Như vậy, bằng cách này hay cách khác, các công dân Trung Quốc sẽ kéo tới làm việc ở đó. Cuối cùng, “tất cả các khoản thuế sẽ được chuyển về Trung Quốc”.
Dư luận Nga lo ngại về "cuộc xâm lược của công nhân Trung Quốc" tại vùng Viễn Đông. (Ảnh minh họa)
Nga sẽ kiểm soát chặt chẽ
Hôm 12/4, trên các phương tiện truyền thông Trung ương của Nga xuất hiện một số lời giải thích về việc Trung Quốc có thể sẽ chiếm lĩnh các lãnh thổ của Nga.
Ngoài ra, những người Trung Quốc “đánh đuổi” các hoạt động sản xuất ra khỏi đất nước của họ đang quan tâm tới không chỉ khu vực Viễn Đông của Nga.
Việc chuyển các hoạt động sản xuất của Trung Quốc sang Viễn Đông chỉ có thể diễn ra với điều kiện tuân thủ toàn bộ các quy định của luật pháp Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực môi trường.
Tại các nhà máy và xí nghiệp này phải có 80% người lao động Nga. Ngoài ra, các nhà cung cấp và nhà thầu Nga phải được ưu tiên. Những thông tin này được Bộ Phát triển Viễn đông Nga cung cấp cho hãng thông tấn TASS.
“Trong khuôn khổ hợp tác về chuyển giao những năng lực sản xuất từ Trung Quốc, việc thiết lập hoạt động liên kết sản xuất để xuất khẩu sẽ được nghiên cứu trước tiên", thông báo của Bộ Phát triển Viễn Đông cho biết.
Cơ quan này cũng nêu rõ rằng hợp tác với Trung Quốc không phải là ưu tiên đối với Nga. Nga đang hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ.
Về phần mình, phía Trung Quốc không coi vùng Viễn Đông của Nga là lãnh thổ duy nhất để các nhà máy, xí nghiệp của mình chuyển tới.
Topwar.ru bình luận, về bản chất, đó là tuyên bố mang tính thử nghiệm của Trung Quốc nhằm "nhắc khéo" tới sự cạnh tranh của nhiều khu vực phát triển tụt hậu khác nhau trên thế giới để giành lấy việc các hoạt động sản xuất này được chuyển tới đất nước của mình.
Nếu người Nga không tiếp nhận thì các nhà máy sẽ chuyển sang Trung Á hoặc Châu Phi.
Chính vì thế, các quan chức Trung ương Nga lo ngại cho số phận của Viễn Đông đã vội tuyên bố về sự sẵn sàng hợp tác, về các ưu đãi thuế, về những hỗ trợ liên quan tới thủ tục hành chính và nhiều thứ khác.