Món Huế bị san phẳng trong tích tắc: Nhà đầu tư, chủ nợ lấy lại được gì?

Nguyễn Tuân |

Vụ việc chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa và treo biển thông báo trả mặt bằng khiến rất nhiều nhà cung cấp, người lao động hoang mang bởi công ty sở hữu chuỗi nhà hàng này đang nợ tiền của họ.

Quyền lợi của những nhà cung cấp nguyên liệu cho chuỗi nhà hàng Món Huế (chủ nợ) và người lao động trong vụ việc này đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Thực tế, từ cuối tháng 9/2019, BLĐ Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đã có thông báo sẽ đóng cửa những chi nhánh hoạt động không hiệu quả, tập trung nguồn lực cho các chi nhánh tiềm năng và doanh số cao.

Tuy nhiên, việc bất ngờ đóng cửa một loạt cửa hàng tại miền Bắc (Hà Nội) và miền Nam (TP.HCM) đã khiến các chủ nợ, nhân viên và thậm chí cả các nhà đầu tư đã rót vốn vào startup này cảm thấy sốc.

Trong diễn biến mới nhất, sáng ngày 24/10, một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam Group Limited (công ty mẹ của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế) đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty , tại Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Món Huế bị san phẳng trong tích tắc: Nhà đầu tư, chủ nợ lấy lại được gì? - Ảnh 1.

Nhiều mặt bằng cửa hàng Món Huế ngay lập tức được chủ nhà cho bên khác thuê lại. Ảnh: Nhịp cầu Đầu tư.

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng việc doanh nghiệp kinh doanh sa sút, mất khả năng thanh toán dẫn tới phải đóng cửa là điều không ai mong muốn.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có bất kỳ thông tin gì về pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng này bỏ trốn, trốn nợ. Do đó các chủ nợ, các nhà cung cấp, người lao động,… có thể trực tiếp liên hệ các pháp nhân này để yêu cầu thanh toán các khoản nợ.

Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp các pháp nhân này cố tình không thanh toán, hoặc chậm thanh toán, các chủ nợ, nhà cung cấp, người lao động có quyền khởi kiện, yêu cầu doanh nghiệp đó thanh toán các khoản nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Đối với những khoản nợ hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hoặc việc chậm lương đã quá 03 tháng mà doanh nghiệp chây ì không trả, các chủ nợ, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Món Huế bị san phẳng trong tích tắc: Nhà đầu tư, chủ nợ lấy lại được gì? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội.

“Trong trường hợp này, quyền lợi của các chủ nợ, người lao động sẽ được giải quyết dựa trên quy định của pháp luật về phá sản.

Các chủ nợ, các nhà cung cấp và người lao động có đòi được tiền nợ hay không và đòi được bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào số tài sản còn lại của pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế,” luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ, người lao động có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động quy định tại Điều 70 Luật phá sản.

“Trường hợp có nhiều pháp nhân cùng sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế, và có nghĩa vụ liên đới về một khoản nợ mà một hoặc tất cả các doanh nghiệp đó mất khả năng thanh toán thì chủ nợ có quyền đòi bất cứ doanh nghiệp nào trong số các doanh nghiệp đó thực hiện việc trả nợ cho mình theo quy định của pháp luật.” – Luật sư Cường phân tích.

Ngoài ra, trường hợp các chủ nợ nhận thấy vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì có thể tố cáo ra cơ quan Công an, Viện kiểm sát theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 70 Luật phá sản quy định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sau đây:

a) Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác;

b) Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp;

c) Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;

d) Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp;

đ) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;

e) Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;

g) Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định;

h) Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

i) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Điều 54 Luật phá sản 2014, nếu các pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế còn tài sản thì các tài sản còn lại sẽ được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại