Chỉ là một vụ thử vũ khí mới mà đích thân được người đứng đầu nhà nước chứng kiến và lại còn được ông hết lời ngợi ca. Vụ thử vũ khí ấy và loại vũ khí mới ấy chắc chắn phải có ý nghĩa rất đặc biệt đối với đất nước ấy và cá nhân người đứng đầu đất nước ấy, đương nhiên không chỉ thuần tuý có về phương diện quân sự, quốc phòng và an ninh.
Vụ thử vũ khí kia diễn ra ở Nga và loại vũ khí kia là một thế hệ tên lửa mới có tên gọi là Avangard với tốc độ bay bằng 20 lần tốc độ âm thanh, tức là nhanh đến mức trên thế giới hiện tại không quốc gia nào có thể đánh chặn được.
Nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nên được coi là vũ khí chiến lược. Nó có khả năng tự điều chỉnh đường bay trong khi bay, lại bay ở độ cao mà các hệ thống radar không phát hiện được nên vô cùng lợi hại.
Lì xì năm mới của TT Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đó là "món quà tặng cho người Nga nhân dịp năm mới 2019" và không giấu giếm tâm trạng hài lòng khi so sánh nó có sức mạnh như "một thiên thạch hay một quả cầu lửa". Phía Nga cho biết ngay trong năm 2019 này, loại vũ khí mới kia sẽ được đưa vào sử dụng cho quân đội Nga.
Mô phỏng Avangard vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa trên đường đến mục tiêu. Ảnh: RT
Phía Nga để cho loại vũ khí mới này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối một năm có đầy biến động trong môi trường chính trị an ninh và đối ngoại của Nga.
Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận về giải trừ tên lửa hạt nhân tầm trung ký với Liên Xô năm 1987 (INF), NATO và EU tiếp tục đối đầu Nga, quan hệ giữa Mỹ và Nga chưa được cải thiện gì, Ukraine và Nga đưa đẩy mối bất hoà song phương lên đến mức xảy ra nổ súng và bắt giữ tàu chiến ở Eo biển Kerch.
Mỹ cũng còn đơn phương rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Dưới áp lực của Mỹ, các nước thành viên NATO đều tăng cường ngân sách quốc phòng, điều chỉnh chiến lược và bài binh bố trận lại ở châu Âu, đặc biệt ở khu vực láng giềng xung quanh Nga.
Cả trên phương diện vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân, trên thế giới hiện tại đều không còn có giải trừ quân bị nữa, thậm chí đến việc kiểm soát vũ trang cũng không còn như trước nữa.
Trong bối cảnh tình hình như thế, động thái nói trên của Nga là việc dùng cách thức mới để đạt mục tiêu cũ như Mỹ và NATO. Tăng ngân sách quốc phòng phục vụ cho mục tiêu tăng cường vũ trang.
Mỹ rút khỏi INF thì Nga chẳng bị ràng buộc gì nữa vào INF. Bên này tăng cường vũ trang thì bên kia cũng sẽ như vậy. Mục đích của việc tăng cường vũ trang là đối phó nhau và răn đe nhau. Chế tạo ra vũ khí mới cũng là tăng cường vũ trang. Hiện đại hoá vũ khí hạt nhân cũng là tăng cường vũ trang.
Thời chiến tranh lạnh đã không xảy ra và thời nay cũng sẽ không xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Nga hay giữa NATO với Nga.
Nhưng bên nào cũng tăng cường vũ trang vì tăng cường vũ trang đưa lại tăng cường sức mạnh quân sự và sức mạnh quân sự vẫn là một trong những nhân tố quyết định vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới, bởi chừng nào cuộc chơi chính trị và quyền lực thế giới vẫn còn dai dẳng thì chừng ấy tác động của nhân tố này vẫn còn được các đối tác liên quan coi trọng và ưu tiên. Xưa đã thế, nay đang thế và tới đây cũng sẽ vẫn như thế.
Chỉ có điều là tăng cường vũ trang thời nay khác thời xưa. Chuyện bây giờ không còn là anh có bao nhiêu vũ khí gì thì tôi cũng như thế mà là cách thức răn đe và tạo mối đe doạ an ninh khác cũng như chế tạo những chủng loại vũ khí ưu việt hơn.
Nga tăng cường vũ trang theo cách ấy để vừa duy trì sự cân bằng chiến lược với Mỹ vừa phân hoá Mỹ với các đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ ở châu Âu. Mỹ, EU và NATO càng làm khó Nga trong vấn đề Crimea và Ukraine cũng như càng dè chừng Nga ở Syria thì Nga càng coi trọng việc tăng cường vũ trang.
Tăng cường vũ trang và chạy đua vũ trang thì dễ trong khi giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang lại rất khó. Khi xưa, việc chạy đua vũ trang và tăng cường vũ trang hay giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang được coi là chuyện riêng giữa Nga với Mỹ và NATO.
Nhưng bây giờ, tất cả những quá trình kia liên quan đến nhiều quốc gia khác nữa và không còn loại trừ những quốc gia này. Đấy cũng lại là một lý do khác nữa khiến chiều hướng tăng cường vũ trang và chạy đua vũ trang sẽ gia tăng chứ không giảm trên thế giới trong thời gian tới.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.