Chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc từng đọc "một rổ" bí quyết giúp chúng ta tiết kiệm tiền. Là một người phụ nữ đã có gia đình, đang nuôi con nhỏ chỉ mới 26 tháng tuổi, hơn ai hết, tôi hiểu rằng việc tự nấu cơm trưa mang đi làm sẽ tiết kiệm hơn hẳn việc đặt đồ ăn ở ngoài; hoặc hạn chế mua sắm online cũng giúp chiếc ví bớt hao gầy đi.
Biết, có biết! Nhưng cũng giống như nhiều người khác, tôi chưa làm được. Vì sao ư? Việc nấu ăn cho con nhỏ và đi làm 8 tiếng mỗi ngày khiến tôi quá kiệt sức để có thể nấu cơm cho 2 vợ chồng. Những lúc căng thẳng, ngoài lướt mạng ra, tôi chẳng biết làm gì khác. Mà bạn biết đấy, mọi mạng xã hội rồi sẽ đều dẫn chúng ta tới các sàn mua sắm online. Tôi thừa nhận mình không thể cưỡng lại "sức hút" này.
Ảnh minh họa
Vậy chẳng lẽ không có cách nào để tôi hoặc những người phụ nữ như tôi kiểm soát hành vi tiêu tiền và bắt đầu tiết kiệm được ư? Tôi đã đau đáu với băn khoăn này suốt hơn 1 tháng trời. Giải pháp thực ra rất đơn giản: Nếu không thể cùng lúc từ bỏ tất cả những hành vi bào mòn chiếc ví, hãy bắt đầu với từng thứ một!
Dưới đây là 3 điều tôi đã làm để việc thay đổi thói quen tiêu tiền trở nên dễ dàng, bớt áp lực hơn.
1. Mang cơm đi làm cách ngày
Như tôi đã nói từ đầu, vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng và chẳng ai có thói quen mang cơm đi làm. Đến bữa tối, chúng tôi còn gọi đồ ăn về nhà chứ hiếm khi tự nấu. Việc ngay lập tức thay đổi hoàn toàn thói quen này với tôi là điều không khả thi chút nào. Biết là thế, nên thay vì ép mình phải vào bếp mỗi ngày, tôi tập dần thói quen nấu cơm cách ngày.
Giả như hôm nay tôi nấu bữa tối và cố nấu dư ra một chút để trưa mai vợ chồng có cơm mang đi làm, thì tối ngày hôm sau, tôi sẽ không vào bếp nữa mà đặt đồ ăn ở ngoài.
Với mọi người, việc nấu nướng có thể đơn giản, nhanh gọn nhưng với tôi thì không vì trước khi có con, số lần tôi vào bếp chưa quá 10 đầu ngón tay. Khi con tròn 6 tháng và bắt đầu ăn dặm, tôi mới vào bếp hàng ngày nhưng chỉ là để nấu đồ cho con mà thôi.
Sau 1 tháng áp dụng thói quen vào bếp cách ngày, mang cơm đi làm cách ngày, hiện tại, vợ chồng tôi chỉ ăn ngoài khoảng 10 bữa 1 tháng. So với trước đây, dù chưa thể cắt giảm hoàn toàn việc đặt đồ ăn nhưng với chúng tôi, đây thực sự là thay đổi mang tính bước ngoặt.
2. Xem phim, nghe podcast vào lúc rảnh rỗi thay vì lướt mạng xã hội
Thực ra khoảng thời gian rảnh của tôi trong 1 ngày cũng không có nhiều. 9h sáng đi làm tới 6h chiều, về nhà lại tất tả đi đón con, tắm gội và cho con ăn. Tính ra, tôi "đốt tiền" cho việc mua sắm nhiều nhất vào khoảng 11h đêm tới 1h sáng, đó là lúc duy nhất tôi có thời gian "để thở" và update cuộc sống ngoài kia.
Nhận ra bản thân không thể kìm lòng mà cứ chốt đơn liên tục khi lướt mạng xã hội, tôi bắt đầu cắt giảm quỹ thời gian vô bổ này. Đương nhiên, không thể từ bỏ việc lướt mạng được rồi nhưng thay vì lướt tới khi mắt díu lại, tôi chỉ cho phép mình lướt mạng xã hội trong 30 phút. Nếu sau đó vẫn chưa thấy buồn ngủ, tôi và chồng sẽ xem phim hoặc cùng nhau nghe podcast.
Cùng nhau xem phim hoặc cùng nghe podcast cũng giúp vợ chồng tôi có thêm thời gian bên nhau sau một ngày quần quật kiếm tiền ở chốn công sở
Làm như vậy, vừa hạn chế việc mua sắm lúc nửa đêm, vừa tiếp cận được thêm nhiều kiến thức thú vị. Bạn biết đấy, vũ trụ podcast hiện tại đa dạng nội dung lắm mà!
3. Gỡ liên kết thẻ tín dụng với các trang mua sắm online
Vợ chồng tôi, mỗi người đều đang dùng 1 thẻ tín dụng và đều liên kết thẻ này với các trang mua sắm trực tuyến. Việc gỡ liên kết 2 thứ này với nhau khiến tôi có thêm khoảng 30 giây cân nhắc trước khi quyết định chốt 1 đơn hàng online.
Nếu thực sự muốn mua món đồ đó và áp mã giảm giá, tôi sẽ phải thêm phương thức thanh toán thay vì trả tiền mặt, việc này rất mất thời gian. Không phải lúc nào tôi cũng kè kè chiếc thẻ tín dụng bên mình, nhất là khi tôi lại hay chốt đơn vào lúc nửa đêm.
"Lười đi tìm cái thẻ quá, thôi để mai mua" - Tôi đã như vậy không biết bao nhiêu lần kể từ khi bỏ liên kết thẻ tín dụng với các trang mua sắm online, và hẳn rồi, lượng đơn tôi chốt cũng giảm đi đáng kể.
Thử bỏ liên kết thẻ tín dụng với các trang mua sắm đi, việc này khá hiệu quả nếu bạn đang muốn hạn chế mua sắm đấy!
Sau 1 tháng thực hiện 3 sự thay đổi, số tiền mà vợ chồng tôi tiết kiệm được rơi vào khoảng 3500 Nhân Dân tệ/người (khoảng 11,9 triệu đồng). Tính ra tổng số tiền mà chúng tôi tiết kiệm được là 7000 Nhân Dân tệ (gần 24 triệu đồng).
Là một cặp vợ chồng đã từng nỗ lực tiết kiệm hàng tháng nhưng đều thất bại, lần này, chúng tôi khá tự tin mình sẽ thành công, không đi vào vết xe đổ như những lần trước.